Long Điền, Chợ Thủ quê anh…

12/04/2018 16:37

Theo dõi trên

Nhắc đến huyện cù lao Chợ Mới, tỉnh An Giang, người ta thường hình dung về một vùng đất phù sa trù phú với những mảnh vườn, đồng ruộng xanh tươi; người dân chân chất với công việc làm nông như bao vùng “trên cơm dưới cá” khác.

Ít ai nghĩ rằng trên mảnh đất thuần nông ấy, từ lâu đã tồn tại một làng nghề thủ công chạm trổ vang danh khắp vùng châu thổ sông Cửu Long - làng nghề thủ công truyền thống chạm trổ gỗ Chợ Thủ.
 
 
Lao động trẻ làng nghề Chợ Thủ chạm khắc sản phẩm. Ảnh: Lê Nghĩa

Làng nghề vang danh
 
Các cụ cao niên ở Chợ Thủ kể rằng, vào khoảng thế kỷ 19, làn sóng di dân từ các tỉnh phía bắc vào sinh sống ở miền Tây Nam Bộ ngày một đông.

Ban đầu tập trung ở Gò Công, Tiền Giang, sau đó lan sang các tỉnh khác, trong đó có những chòm xoài gần bờ sông Cổ Hũ (nay là khu vực làng nghề chạm trổ Chợ Thủ, tại xã Long Điền A, huyện Chợ Mới). Những người dân di cư mang theo nghề mộc rất tinh xảo từ quê cha đất tổ vào vùng đất mới, tìm phương an cư lập nghiệp.
 
Họ truyền nghề lại cho con cháu mình và dạy cả những người có nhu cầu học nghề tại địa phương. Lúc đầu, nghề mộc chủ yếu làm đồ gia dụng phục vụ sinh hoạt gia đình, sau phát triển thêm những công đoạn chạm trổ sắc sảo và công phu.
 
Dần dần sản phẩm mộc mang đậm dấu ấn rất riêng của những bàn tay người thợ tài hoa Chợ Thủ. Nhiều nghệ nhân của làng nghề nổi tiếng khắp Nam Bộ, được mời đi nhiều nơi để tạo tác những công trình kiến trúc, thờ tự…
 
Có thể kể đến những nghệ nhân tiêu biểu như: Hồ Xuân Lai (Tư Chia), Huỳnh Văn Xíu (Chín Xíu), Huỳnh Văn Vinh (Tám Vinh)…
 
Nghề mộc và chạm trổ phát triển đã giúp người dân ăn nên làm ra. Xóm thôn từ đó mà hình thành thêm chợ búa, buôn bán những sản phẩm chạm trổ ngày một nhộn nhịp.
 
Một số tư liệu cho rằng, Chợ Thủ là một trong những chợ quan trọng bậc nhất của tỉnh Long Xuyên thời Pháp thuộc và là một trong 12 chợ xuất hiện sớm và sầm uất nhất của tỉnh An Giang trước kia (trước cả chợ Long Xuyên và chợ Châu Đốc).
 
Để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, nghề chạm trổ gỗ ở Chợ Thủ cần đến rất nhiều dụng cụ chuyên dụng. Trong đó, các loại đục giữ vai trò cực kỳ quan trọng.
 
Thông thường, một bộ đục có khoảng 40 chiếc, gồm bốn loại chính: đục bạt, đục dũm, đục tách và cây chàng. Làm ra một sản phẩm chạm trổ ưng ý, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn với sự tham gia của cả thợ mộc lẫn thợ chạm. Đầu tiên là khâu chọn gỗ.
 
Các loại gỗ dùng để chạm khắc thường là gỗ quý. Gỗ thường được tập kết về Mỹ Luông, địa phương giáp với Chợ Thủ rồi sau đó xẻ gỗ và phân loại, chọn lọc.
 
Tiếp theo là tạo nền, tạo dáng. Nếu là chạm trổ hay chạm lộng thì trước tiên dùng khoang tạo lỗ xuyên qua thân gỗ rồi tra lưỡi cưa vào tiến hành cưa lộng theo đường nét đã vẽ sẵn.
 
Lưỡi cưa dùng để cưa lộng thường có bề gáy rất ngắn giúp đường cưa uyển chuyển linh hoạt theo nét hoa văn uốn lượn phức tạp. Nếu là chạm nổi hay chạm âm thì dùng đục bạt phá nền, tạo khung.
 
Khâu chạm trổ do thợ chạm đảm nhận. Những người thợ với tài năng, trí tưởng tượng và đôi bàn tay khéo léo của mình “thổi hồn mình vào trong từng thớ gỗ” bằng sự phối hợp nhuần nhuyễn bốn loại đục, chủ yếu là đục dũm hay đục tách, tạo tác nên nhiều đường nét, hình tượng mới lạ trên nền gỗ.
 
Cuối cùng là cạo láng, làm bóng và sơn, tô điểm thêm cho các hoa văn hình tượng đã có.
 
Ở Chợ Thủ không có thợ cẩn ốc xà cừ cho nên những sản phẩm nào cần cẩn ốc thì phải nhờ đến thợ chuyên môn ở Mỹ Luông thực hiện.
 
Đề tài chạm trổ, thường do khách yêu cầu hoặc do nghệ nhân sáng tạo, cũng có thể do họa sĩ chuyên nghiệp thiết kế.
 
Các mô-típ hoa văn có nội dung truyền thống như: tứ quý, tứ linh, bát tiên, lưỡng long tranh châu,… nhưng vẫn pha thêm cảm hứng sáng tạo của nghệ nhân.
 
Cùng với những biến động thời gian, làng nghề chạm trổ ở Chợ Thủ cũng có nhiều thăng trầm. Sau giai đoạn hưng thịnh, nhu cầu sản phẩm gỗ chạm trổ công phu giảm mạnh.
 
Đội ngũ thợ chạm trổ phải đi nhiều nơi kiếm sống hoặc đành chuyển sang nghề khác có thu nhập ổn định hơn.
 
Sức sống mới
 
Khoảng 10 năm gần đây, do nhu cầu sử dụng đồ gỗ trang trí nội thất tăng dần, thị hiếu người tiêu dùng đa dạng, làng nghề chạm trổ Chợ Thủ hồi sinh và phát triển mạnh trở lại.
 
Tháng 12/2006, chạm trổ gỗ Chợ Thủ được UBND tỉnh An Giang công nhận là làng nghề thủ công truyền thống. Chính quyền địa phương tích cực quan tâm và có cơ chế hỗ trợ nghệ nhân làng nghề.
 
Đã có nhiều chương trình như hỗ trợ 50% chi phí mua sắm máy móc thiết bị làm nghề, hỗ trợ 30% lãi suất tiền vốn để phát triển nghề. Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư kéo lưới điện ba pha về phục vụ sản xuất đồ gỗ tại địa phương.
 
Mặc dù bây giờ đã có máy chạm tự động để chạm gỗ, giúp công việc được nhanh và số lượng được nhiều, tuy nhiên, những chi tiết máy chạm vẫn thô và độ sắc nét không cao, thiếu “hồn vía tính” bàn tay người thợ.
 
Vẫn cần những bàn tay tài hoa mới có thể tạo ra sản phẩm mang hồn cốt của sản phẩm mộc Chợ Thủ. Vậy nên một số nghệ nhân tâm huyết quyết giữ nghề đã mở cơ sở chuyên chạm thủ công, hoặc bên cạnh chạm máy tự động vẫn chạm thủ công tùy theo khách hàng yêu cầu.
 
Anh Nguyễn Văn Minh, ở ấp Long Thuận 1, xã Long Điền A cho biết, cơ sở của anh từ trước đến nay chỉ chuyên chạm thủ công; học trò anh dạy đều phải thành thạo chạm tay, anh mới cho học sang chạm máy.
 
Một phần là để giữ nghề, để học trò không quên cái gốc của làng. Không chỉ anh Minh, nhiều nghệ nhân khác trong làng cũng có thói quen giữ nghề như vậy.
 
Ở vùng Chợ Thủ, không chỉ những công trình thờ tự mà ngay tại nhà riêng của người dân cũng mang đậm dấu ấn tỉ mỉ tài hoa của làng nghề chạm trổ.
 
Những vật dụng từ bàn ghế, tủ, giường đến kèo, cột nhà phần lớn đều được chạm trổ hoa văn hay những biểu tượng, tượng trưng cho sự an lành và may mắn.
 
Đó không chỉ là sự gửi gắm niềm tin, hy vọng mà còn là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời, còn được giữ gìn và lưu truyền đến ngày nay.
 
Trong tâm thức của những người thợ chạm trổ gỗ Chợ Thủ, đây không chỉ là nghề mà còn là cái nghiệp. Thợ Chợ Thủ cho rằng, trong những năm tháng khó khăn nhất, nghề đã nuôi sống họ thì đến khi khá giả phải giữ gìn, truyền dạy và nuôi lấy cái nghề truyền thống của tổ tiên.
 
Với truyền thống của làng nghề, từ xưa đến nay những người thợ chạm gỗ Chợ Thủ rất nhiệt tình nhận học trò và hết lòng truyền dạy. Không những dạy miễn phí mà nhiều người thầy còn lo cho học trò chuyện ăn ở trong suốt thời gian học.
 
Ở làng nghề chạm khắc gỗ Chợ Thủ, khách hàng không khỏi ngạc nhiên khi thấy những thanh niên còn rất trẻ nhưng đã có nhiều năm làm nghề.
 
Không ít em vừa đi học văn hóa vừa tranh thủ thời gian rảnh rỗi học chạm vì đam mê, sau thấy nghề nuôi sống được mình cho nên tiếp tục theo đuổi.
 
Cũng không ít phụ nữ hoặc những người lớn tuổi, lúc nhàn rỗi nhận thực hiện chạm những công đoạn nhỏ hoặc gia công chi tiết cho sản phẩm.
 
Theo thống kê sơ bộ, làng nghề chạm trổ Chợ Thủ, chỉ tính riêng địa bàn xã Long Điền A đã có hơn 300 cơ sở với hơn 1.000 hộ theo nghề; góp phần giải quyết việc làm cho hơn 2.300 lao động, chiếm gần 60% dân số vùng này.
 
Bên cạnh đó, còn có gần 1.300 lao động gián tiếp, thu nhập bình quân từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng.
 
Sự phát triển của khoa học - kỹ thuật khiến không ít làng nghề thủ công truyền thống dần bị mai một.
 
Nhiều năm trước, các nghệ nhân cao niên từng nơm nớp lo làng nghề Chợ Thủ sẽ mất đi những bàn tay tài hoa khi máy móc đã dần làm thay hết những công đoạn chạm trổ; những thế hệ kế thừa không mấy mặn mà với nghề.
 
Tuy nhiên, thực tế hôm nay ở Chợ Thủ lại khác hẳn. Khắp làng nghề các cơ sở sản xuất mọc lên san sát. Bên cạnh các cơ sở chạm trổ với máy móc trang thiết bị hiện đại vẫn còn rộn rã tiếng đục chạm tay “lách tách” của những thợ thủ công.
 
Người dân Chợ Thủ hôm nay vẫn một lòng yêu nghề, hết lòng gìn giữ những giá trị tốt đẹp, tinh xảo, tài hoa từ lâu đã vang danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh: “Long Điền Chợ Thủ quê anh/ Trai chuyên làm tủ, gái sành cưởi canh” (Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca - Nguyễn Liên Phong).
 
Theo Báo Nhân Dân

Bạn đang đọc bài viết "Long Điền, Chợ Thủ quê anh…" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.