Một góc nhìn thực tế về văn hóa thờ Mẫu

15/09/2014 15:16

Theo dõi trên

100 tập phim ký sự truyền hình “Việt Nam-văn hóa thờ Thánh Mẫu” sẽ cho khán giả một góc nhìn chân thực về tín ngưỡng này.

Bộ phim ký sự truyền hình “Việt Nam - bản sắc văn hóa - Thờ Thánh Mẫu” với độ dài 100 tập (15 phút/ tập) sẽ là bức tranh toàn cảnh về bản sắc văn hóa Việt Nam. Phim mới được bấm máy trong ba tháng, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm nay và được giới thiệu trên truyền hình để đông đảo công chúng hiểu rõ hơn về Tín ngưỡng thờ Mẫu, từ đó có nhận thức đúng, hành động đúng đối với di sản này.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ông Nguyễn Minh Tuân- tác giả kịch bản kiêm đạo diễn của bộ phim, người dành thời gian nghiên cứu, ấp ủ đề tài này hơn 10 năm mới thực hiện.

+ Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được biết đến với những sinh hoạt dân gian, tín ngưỡng đặc sắc như hát Chầu Văn, hầu đồng… Liệu bộ phim dài 100 tập của ông có điểm gì đặc biệt đối với khán giả?

-  Tôi không phải là nhà nghiên cứu, nhưng tôi đã tìm hiểu Tín ngưỡng thờ Mẫu với tư cách một nghệ sĩ để làm ra tác phẩm. Tôi làm phim không phải để tăng tính hấp dẫn mà để người xem hiểu rõ hơn về Tín ngưỡng thờ Mẫu- văn hóa thờ Mẫu, từ đó có những nhận thức và hành động đúng với Tín ngưỡng này.

Mọi người hay gọi là tín ngưỡng thờ Mẫu hay đạo Mẫu, nhưng tôi nghĩ rằng nó mang ý nghĩa bao trùm hơn thế, là văn hóa thờ Thánh Mẫu. 

+ Bộ phim sẽ đề cập đến những vấn đề gì, thưa ông?

- Nội dung phim được triển khai theo nhiều tuyến khác nhau như: Tín ngưỡng thờ Mẫu là Tín ngưỡng bản địa từ lâu đời, có nguồn gốc từ thời hình thành dân tộc, trải qua thời lập quốc với tâm thức Mẹ Âu Cơ, thỏa mãn nhu cầu phồn thực, sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp. Đến thế kỷ XV, với sự phát triển nhà nước phong kiến độc lập, đặc biệt với sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tục thờ Mẫu đã phát triển thành Mẫu Tứ Phủ và tồn tại, phát triển rộng rãi ở cả đô thị, nông thôn.

Tục thờ Mẫu cũng theo chân người Việt vào miền Trung, hòa nhập với Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Chăm (thờ Mẹ Xứ sở Po Inu Gar) ở phía Nam để hình thành nên tục thờ Thánh Mẫu Thiên Ya Na của người Việt ở nam Trung bộ, hỗn dung với tục thờ Mẫu của người Khơ Me, người Hoa ở Nam bộ để thành tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ, thờ Bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu), thờ Thiên Hậu ở Nam Bộ. Điều này tạo nên bức tranh tín ngưỡng thờ Mẫu hết sức đa dạng không chỉ của người Việt mà của các dân tộc thiểu số khiến cho văn hóa thờ Mẫu vừa mang nét thống nhất quốc gia, vừa đa dạng sắc thái văn hóa vùng miền và tộc người. Hơn thế nữa, trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, Tín ngưỡng thờ Mẫu đã hòa nhập với các tôn giáo khác như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo (tam giáo) để càng làm phong phú hơn các sắc thái của mình.

Bộ phim đi sâu thể hiện những khía cạnh tín ngưỡng và văn hóa của Tín ngưỡng thờ Mẫu như hệ thống điện thần với hơn 50 vị Thánh, các nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đó tiêu biểu nhất là nghi lễ Chầu Văn, sự tích hợp các sinh hoạt văn hóa như âm nhạc, hát văn, múa thiêng, lễ phục tương ứng với các vị Thánh, đồ lễ, ẩm thực, các hình thức kiến trúc đề, phủ, điện…

Từ những hiện tượng, hình ảnh đó, bộ phim làm rõ những giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu, quan niệm thế giới quan gắn con người với “Mẹ tự nhiên”, nhân sinh quan hướng ước vọng con người vào thế giới trần gian (Phúc- Lộc- Thọ), chủ nghĩa yêu nước với tâm thức uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hợp khoan dung văn hóa giữa các dân tộc.

+ Phải chăng đây là một đề tài khó khiến ông phải mất hơn chục năm ấp ủ?

- Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, tôi nhận thấy nguồn phổ cập tín ngưỡng này trong người dân hiện nay bị mai một đi nhiều cho nên ít người hiểu được sự sâu xa, nét tinh hoa của văn  hóa thờ Thánh Mẫu. Điều đó dẫn đến việc một số người không hiểu nhưng lại vì tín mà có những việc làm, những suy nghĩ, cảm nhận không đúng văn hóa và đúng nét truyền thống của đạo Mẫu.

Đến bây giờ, tôi mới hiểu, số người theo Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam rất nhiều. Thực ra, về mặt tâm linh, tín ngưỡng này có ảnh hưởng đến cuộc sống rất lớn, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Đến bây giờ, Nhà nước, Bộ VHTTDL mới có sự công nhận ở mức độ nào đó.

+ Vậy theo ông, Tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị gì đặc biệt?

- Thông qua tín ngưỡng thờ Mẫu cha ông ta đã đoàn kết dân tộc. Mỗi giá hầu đồng, hầu thánh người ta đều tôn vinh văn hóa của các dân tộc, đó là những người Dao, Nùng, Mèo… Kèm theo nữa, tín ngưỡng thờ Mẫu tôn vinh chủ nghĩa anh hùng dân tộc. Vì trên thực tế, trong 72 giá hầu đồng nói chung và 32 giá người ta thường áp dụng trong một giá hầu, có rất nhiều nhân vật là các vị anh hùng dân tộc. Tôi lấy ví dụ, giá hầu “Lục Bộ Trần triều” chính là anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, rồi Quan lớn Triệu Tường, ông là nhân thần chứ không phải là thánh thần, không phải từ trên trời, ngọc hoàng, thánh mẫu sinh ra. Ông là người trần, nhưng được xếp vào hàng thần vì là người phò vua đánh đông dẹp bắc diệt giặc.

Một thông điệp nữa chúng tôi muốn gửi gắm là những giá trị chuẩn mực của hầu đồng xưa bị mất đi rất nhiều. Cho nên, ta không thể lấy giá trị của hầu đồng xưa để đánh giá hôm nay. Công việc đó là dành cho các nhà nghiên cứu, các nhà lịch sử. Còn chúng tôi chỉ muốn mọi người có khái niệm chính xác, để không vượt quá giới hạn của văn hóa. Chúng ta tự hào về nền văn hóa thì hãy làm đúng theo giá trị chuẩn mực của nền văn hóa đó.

+ Theo ông, với Tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay, có điều gì là không đúng với giá trị chuẩn mực của văn hóa đó?

- Tôi lấy ví dụ, việc tung tiền, đây là hình thức biến thái. Thực ra, trong khi thờ Mẫu, thanh đồng đó thành kính dâng lên Ban thờ công đồng hay Mẫu kim ngân vàng tiền và làm rất thành kính, nhưng ngày nay, làm theo chiều hướng tung tiền. Lúc ban tiên cũng vậy, lộc cho mọi người thì phải đưa tận tay chứ không phải là ném. Đây là điều không hợp lý.

Tôi hy vọng, khi bộ phim hoàn thành và được gửi tới khán giả, sẽ đưa ra những cái hành lễ chưa chuẩn chỉ để góp ý, hướng dẫn cho người dân thực hành di sản đúng với chuẩn mực văn hóa truyền thống!

+ Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Tổ quốc
Bạn đang đọc bài viết "Một góc nhìn thực tế về văn hóa thờ Mẫu" tại chuyên mục Sân khấu - Phim ảnh. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.