Một số món ăn Ngày Tết của người Cơ Tu

08/12/2015 15:50

Theo dõi trên

Trong các dịp Tết Nguyên đán người Cơ tu vẫn luôn tự tay chuẩn bị những món ăn truyền thống mang phong vị quê nhà của mình.


Mâm cỗ Ngày Tết của người Cơ Tu

Từ trung tuần tháng chạp hàng năm, người Cơ Tu đã bắt đầu tất bật vào rừng để hái lá dong, lá đót, ống giang, ống tre, ống nứa tươi và chuẩn bị gạo nếp, đi săn thú rừng, bắt cá,… để chuẩn bị nguyên vật liệu cho các món ăn truyền thống của mình trong dịp lễ Tết.

Trước đây, người Cơ Tu thường ăn Tết riêng tức là Tết ăn cơm mới sau mỗi vụ mùa. Vài năm trở lại đây, người Cơ Tu Quảng Nam cũng ăn Tết cổ truyền như người Kinh nhưng vẫn giữ được nét văn hóa ngày Tết riêng biệt của dân tộc mình.

Tết đến nhà nhà đều dọn dẹp, sửa san lại nhà cửa cho tươm tất, sạch đẹp. Chuồng trại, lối đi, sân vườn, góc bếp cũng được quét dọn cẩn thận, phát quang bụi rậm, cỏ cây. Trống chiêng, chum chóe, giáo mác và các vật dụng quý giá trong gia đình và trong nhà Gươl được lau chùi cẩn thận. Đặc biệt, nếu làng nào có điều kiện thì dân làng còn chuẩn bị một cây cột đâm trâu được trang trí, chạm trổ màu sắc rất đẹp dựng trước nhà Gươl để chuẩn bị cho lễ hội đâm trâu và tổ chức các sinh hoạt cộng đồng truyền thống (đánh cồng chiêng, múa Tung tung - Da dá, hát dân ca, hát giao duyên, kể chuyện,…) để thể hiện sự vui mừng trong năm mới và bày tỏ lòng thành, sự biết ơn lên thần linh.

Với người Cơ tu, ẩm thực ngày tết thì không thể không có rượu. Hai loại rượu truyền thống đặc sắc của người Cơ tu là rượu Tà vạt và rượu cần. Việc chuẩn bị thức ăn, thức uống của người Cơ tu thường bắt đầu bằng việc chuẩn bị rượu dùng cho dịp tết. Rượu Tà vạt được xem là một loại đặc sản của người Cơ tu. Đây là một loại rượu hoàn toàn tự nhiên không qua chế biến, có vị thơm ngọt uống rất ngon, bổ.




Gói bánh sừng trâu chuẩn bị cho Tết

Cùng với việc chuẩn bị các loại rượu, người Cơ tu còn bắt đầu các công việc khác như hái lá, giã gạo, săn bắt thú,… để chuẩn bị nguồn thức ăn ngon trong những ngày tết. Đến với đồng bào Cơ tu ngày lễ tết có một món ăn truyền thống nhìn hình thù khá vui mắt, đó là một loại bánh mang hình chiếc sừng trâu dài khoảng gang tay. Theo họ, đây là loại bánh không thể thiếu được trong mâm lễ cúng dâng lên Giàng, các vị thần và ông bà, tổ tiên giống như người Kinh không thể thiếu bánh chưng trong ngày tết. Người Cơ tu gọi bánh này là Avị cuốt - bánh sừng trâu. Còn có tên gọi khác là bánh đót vì nó được gói bằng lá đót. Bánh được làm bằng nếp không có nhân, sau đó dùng lá đót để gói. Lá đót được dùng để gói bánh phải to bản, không bị rách được lau sạch sẽ. Gói xong thì cột bánh lại thành từng cặp và ngâm vào nước 2 - 3 tiếng rồi mới luộc bánh. Bánh chín tỏa hương thơm của nếp lẫn với mùi thơm của lá đót rất hấp dẫn.



Đồng bào Cơ Tu dùng món Z’ ră trong Ngày Tết

Chuẩn bị rượu, bánh truyền thống đầy đủ, người Cơ tu còn làm các món mặn để nhắm trong bữa tiệc năm mới. Tiêu biểu có món Z’ ră, được xem là món ăn ngon miệng đặc trưng của người Cơ tu. Món này bao gồm thịt rừng, cá, chim, ếch nhái… trộn với các loại rau, măng, ớt và một ít các loại gia vị được nhồi vào trong ống tre hoặc ống nứa tươi rồi nướng lên. Sau đó dùng một cây gai song mây (a dương) thọc vào cho nhuyễn thức ăn. Ngày tết, bên chén rượu thơm nồng cùng với món Z’ ră mềm nhuyễn tỏa hương ngào nhạt, hấp dẫn mọi người cùng chung vui ăn mừng cho một năm mới với nhiều may mắn, hạnh phúc.

Ngày Tết, người Cơ tu gặp nhau trò chuyện, chúc mừng năm mới tại nhà Gươl hoặc tại mỗi gia đình thường uống rượu tà vạt hoặc rượu cần để chúc tết, trao nhau những lời tốt đẹp và để cầu mong một năm mới sức khỏe, công việc thuận lợi, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Một số món ăn Ngày Tết của người Cơ Tu" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.