Lễ ăn hỏi của đồng bào Sán Chí, Bắc Giang

23/11/2015 09:11

Theo dõi trên

Lễ ăn hỏi - là một nghi thức quan trọng, không thể thiếu trong lễ cưới của đồng bào Sán Chí huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Nghi thức này được thực hiện sau khi những nghi thức dạm ngõ, so mệnh, thách cưới đã hoàn tất.


Nhà gái bổ cau, mời trầu nhà trai trong lễ ăn hỏi. Ảnh: Internet

Là một cộng đồng dân tộc độc lập, người Sán Chí ở Bắc Giang có nguồn gốc, phong tục tập quán riêng và những bản sắc văn hoá tộc người riêng biệt. Một trong những bản sắc văn hóa độc đáo được người Sán Chí lưu giữ là tục cưới hỏi. Đó là những nghi thức riêng được thực hiện theo tập quán của dân tộc để mỗi đôi trai gái tạo lập nên một gia đình mới.

Xưa kia, trong xã hội phong kiến, với những lễ giáo ngặt nghèo, nam nữ Sán Chí không được tự do lựa chọn người bạn trăm năm của mình mà phải tuân theo sự sắp đặt của cha mẹ. Tuy nhiên, họ cũng có thể tự tìm người bạn đời của mình thông qua các cuộc hát. Theo tập quán của dân tộc, vào những dịp đầu xuân, người Sán Chí ở bản này thường đến bản kia để du xuân và ca hát. Họ có thể đi như thế hàng tuần mà không bị gia đình ngăn cản. Qua những cuộc hát ấy, nhiều đôi nam nữ đã quen nhau, yêu nhau rồi dẫn đến hôn nhân.

Người Sán Chí thường tổ chức hôn sự từ tiết Sương giáng (khoảng đầu tháng 9 âm lịch) đến cuối tháng 2. Đây là thời kỳ mà người dân không bận bịu với công việc đồng áng, tiết trời lại mát mẻ, rất thuận lợi cho việc cưới hỏi. Trước kia, tuổi để kết hôn của người Sán Chí rất sớm, nam 16-17 tuổi, nữ 14-15 tuổi. Hiện nay, tuổi kết hôn đã thay đổi, nam 20-21, nữ 18-19 tuổi. Một cuộc hôn nhân của người Sán Chí phải qua nhiều thủ tục theo nghi lễ truyền thống. Trong đó, không thể thiếu lễ ăn hỏi.

Đi hỏi lần một (mằn tảy dắt vằn): Ông bố hoặc người chú, bác ruột của người con trai đến đặt vấn đề với nhà gái. Việc đi hỏi cần giữ bí mật nên phải đi vào lúc trời vừa xẩm tối. Lần đi hỏi này nhà trai ngỏ ý muốn được kết anh em. Nhà gái chưa trả lời ngay mà chỉ mời khách uống nước rồi nói các chuyện khác. Bốn ngày sau, nếu không thấy nhà gái trả lại lễ vật thì coi như họ đã nhận lời.

Lễ hỏi lần hai (mằn vằn tày nhầy): Cũng do bố hoặc chú, bác của người con trai đi vào lúc xẩm tối. Khi đi mang theo 2 cân đường, 1 cân thịt và một chai rượu. Đến nhà gái, đại diện nhà trai đặt đồ lễ lên bàn thờ gia tiên và chính thức đặt vấn đề hôn nhân cho con mình.

Đi hỏi lần ba (mằn tày zlạm): sẽ được tiến hành 5 ngày sau đó. Nhà trai xin lá số của cô gái về nhờ người giải. Nhà gái sẽ trao cho sổ lục mệnh trong đó ghi họ, tên, tuổi của cô gái để nhà trai so tuổi. Nếu lá số của đôi trai gái hợp nhau và cô gái ấy hợp với gia đình nhà trai thì sẽ hẹn ngày làm lễ đặt trầu.




Nhà gái làm lễ báo cáo tổ tiên, xin phép được gả con gái cho nhà trai. Ảnh: Internet

Lễ ăn hỏi thường được thực hiện vào mùng một hay rằm hàng tháng. Đoàn nhà trai gồm 4 phụ lễ và ông mối sẽ mang các lễ vật (1 chai rượu, 1 kg thịt lợn, 1 phên đường, 1 gói trầu cau) tới nhà gái để bàn bạc và quyết định đồ sính lễ cho ngày cưới. Nhà gái và nhà trai sẽ thi hát đối trong lễ ăn hỏi.

Nếu nhà trai trước khi vào nhà, mà hát thua nhà gái thì sẽ phải chịu phạt, đổ rượu lên đầu. Hát đối đáp là nét nổi bật, đặc sắc trong nghi thức đặt gánh của đồng bào Sán Chí và là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, được đồng bào lưu giữ từ lâu đời.




Nhà gái đặt sàng rượu trước sân, mời rượu và thách nhà trai hát đối. Ảnh: Internet

Ngày nay, việc thách cưới chỉ có tính chất tượng trưng, là sự đồng nhất của nhà trai và nhà gái. Sau lễ đặt gánh là thời kỳ ăn giá bạc - thời kỳ hai họ đi lại và đôi trai gái tìm hiểu nhau.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Lễ ăn hỏi của đồng bào Sán Chí, Bắc Giang" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.