Đường vào rạch Bà Kiểu ngày nay được láng nhựa rộng thênh. Hai bên đường nhà cửa mọc lên san sát. Ông Đỗ Văn Ba - Trưởng ấp Lũy, cho biết: “Thời còn đánh Mỹ, khu vực này dân không sinh sống, lầy lội lắm. Bây giờ thì khác nhiều rồi, người dân ở đây chủ yếu nuôi tôm, cua hoặc đi làm công nhân, có cuộc sống ổn định”. Điều đó được chứng minh bằng con đường láng nhựa dẫn vào ấp Lũy, những tuyến giao thông nông thôn được trải bêtông len trong ngõ xóm. Nhà dân hai bên đường đa phần là nhà kiên cố. Cuộc sống đậm vẻ bình yên.
Nước trên rạch Bà Kiểu cứ lững lờ trôi. Cầu bắc qua rạch cũng là cầu bêtông kiên cố. Dưới chân cầu là bia tưởng niệm trận đánh Rạch Bà Kiểu năm xưa. Trên bia ghi rõ: “Khu vực Rạch Bà Kiểu xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân - dân vùng hạ Cần Giuộc trong chiến dịch 18 ngày đêm đánh Mỹ (ngày 8 - 25/4/1967)”. Theo ông Ba, tấm bia trước đây được người dân lập lên từ sau ngày đất nước thống nhất, sau đó chính quyền địa phương nâng cấp và được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 1993.
Theo Địa chí Long An, là vùng giáp ranh thành phố nên trong 2 cuộc kháng chiến, đặc biệt là kháng chiến chống Mỹ, Cần Giuộc được xem là bàn đạp quan trọng vào đô thị, trở thành nơi ém quân, tích trữ vũ khí, đạn dược, che giấu cán bộ,… Mỗi xã ven đô của Cần Giuộc được xem là một pháo đài chiến tranh nhân dân. Vì thế, vùng đất ấy từng hứng chịu biết bao bom đạn của kẻ thù nhưng tinh thần chiến đấu ngoan cường thì không thể nào khuất phục. Và Phước Lại là một trong những “lá cờ đầu” của phong trào.
Chiến thắng Rạch Bà Kiểu là trận chiến nhằm chống lại mục tiêu xóa bỏ vùng giải phóng và các căn cứ cách mạng ở vùng hạ của địch vào tháng 4/1967. Địch đã triển khai 1 lữ đoàn cùng nhiều trực thăng tiến thẳng về vùng hạ mà trọng tâm là xã Phước Lại. Bộ đội huyện phối hợp lực lượng du kích địa phương anh dũng chống lại cuộc càn quét của địch. 18 ngày đêm với hơn 30 trận đánh, ta đã bắn rơi 2 trực thăng, tiêu diệt và làm bị thương trên 200 tên địch, trong đó có hơn 30 lính Mỹ.