Đại lễ Kỳ Yên
Trước đây, cứ 3 năm tổ chức đại lễ Kỳ Yên (tức cầu an) một lần, nên có câu “đại lễ Kỳ Yên tam niên đáo lệ”. Tuy nhiên, hiện đa số đình làng ở An Giang nhập lễ Kỳ Yên vào dịp Hạ điền và tổ chức hàng năm.
Cứ đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 âm lịch, những người con của Bình Thủy đi lập nghiệp phương xa đều nô nức cùng nhau trở về. Về không chỉ để dự lễ hội, để sum họp gia đình mà còn như một cách lưu dấu tình nghĩa với làng quê, chút hoài niệm thơ mộng. Bên cạnh đó, lễ hội còn thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài địa phương đến tham dự.
Giải đua thuyền truyền thống
Đến đình thần Bình Thủy vào dịp này, du khách thật khó vào được bên trong khu chánh lễ, vì số lượng khách hành hương và tham quan đã về đây từ sớm và rất đông. Không gian lễ hội vui nhộn với các gian hàng bán đồ lưu niệm; các trò chơi thiếu nhi, hội chợ… Phần lễ chỉ trong 3 ngày (mùng 9, 10 và 11-5 âm lịch), nhưng phần hội thực tế kéo dài hơn nửa tháng. Lễ hội về đêm càng náo nhiệt, nhất là vào các đêm mùng 8 - 9 và 10, khu vực xung quanh đình luôn tấp nập, rộn ràng.
Đến ngày đại lễ, lá Thần kỳ (cờ) được thượng lên kỳ đài trước sân đình, tung bay như lời báo hiệu ngày trọng đại của làng thôn. Lá cờ khổ lớn, nền đỏ, tua vàng, có thêu 4 chữ Hán “Thiên hạ thái bình”. Vào tối mùng 8, hội thi xe hoa diễu hành diễn ra tại bờ kè đình. Các xe hoa được thiết kế thẩm mỹ, độc đáo với những hình ảnh về thành tựu nổi bật của từng đơn vị. Sau khi ban giám khảo chấm điểm, đoàn xe sẽ chạy vòng cù lao như lời báo hiệu cho lễ hội bắt đầu.
Sáng sớm mùng 9, Ban Quý tế đình thần Bình Thủy tổ chức lễ Tĩnh sanh. Một con heo trắng còn sống đặt trước bàn thờ với tính chất tượng trưng, được đổ rượu lên mình rồi mang xuống nhà bếp. Ngoài ra, còn có các phẩm vật, trà rượu, hương đăng, hoa quả… Sau đó bắt đầu lễ rước Sắc thần - nghi thức truyền thống trong lễ Kỳ Yên ở các đình miền Nam. Dẫn đầu là xe của đoàn lân-sư-rồng với tiếng chiêng, trống rộn ràng như hình thức thông báo Sắc thần sắp đến, tiếp theo là xe long đình - nơi đặt hòm đựng Sắc thần xuất hiện.
Xe rước Sắc thần mang dòng chữ “Thần du vãng cảnh” như ý thần đang “du ngoạn” quanh làng để xem xét dân tình và ban phước lành. Xe rước Sắc thần trước đây được trang hoàng lộng lẫy với rồng, phượng đắp bằng cây, lá, hoa có sẵn tại địa phương. Đó là sản phẩm thể hiện sự khéo léo và tinh tế của những nông dân chất phác nhưng đầy óc sáng tạo. Tuy nhiên, chế tác chiếc xe như thế mất nhiều thời gian và nguyên vật liệu nên vài năm gần đây, Sắc thần được rước bằng xe 4 bánh và trang trí đơn giản hơn. Theo sau đó là xe chở Ban Quý tế, quan quân theo hầu. Ban Quý tế mặc Quốc phục áo dài khăn đóng chỉnh tề, quan quân oai nghiêm với gươm giáo tượng trưng và trang phục giống lính triều đình. Đoàn xe hoa diễu hành tối đêm trước vẫn tiếp tục tháp tùng cùng đoàn xe rước Sắc Thần vào sáng mùng 9, làm phong phú thêm màu sắc lễ hội. Cuối cùng là hàng trăm xe đạp, xe gắn máy của dân làng nối đuôi theo. Dọc hai bên đường, nhân dân địa phương đặt bàn hương án trước nhà để “nghinh thần” với các lễ vật như bánh, trái cây, tuy đơn sơ mà ấm cúng, trang trọng.
Đoàn xe diễu hành vòng quanh cù lao rồi trở về đình thần. Sau khi Sắc thần về tới đình, nhân dân khắp nơi bắt đầu mang lễ vật đến tế. Các lễ vật chủ yếu là heo quay, xôi, trái cây, bánh… Nghi thức hành chánh - khai mạc đại lễ Kỳ Yên đình thần Bình Thủy và kỷ niệm lập làng Bình Thủy, bắt đầu diễn ra tại nhà võ ca. Tiếp theo đó là các nghi thức cổ lệ, đúng theo nghi thức truyền thống vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Lễ Túc yết mang ý nghĩa là túc trực để chờ yết kiến thần, hình thức giống như cúng “mâm Tiên” trong đám giỗ. Đến giờ hành lễ, Ban Quý tế có mặt đầy đủ, buổi lễ được chủ trì bởi hai người xướng lễ. Phần có thể xem là trang trọng nhất trong nghi thức Túc yết là khi chủ lễ xướng “Nhạc sanh tựu vị”, ban nhạc lễ cổ truyền đến trước bàn thờ để “Tấn nhạc”. Nhạc lễ tấu bản Nghinh thiên tiếp giá như chào đón Thần di chuyển về an vị trên ngai. Khi đó, tất cả những người có mặt trong đình đều phải đứng dậy trang nghiêm.
Đua thuyền truyền thống
Nhìn chung, Kỳ Yên ở Đình thần Bình Thủy không khác mấy so với những ngôi đình ở miền Nam. Tuy nhiên, có quy mô lớn sánh tầm một trong những lễ hội lớn hàng đầu ở An Giang. Điều đó một phần bởi địa phương tổ chức kèm theo đó giải đua thuyền truyền thống, thu hút hàng ngàn người tham gia thi đấu và dự khán. Đây là nét đặc sắc riêng của địa phương có từ thập niên 1950, ban đầu là hình thức thi thố tài năng trong xóm cho vui, dần dần có thưởng và trở thành trò chơi chính thức được đưa vào lễ hội hàng năm.
Xã Bình Thủy nhiều năm liền vinh dự được chọn đại diện cho tỉnh An Giang thi đua thuyền cấp khu vực và toàn quốc. Năm nào cũng có giải thưởng cao mang về cho tỉnh nhà. Nói thế để thấy rằng, đua thuyền ở Bình Thủy là đặc trưng, thế mạnh, mặc dù ở một số nơi vẫn có phong trào này nhưng xét về chất và lượng lẫn tiếng tăm vẫn không bằng. Tiếng lành đồn xa, giải đua thuyền truyền thống đình Bình Thủy càng lúc càng thu hút du khách.
Cuộc thi đua thuyền hàng năm được chia làm hai phần thi là vòng loại và chung kết. Phần thi vòng loại diễn ra sáng mùng 9 (sau nghi thức rước Sắc thần), phần thi chung kết diễn sáng và trưa mùng 10. Giải đua thuyền gồm nhiều thể loại: thuyền nam, thuyền nữ, thuyền phối hợp, thuyền rồng, thuyền học sinh… với nhiều giải thưởng hấp dẫn, do các doanh nghiệp địa phương đồng tài trợ.
Các đội thuyền được chia theo từng bảng, mỗi vòng đấu là một bảng, gồm 4 - 6 thuyền, tùy năm. Trong lúc cuộc thi diễn ra, hàng ngàn người đứng dày đặc hai bên bờ sông Năng Gù khoảng một cây số, tất cả tạo thành không khí rất riêng, rất sâu lắng trong lòng người. Có người đứng xem trên bờ, có người đứng dưới sông, mặc kệ sình bùn, có người ngồi vắt vẻo trên cành cây… Những chiếc xuồng, ghe đầy khắp mặt sông; đặc biệt có các bè chuối theo kiểu tự thiết kế giống như lều trại của thanh niên trong vùng cũng rất độc đáo và thân thiện. Đội lân, chiêng trống được đưa xuống ghe để cổ vũ cho đoàn đua, góp tăng thêm phần hào hứng cho các đội đua và người xem.
Một điều khác chỉ có ở địa phương, đó là hoạt động hóa trang. Trước ngày lễ hội, các thanh niên trong xã thiết kế những chiếc bè làm từ thân cây chuối, với nhiều kiểu dáng đa dạng, trang trí bắt mắt. Trong hai ngày diễn ra đua thuyền, họ sẽ thả trôi chiếc bè trên sông, cùng nhau ca hát, nhảy múa. Và đặc biệt là những người có mặt trên bè phải hóa trang giống như thổ dân, vẽ mặt, bôi lọ lên cơ thể, trang trí quần áo với lá cây… Đây là một nét văn hóa đặc sắc, mang đậm tính sông nước.
Không cầu kỳ, màu mè như các lễ hội ở thành thị, lễ hội Kỳ Yên đình thần Bình Thủy đậm chất dân dã, chân quê. Trẻ con tung tăng bên bộ quần áo mới, người lớn tổ chức các buổi tiệc nhỏ để sum họp bạn bè. Tình cảm của người dân Bình Thủy với lễ hội này rất sâu sắc; đối với họ, đình làng và lễ hội không phải là tín ngưỡng kỳ vĩ hay cao siêu mà rất đỗi gần gũi, thân thương.
Lễ nghi theo đúng tập tục cổ truyền phải có 3 tuần rượu: Sơ hiến lễ, Á hiến lễ, Chung hiến lễ. Mỗi tuần rượu đều cúng với cách thức như nhau. Khi hành lễ, Lễ sanh mặc áo như tú tài xưa, vòng cao hai tay phía trước nâng vật phẩm, bước đi hình chữ “tâm”. Theo sau là các Đào thài vừa đi vừa quạt và xướng ca những lời chúc tụng.
Sau khi hành Sơ hiến lễ sẽ đến Hương văn đọc văn tế, nội dung ca ngợi công đức và cầu thần phù hộ làng thôn. Văn tế viết chữ Hán bằng mực tàu trên giấy hồng đơn, khi Hương văn đọc có người cầm đèn rọi theo từng dòng. Đọc xong, văn tế được đốt trước bàn thần. Sau đó mới tiếp tục hành Á hiến lễ và Chung hiến lễ. Buổi lễ trang nghiêm hòa với tiếng nhạc lễ Nam bộ cổ truyền, chủ đạo là bài Hạ, lúc đọc văn tế thì không trỗi nhạc.