Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi

25/12/2023 08:43

Theo dõi trên

Sáng 24/12, tại nút giao cuối tuyến đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi (Xã Tịnh An, Thành phố Quảng Ngãi), UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức “Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi”.

thong-nhat-ttxvn-1703401485-1703468390.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đại biểu dự Lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự Lễ có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân. Tham dự Lễ còn có lãnh đạo các bộ, Ban ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố lân cận; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ, nhân dân địa phương.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công cụ quan trọng để tỉnh Quảng Ngãi hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Phát biểu tại Lễ Công bố quy hoạch, nhắc đến tiềm năng, lợi thế và truyền thống văn hóa phong phú của vùng đất Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, Quảng Ngãi thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng và hệ thống giao thông đồng bộ kết nối Bắc - Nam và Đông - Tây với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào. Với gần 130 km bờ biển, Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế biển trong đó Khu kinh tế gắn với Cảng biển nước sâu Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia, cơ khí-luyện kim và trung tâm logistics lớn.

5a-dsc-4027-1703401161-1703468435.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi luôn tự hào là trung tâm của Văn hóa Sa Huỳnh, một trong ba nền văn hóa cổ của Việt Nam có niên đại cách đây từ 2.500 - 3.000 năm; giao thoa, tương tác với Văn hóa Đông Sơn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và văn hóa Óc Eo ở vùng Đông Nam Bộ. Đây cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống cách mạng, quê hương của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, của những anh hùng khởi nghĩa Ba Tơ và rất nhiều chí sĩ yêu nước, nhà hoạt động cách mạng, lãnh đạo tài ba của đất nước.

Từ một tỉnh nghèo Quảng Ngãi đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển năng động, một trong những trung tâm công nghiệp của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với quy mô nền kinh tế (GRDP) đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, cao gấp khoảng 2 lần năm 2010.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi là một bước cụ thể hóa Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; được xây dựng với triết lý, quan điểm: “Đa sắc - Hiệp đồng - Khác biệt”; với tầm nhìn chiến lược, không gian lãnh thổ đảm bảo tính kết nối đồng bộ; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Quảng Ngãi tăng tốc phát triển trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch cần giải quyết những hạn chế có tính chất điểm nghẽn và những thách thức đặt ra trong phát triển của tỉnh như: Tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc chủ yếu vào các ngành kinh tế thâm dụng vào tài nguyên; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao; chưa khơi thông, phát huy được nguồn lực về tự nhiên, truyền thống văn hóa đặc sắc và nhân tố con người của Quảng Ngãi để tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững chất lượng cao; tác động của biến đổi khí hậu vẫn đang là thách thức đối với phát triển bền vững kinh tế và đời sống nhân dân…

6adsc-4036-1703401161-1703468477.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, hài hòa với những bước đi vững chắc, từng bước lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp; hình thành hệ sinh thái kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ. Quan tâm phát triển nông thôn hiện đại, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghệ cao. Chú trọng phát triển dịch vụ du lịch dựa trên lợi thế về những giá trị văn hóa, di sản đặc sắc; về biển đảo, hệ sinh thái tự nhiên đa dạng.

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nêu bật những kết quả qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, Kinh tế của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ; quy mô nền kinh tế (GRDP) tính theo giá hiện hành năm 2023 đạt 123 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành; GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt gần 4.200 USD/người, đứng thứ 2/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành; trong 3 năm liên tiếp từ 2021-2023, Tỉnh đều vượt thu ngân sách rất lớn, tổng thu ngân sách trong 3 năm là 87 nghìn tỷ đồng, vượt 17 nghìn tỷ đồng so với dự toán HĐND tỉnh giao và vượt 23 nghìn tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao (không tính tiền sử dụng đất); đặc biệt trong năm 2022, Tỉnh đứng trong top 10 tỉnh, thành có số thu nội địa cao nhất cả nước. Công tác an sinh xã hội được Tỉnh quan tâm thực hiện đầy đủ, chất lượng đời sống của Nhân dân ngày càng nâng cao; quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội luôn ổn định và đảm bảo…; qua đó niềm tin của Nhân dân tỉnh nhà đối với sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền ngày càng được củng cố và tăng lên. Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đến thời điểm này, Tỉnh đã đạt và vượt gần một nửa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra và đang tiếp tục phấn đấu thực hiện hoàn thành đối với các chỉ tiêu còn lại.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung; xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch; phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh,… đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo.

3a-dsc-4002-1703401631-1703468519.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đăng Văn Minh phát biểu tại buổi lễ

Đến đến năm 2030, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,25 - 8,25%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.700 - 7.900 USD. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 410.000 tỷ đồng. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì thuộc nhóm có chỉ số HDI cao (nhóm 2) theo phân loại của UNDP. Tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định ở mức 52%. Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch khu vực thành thị 100% và nông thôn trên 80%.  Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 50% đối với đô thị loại II và 20% đối với các đô thị còn lại. 

Trên cơ sở phân tích thực trạng, nhận diện được các thế mạnh, điểm yếu của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, Quy hoạch tỉnh đã định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc: 02 Trung tâm động lực tăng trưởng, 03 Trung tâm đô thị, 04 hành lang kinh tế chiến lược và 06 vùng không gian kinh tế động lực, trong đó: 02 Trung tâm động lực tăng trưởng, gồm: Hình thành Trung tâm Lọc, hoá dầu và Năng lượng quốc gia, Trung tâm công nghiệp, dịch vụ của vùng động lực miền Trung tại Khu kinh tế Dung Quất; Phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành Trung tâm du lịch Biển - Đảo. 03 Trung tâm đô thị, gồm: Đô thị trung tâm, với thành phố Quảng Ngãi là hạt nhân; Trung tâm đô thị phía Bắc, với thị xã Bình Sơn là hạt nhân;  Trung tâm đô thị phía Nam, với thị xã Đức Phổ là hạt nhân. 04 hành lang kinh tế chiến lược, gồm: Hành lang Bắc Nam (Dung Quất - thành phố Quảng Ngãi - Sa Huỳnh); Hành lang Đông Tây phía Bắc (Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My); Hành lang Đông Tây phía Nam (Sa Huỳnh - Ba Tơ - Bờ Y); Hành lang kinh tế kết nối nội vùng dọc tỉnh lộ 622, 626 và Quốc lộ 24B (Ba Vì - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng). 06 vùng không gian kinh tế động lực, gồm: Vùng kinh tế động lực Cụm đô thị và Trung tâm dịch vụ; Vùng động lực công nghiệp của tỉnh; Vùng kinh tế sinh thái biển; Vùng kinh tế rừng xanh; Vùng kinh tế nông nghiệp;  Vùng kinh tế biển đảo.

Đây được xem là cấu trúc của sự phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực miền núi, trung du, duyên hải và hải đảo, giữa đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, sẽ nâng cao được vai trò, tầm quan trọng của sự hiệp đồng, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa các ngành kinh tế, giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế; lấy phát triển công nghiệp làm động lực để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ; ngành nông nghiệp ngoài những thế mạnh hiện tại sẽ có những hướng phát triển mới nhằm tạo sự khác biệt và nâng cao khả năng cạnh tranh; dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, dịch vụ hậu cần, bên cạnh các ngành kinh doanh dịch vụ truyền thống khác sẽ là sức bật mới giúp tạo dựng một hình ảnh Quảng Ngãi “năng động hơn, đa sắc hơn và khác biệt hơn”.

Tại buổi lễ, tỉnh Quảng Ngãi đã trao Quyết định chấp thuận nhà đầu tư thực hiện một số dự án phát triển đô thị, sản xuất khí công nghiệp trên địa bàn.

 Nhân dịp này, tỉnh Quảng Ngãi đã khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi. Đây là dự án thuộc nhóm A, là công trình giao thông đường bộ cấp I; có tổng chiều dài tuyến là 26,88 km (trong đó có 09 hạng mục công trình cầu), với điểm đầu tuyến giao với đường Trì Bình - Dung Quất, thuộc huyện Bình Sơn và điểm cuối tuyến kết nối với đường Hoàng Sa, tại nút giao đầu cầu Đập dâng sông Trà Khúc thuộc địa phận thành phố Quảng Ngãi; tổng mức đầu tư là 3.500 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện năm 2022 - 2027.

Công trình sẽ được tổ chức triển khai thi công hoàn thành trong thời gian 24 tháng đảm bảo yêu cầu về chất lượng và mỹ thuật. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh theo quy hoạch được duyệt; đồng thời hình thành trục dọc giao thông quan trọng của tỉnh kết nối nhanh, thuận lợi từ sân bay Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất đến thành phố Quảng Ngãi và các địa phương phía Nam; tạo thành hành lang phát triển kinh tế chủ đạo, làm động lực để thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế đối với khu vực phía Đông của các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi; giảm lưu lượng phương tiện trên tuyến Quốc lộ 1, nhất là trong giờ cao điểm hiện đang bị quá tải; đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi cho Nhân dân.

Nguyễn Đăng Lâm
Bạn đang đọc bài viết "Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.