Mô hình trồng nấm ở Yên Thành

14/03/2016 10:48

Theo dõi trên

Gặp anh Nguyễn Thọ Hạnh tại phòng làm việc của ông Phan Thế Trung - Bí thư Đảng ủy xã Nam Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), tôi không nghĩ anh là người đi đầu, đưa mô hình sản xuất nấm từ các tỉnh phía Bắc về với quê lúa Yên Thành. Thăm “trang trại” nấm của anh Hạnh, tôi mới thực sự mừng về mô hình sản xuất nấm đang mang lại hiệu quả tốt ở vùng nông thôn này.

Khi chính quyền vào cuộc…

Ở nhiều tỉnh phía Bắc, nghề trồng nấm đã được Viện Di truyền (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) giúp đỡ và sản xuất thành công từ nhiều năm nay. Nhưng với Yên Thành - một huyện thuần nông ở Nghệ An thì mô hình này vẫn còn được coi là “mới”.

Anh Hạnh nhớ lại, tháng 3 năm 2011, huyện Yên Thành tổ chức cho cán bộ Hội Nông dân xã Nam Thành, Khánh Thành, Quang Thành, Hợp Thành đi tham quan mô hình trồng nấm ở 3 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Ninh Bình. Đoàn có 15 người, do ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu.  

Khi tham quan mô hình trang trại nấm, nghe các chủ trại chia sẻ về kỹ thuật, về nguyên liệu, về “đầu ra, đầu vào”, các thành viên trong đoàn đều cảm thấy “trồng nấm thật đơn giản”. 4 ngày đi qua 3 tỉnh, đến với một số mô hình trồng nấm do Hội Nông dân địa phương giới thiệu, các thành viên trong đoàn đều cảm thấy háo hức và xác định sau chuyến tham quan này sẽ về làm ngay. 

Sau chuyến tham quan, huyện Yên Thành thành lập hẳn “Ban Chỉ đạo sản xuất nấm” do ông Nguyễn Sỹ Hưng làm Trưởng Ban. Ông Hưng đã “đặt vấn đề” với Trung tâm Giống nấm tỉnh Bắc Giang, “nhờ họ chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn bà con nông dân làm nấm từ a tới z”, anh Hạnh kể.

Để “tạo đà”, UBND huyện Yên Thành hỗ trợ mỗi dự án 20 triệu đồng xây dựng “1 lò hấp thanh trùng” và tiền mua nguyên liệu và mua giống lần đầu. Ban chỉ đạo huyện cũng chỉ đạo Đảng ủy, chính quyền các xã vào cuộc, cho các hộ “mượn” đất để làm xưởng. Ban chỉ đạo sản xuất nấm của huyện cũng tổ chức 1 lớp dạy nghề trồng nấm do cán bộ của Trung tấm Giống nấm tỉnh Bắc Giang làm giảng viên. Lớp học được đào tạo theo kiểu “cầm tay, chỉ việc”, nói đến đâu, thực hành tới đó.  
 


Anh Nguyễn Thọ Hạnh bên sản phẩm của mình

Sau thất bại, là thành công!

Anh Hạnh kể: “Tôi là người hăng hái, xung phong làm thí điểm đầu tiên. Được sự giúp đỡ của Ban chỉ đạo sản xuất nấm của huyện, sự quan tâm của Đảng ủy và chính quyền xã Nam Thành, cùng với sự giúp đỡ tận tình của cán bộ Trung tâm Giống nấm Bắc Giang, tôi bắt tay ngay vào việc và lấy “trang trại” của mình làm mô hình thì điểm đầu tiên. Tôi xác định, thành công nào cũng không thể tránh khỏi thất bại, nhưng có thầy bên cạnh, dễ khắc phục hơn.

Anh Hạnh được Đảng ủy, UBND xã Nam Thành cho mượn dãy nhà cấp 4 - là điểm trường cũ của Trường Tiểu học xã Nam Thành bỏ hoang, làm “trang trại” sản xuất nấm. Tại “trang trại” anh Hạnh, trong thời gian ngắn, đã được cán bộ Trung tâm Giống nấm Bắc Giang hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất 4 loại sản phẩm: Nấm Rơm, nấm Mỡ, Mộc Nhĩ và nấm Linh Chi. Học đến đâu, anh Hạnh thực hành ngay tới đó. Thế nhưng, do khí hậu, do nguyên liệu, do môi trường và do tay nghề học viên mới nên qua 4 lần thất bại, những bầu nấm đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch.

Vào thời điểm chúng tôi có mặt ở trang trại anh Hạnh, những “công nhân” vẫn tiếp tục đóng bầu cho vụ sản xuất mới. Trại đang ươm cả 4 loại nấm và có 1 phòng sản xuất giống nấm C1 và C2. Anh Hạnh trình bày rất lưu loát kỹ thuật trồng các loại nấm, chu kỳ sinh trưởng mỗi loại, kỹ thuật vệ sinh trại sau mỗi lần thu hoạch… Theo anh Hạnh, nguyên liệu sản xuất nấm rất dễ kiếm đối với vùng nông thôn, như: rơm, mùn cưa các loại cây có mủ, bông, túi ni-lông, phôi và một ít bột nhẹ, đạm SA, lân, đạm UREA, vôi…

Sau khóa học, từ mô hình trang trại nấm anh Hạnh, những học viên tham gia khóa học bắt đầu “thử sức”, cùng giúp nhau sản xuất nấm. 28 thành viên của lớp học có đã liên kết lại thành lập Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nấm Đoàn Kết. Mỗi trành viên có 1 trại nấm riêng tại nhà. Theo điều lệ, mỗi thành viên tham gia HTX đóng cổ phần 5 triệu đồng. Từ mô hình của anh Hạnh, đến nay, đã hình thành và lan tỏa ra các xã: Viên Thành, Khánh Thành, Công Thành, Long Thành, Hợp Thành, Quang Thành, Tân Thành, Xuân Thành, Lý Thành, Đô Thành, Phúc Thành, Hậu Thành, Liên Thành. Trại nấm nào cũng giải quyết việc làm tại chỗ từ 8 đến 10 lao động với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. 

Ông Hạnh khẳng định: “Trồng nấm không khó! Lợi nhuận thu về khoảng 40% tổng vốn đầu tư, giải quyết việc làm rất tốt cho lao động nông thôn, sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết ngay tới đó”. 

Ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành nhận xét: “Mô hình trồng nấm ở Yên Thành đang phát triển tốt, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích bà con nông dân triển khai, nhân rộng mô hình này. Trong các xã làm Nấm, Nam Thành được đánh giá là đi đầu và quy mô trại của hộ sản xuất cũng bài bản, có sản lượng lớn nhất tính đến thời điểm hiện nay”.

Trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới, mô hình Hợp tác xã sản xuất nấm được coi là phương thức sản xuất phù hợp mà nhiều địa phương cần tham khảo, áp dụng.  
 
Trần Cường

Bạn đang đọc bài viết "Mô hình trồng nấm ở Yên Thành" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.