Lễ tôn chức bà bóng dòng tộc của người Chăm

13/02/2019 16:39

Theo dõi trên

Trong hệ thống chức sắc của người Chăm Bàlamôn, ngoài đội ngũ tăng lữ pashe còn có cả hệ thống chức sắc dân gian như thày kéo đàn kanhi, thày vỗ trống basanưng, thày bóng, bà bóng khu vực tôn giáo, bà bóng dòng tộc… Các chức sắc dân gian này đều phải trải qua lễ tôn chức khá phức tạp, đặc biệt là lễ tôn chức bà bóng dòng tộc.

Trong hệ thống chức sắc dân gian của người Chăm Bàlamôn, bà bóng muh pajơw là bà bóng khu vực tôn giáo. Người Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận có 3 khu vực tôn giáo, thờ ở 3 đền tháp Chăm, thì có 3 bà bóng muh pajơw. Những bà bóng này kết hợp cùng hệ thống chức sắc tôn giáo, chức sắc dân gian để thực hiện các nghi lễ như tang ma, nhập kut cho cả cộng đồng. Còn bà bóng muh rija là bà bóng dòng tộc. Mỗi dòng tộc phải có một bà bóng muh rija, thực hiện các nghi lễ của dòng tộc như lễ rija praung, rija dyaw, rija harei… Trong các nghi lễ, thông qua hành động múa thiêng, bà bóng có thể giao tiếp với thần linh, đấng siêu hình, ban phước lành hoặc trừng phạt, gieo rắc tai ương, bệnh tật cho con người.
 

Lễ tôn chức bà bóng dòng tộc (rija swa) nằm trong lễ hội lớn rija praung, thuộc hệ thống lễ hội rija của người Chăm (1). Đây là lễ hội do tộc họ tổ chức, chịu ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo từ Malaysia. Lễ rija praung được tổ chức khi trong tộc họ có người bị bệnh tật, gặp nhiều tai ương, họ cho rằng mình đang bị thần linh trừng phạt và phải tìm được nguyên nhân. Có thể do dòng tộc chưa thực hiện tốt các nghi lễ, hoặc do bà bóng dòng tộc chưa đạt yêu cầu, cần phải thay. Để thay bà bóng, phải chọn người đảm bảo đủ các tiêu chuẩn và tổ chức lễ tôn chức bà mới. Bà bóng phải là người trong tộc họ, mạnh khỏe, không bệnh tật, có chồng, có con, cuộc sống gia đình ổn định về kinh tế, hòa thuận về quan hệ xã hội, biết múa lễ và các nghi thức làm lễ.
 
Lễ tôn chức bà bóng dòng tộc thường diễn ra từ 13 - 22 giờ, vào ngày đầu tiên trong 4 - 6 ngày diễn ra đại lễ rija praung. Bà bóng dòng tộc là người trông coi giỏ thiêng ciet atơw, là chủ lễ cúng cho tộc họ và tôn chức cho thày vỗ trống basanưng (mưduôn), thày đánh trống ghi năng, thày thổi kèn saranai trong các nghi lễ. Chủ lễ tôn chức bà bóng dòng họ gồm: thày kéo đàn kanhi (kadhar), thày mưduôn, người thụ lễ - được tôn chức là bà bóng.
 
Lễ cúng đón cây
 
Nhà lễ (kajang) phải làm bằng gỗ mới chặt trên rừng về. Sau khi chặt, phải làm lễ đón cây về và lễ tẩy uế cây gỗ. Vật liệu làm kajang gồm gỗ, tre, là a, cây chùm bầu. Đi thực hiện lễ đón cây có thày mưduôn, bà vũ sư, với lễ vật gồm: 3 quả trứng, muối, một khay lửa trầm, nến.
 
Thày mưduôn đọc lời khấn đón cây được lấy từ núi vàng núi bạc về để làm nhà lễ rồi khấn tẩy uế cây, cúng thần đất để xin dựng nhà lễ. Cũng như ở tất cả các nghi lễ khác, trong quan niệm của người Chăm, từ con người đến công cụ, lễ vật, từ cây gỗ đến mảnh đất để dựng nhà lễ, bất cứ thứ gì khi tham gia vào lễ cúng đều phải hết sức chay tịnh, trong sạch. Vì vậy trước khi tham gia vào lễ đều phải cúng tẩy uế, tạ và xin các thần linh làm lễ, cúng phần hồn siêu hình trong các vật thể ấy. Sau khi các loại tre gỗ, cây lá được cúng xong mới được hạ xuống đất để chuẩn bị dựng nhà lễ.
 
Lễ hạ giỏ thiêng
 
Sau khi xin làm nhà lễ, thày mưduôn và bà bóng vào nhà để cúng xin hạ giỏ thiêng ciet atơw, là giỏ được đan bằng tre đựng trang phục bà bóng, treo ở trên cao trong phòng ngủ. Theo quan niệm của người Chăm, để có thể hạ giỏ thiêng xuống làm lễ, trong vòng một năm, tộc họ phải không có tang, chưa phải hạ giỏ lần nào. Thày mưduôn làm lễ thay giỏ thiêng cũ bằng giỏ mới, thay y trang cũ trong giỏ bằng y trang mới. Giỏ thiêng lớn là giỏ đựng y trang của bà bóng trong các lễ cúng sau khi đã được tôn chức. Giỏ thiêng nhỏ đựng y trang để bà bóng làm trong lễ tôn chức này.
 
Dưới bếp, các bà, các chị lấy sáp ong làm nến. Trong lễ rija praung, người ta phải làm hàng trăm cây nến sáp ong, trong đó có hàng chục cây nến lớn. Các bà các chị vừa làm nến vừa nấu nướng, soạn các mâm lễ vật, các mâm trầu để cúng. Lễ vật gồm có: một đĩa trầu têm, một khay lá trầu, một bát trầm, rượu, 5 ngọn nến sáp ong, bộ bình trà.
 
Làm nhà lễ
 
Khi trong nhà làm lễ hạ giỏ thiêng thì ở ngoài sân, mọi người làm lễ dựng nhà lễ nhỏ (để làm lễ rija swa, sau đó dỡ đi để làm nhà lễ lớn cho lễ rija praung). Nhà lễ nhỏ có diện tích chừng khoảng 15m2 gồm 8 cột, 2 cột cái ở hai đầu cao khoảng 1,5m, 6 cột con ở xung quanh cao khoảng 1,2m. Xung quanh nhà được thưng bằng cót, mái được phủ bạt. Nhà lễ làm theo hướng đông - tây. Cửa chính ở hướng tây.
 
Trong nhà lễ có bục giảng kinh, treo một vuông vải trắng gọi là lam linh, tượng trưng cho bầu trời và là nơi trú ngụ của thần linh. Đây cũng là biểu tượng bên trong của thánh đường Hồi giáo Bà ni.
 
Khai lễ rija swa
 
Vào lúc 13 giờ 30, ông thày po char (chức sắc Hồi giáo Bà ni) làm lễ cắt tiết dê để khai lễ. Mâm lễ cắt cổ dê gồm có: 1 chùm lá chùm bầu, 1 con dao nhọn, 1 bình gốm nhỏ, 1 khay đồng đựng nước, 1 miếng trầu têm, 1 vuông vải trắng.
 
Thày char khấn vái thánh Allah và thiên sứ Muhhamed về chứng giám, bà bóng muh rija, thày mưduôn ngồi trước mâm lễ khấn vái theo. Thày char lầm bầm khấn rồi cầm con dao, chùm lá cắt cổ cho tiết dê chảy vào hố đất. Sau đó, dê được đưa đi làm thịt, soạn ra mâm và bưng vào nhà lễ.
 
Nghi thức ăn phép khai lễ
 
Người đầu tiên bước vào nhà để khai lễ là thày char. Ông khấn mời thánh Allah, thiên sứ Muhhamed về chứng giám và ông là người đầu tiên được ăn phép (ăn bốc, tượng trưng) các món lễ vật. Các mâm lễ vật trong nhà lễ phải được sắp đặt theo quy định gồm bánh lá, bánh đúc, trầu têm, hạt nổ, trứng, các nải chuối để úp, nến sáp ong.
 
Khi ăn xong, ông đọc kinh khấn thánh Allah và Muhhamed cho phép khai lễ. Khi thày char bước ra khỏi rạp thì thày kadhar, bà bóng muh rija mới được vào ăn, sau đó mới đến lượt những người khác. Khi mọi người ăn uống xong, bắt đầu vào lễ tôn chức bà bóng.
 
Thày kadhar đưa bà bóng muh rija vào làm lễ. Trong khi thày hát thánh ca, bà bóng cầm nắm bột gạo xông lên khói trầm khấn xin làm hình nhân shali, xin treo màn lam linh lên nhà lễ. Bà bóng nâng màn lam linh và các lá trầu lên xông trầm để đưa cho ông thày mưduôn treo màn lam linh. Dưới màn lam treo 9 lá trầu, biểu trưng cho bầu trời, một loại biểu tượng trong thánh đường hồi giáo.
 
Ông chủ nhà dùng nắm bột gạo đã được xông trầm để nặn hình nhân shali, gồm 2 hình nhân đàn ông, 2 hình nhân đàn bà. Các hình nhân này được nặn đầy đủ, phóng đại bộ phận sinh dục. Đây là hình nhân thế mạng để hiến tế thần linh.
 
Nghi thức tẩy thể vũ sư
 
Thày kadhar dẫn bà bóng muh rija ra phía trái bên ngoài nhà lễ làm lễ tắm (tẩy thể). Ông đổ ra đất một đống cát, san phẳng rồi vẽ bùa lên đó. Bà bóng tay cầm một roi, một quạt, mặc đồ tắm biểu trưng cho sự tắm rửa. Thày bỏ lên cát 5 miếng trầu têm, khấn vái xin làm lễ tẩy thể bà bóng mới và tẩy uế nhà lễ rồi thực hiện lễ mặc trang phục cho bà bóng sau khi “tắm” xong. Bà bóng mặc áo dài thổ cẩm màu trắng, tay cầm quạt, vai vắt một chiếc khăn đầu có tua đỏ. Những nghi lễ đó được thực hiện trong tiếng đàn kanhi.
 
Lễ rija swa
 
Lễ rija swa do thày kadhar làm chủ lễ, bà bóng muh rija là người thụ lễ tôn chức. Đầu tiên là lễ đón rước giỏ thiêng sau khi lấy từ trần nhà ở đưa sang nhà lễ. Thày kadhar làm lễ cúng gà gồm 5 mâm cơm, rượu và trứng để thỉnh mời các vị thần Bàlamôn, làm các mâm xôi, chuối, bánh để cúng các vị thần Hồi giáo.
 
Bà bóng ngồi trước bàn tổ chính, trên đó có giỏ thiêng đựng y trang, 3 mâm trầu, cau, rượu. Thày kadhar hát khấn mời các vị thần về chứng giám, thày char đọc kinh cầu thánh Allah và thiên sứ Muhhamed. Đây là lễ tượng trưng sự sinh ra một sinh linh mới. Sau khi khai lễ, bà bóng, thày kadhar hát làm lễ xông trầm các thôn hala (mâm trầu) và thứ tự từng mâm lễ, đặt lên bục lễ chính.
 
Ông thày kadhar kéo đàn kanhi hát mời các vị thần, bà bóng đứng lên nằm xuống 3 lần để lạy trước bàn tổ rồi tay cầm quạt và một chiếc roi chuẩn bị nằm nhập linh. Mọi người trong gia đình, tộc họ cũng nằm xuống lạy. Lúc này, bà bóng ngồi duỗi chân, cầm roi quất mạnh xuống đất rồi từ từ nằm xuống. Thày kadhar bỏ khăn, trầu têm vào tay bà. Bà bóng nằm im rất lâu để nghe ông kadhar kéo đàn kanhi hát gọi tên các thần, hát thánh ca, ru hồn, nhập linh cho bà.
 
Thày kadhar kéo đàn hát xông trầm và thổi hồn vào các hình nhân shali nặn bằng bột gạo, bày món ăn lên cho các hình nhân đó ăn uống. Các shali cũng được xông trầm hương. Sau khi xông trầm, ông kadhar kéo đàn hát nhập linh cho bà bóng mới. Ông hát hết bài ca này đến bài ca khác, hát kể về vị thần này, vị thần khác, bà bóng múa theo các làn điệu hát. Cứ hết mỗi bài, bà bóng lại quỳ xuống mâm lễ, xông trầm rồi lại đứng lên múa. Đến những lúc cao trào, trong tiếng nhạc dồn dập, bà bóng bị hồn nhập quay cuồng, nhảy múa như điên như dại. Lễ hát và múa bóng cứ thế lặp đi lặp lại nhưng với những bài bản khác nhau, kéo dài đến khoảng 22 giờ đêm.
 
Cuối cùng là nghi thức đánh cây. Bà bóng cầm một cây dài, một cây ngắn, nằm múa theo điệu hát của thày rồi đánh cây ngắn đi 3 lần ra phía cửa. Ở đó có 2 người cầm vuông vải trắng đón cây do bà bóng nằm mà đánh ra. Đánh cây xong, bà bóng quất mạnh roi xuống đất 3 lần, mọi người đỡ bà ngồi dậy, cúng khấn rồi đứng lên gỡ 9 miếng trầu têm ở trên màn lam linh. Đến đây, coi như một sinh linh mới đã được đầu thai vào bà bóng. Sau khi nhập linh xong, mâm hình nhân shali được đem ra đổ ở bên vệ đường ngoài cổng nhà.
 
Bà bóng muh rija mới đến lạy các tu sĩ Hồi giáo và thày mưduôn, hứa sẽ thực hiện đầy đủ các quy định, sự kiêng cữ và phụng sự tổ tiên, giao tiếp với các thần linh qua các nghi lễ để cho mọi người trong tộc họ thoát được tai ương, bệnh tật.
 
Thày char dâng bánh chay salam (làm bằng bột gạo), một chén nước đường, chuối cho Po Âuloah (thánh Allah) và Po Ban Gana. Ông thày mưduôn đánh trống, hát mời các vị thần Pô Ban gana, Po Bar mưta, Po Patra, Po Thanmưta, Po Barmưta, Po Lykay, Rat Inư. Ông cùng bà bóng múa mừng điệu choong, bidin, patra, múa đội khay trầu, bên ngoài có 3 thanh niên cùng tham gia múa, kết thúc bằng một hèm.
 
Lễ tôn chức đến đây kết thúc, bà bóng chính thức của dòng họ có trách nhiệm tham gia cùng thày kadhar, thày mưduôn tiến hành làm chủ lễ Rija praung ngay sáng ngày hôm sau.
 
Hiện nay, lễ rija praung, trong đó có lễ rija swa vẫn được bà con người Chăm ở Ninh Thuận duy trì. Đây là một nghi lễ chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Và, vai trò bà bóng với quan niệm nữ thần và thờ mẫu là rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm.
 
_____________
 
1. Rija là hệ thống lễ múa của người Chăm bao gồm rija nưgar (lễ múa đầu năm), rija harei (lễ múa ban ngày), rija dayaup (lễ múa ban đêm), lễ múa rija praung (lễ múa lớn).
 
Phan Quốc Anh
Tạp chí VHNT số 391

Bạn đang đọc bài viết "Lễ tôn chức bà bóng dòng tộc của người Chăm" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.