Dưới triều vua Gia Long ông không chỉ là vị tướng bách chiến bách thắng. Ông còn khiến người đời khâm phục bởi tấm lòng nhân hậu của mình khi chính vua Gia Long cũng phải thốt lên rằng: “Làm tướng mà nhân hậu như Trương xưa nay hiếm”.
“Làm tướng mà nhân hậu như Trương xưa nay hiếm”
28/09/2018 15:08
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng đất bán sơn địa. Từ nhỏ ông đã bộc lộ bản chất của một chiến tướng, khi đi chăn trâu thuê cho địa chủ trong làng ông cùng với đám bạn mục đồng của mình bày trận cờ lau đánh giặc.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng đất bán sơn địa. Từ nhỏ ông đã bộc lộ bản chất của một chiến tướng, khi đi chăn trâu thuê cho địa chủ trong làng ông cùng với đám bạn mục đồng của mình bày trận cờ lau đánh giặc.
Dưới triều vua Gia Long ông không chỉ là vị tướng bách chiến bách thắng. Ông còn khiến người đời khâm phục bởi tấm lòng nhân hậu của mình khi chính vua Gia Long cũng phải thốt lên rằng: “Làm tướng mà nhân hậu như Trương xưa nay hiếm”.
Dưới triều vua Gia Long ông không chỉ là vị tướng bách chiến bách thắng. Ông còn khiến người đời khâm phục bởi tấm lòng nhân hậu của mình khi chính vua Gia Long cũng phải thốt lên rằng: “Làm tướng mà nhân hậu như Trương xưa nay hiếm”.
Cụ Nguyễn Hữu Tửu đang “mân mê” từng dòng chữ ghi lại công lao của Đoan Hùng quận công Nguyễn Văn Trương
Kẻ thức thời là tuấn kiệt
Trong một lần ghé thăm nhà một người bạn ở thị trấn Hà Lam, tôi may mắn được các cụ cao niên trong thị trấn mà ở đây vẫn hay gọi là làng Hà Lam kể cho nghe chuyện xưa tích cũ trong làng, những câu chuyện theo thời gian đã lùi vào dĩ vãn giờ chẳng còn mấy ai biết đến. Nhắc đến đây cụ Nguyễn Công Xuân (SN 1923) lại xuýt xoa “tiếc rẻ” nhớ lại: “Miếu Văn Thánh nguyên do những người yêu văn thơ ở huyện này đứng ra vận động mọi người quyên góp tiền xây dựng. Trong Van thánh miếu thờ Đức Khổng Tử, ngoài ra còn dựng 10 tấm bia đá, hiện nay chỉ còn lại 9 tấm bia đá, ghi lại công đức của 164 vị đỗ từ cử nhân trở lên từ năm Gia Long thứ 4 đến khi triều đình nhà Nguyễn không tổ chức khoa bảng nữa. Chiến tranh tàn phá, Miếu văn thánh xưa nay không còn nữa. Nhưng công đức của những người con mảnh đất này với quê hương thì vẫn còn mãi được lưu truyền cho đến tận mai sau”.
Dẫn chúng tôi về Nhà thờ tiền hiền làng Hà Lam, nơi những tấm bia đá đang được lưu giữ. Cụ Nguyễn Hữu Tửu 85 tuổi, cùng với Cụ Xuân là một trong số ít cụ còn lại vì tấm lòng với lịch sử quê hương dày công đứng ra dịch nội dung 9 tấm bia đá từ tiếng Hán sang tiếng Việt vì các cụ sợ sau này mình chết đi, sợ con cháu “mù” lịch sử quê hương khi không còn người biết chữ Hán có thể đọc được nội dung trên các tấm bia đá. Trong 9 tấm bia đá hiện đang được lưu giữ ở đây, thì có một tấm bia đá được dùng để ca ngợi công lao của Đoan hùng quận công Nguyễn Văn Trương. Mở đầu trên tấm bia đá có ghi “Tả vận công thần, Võ đoan hùng quận công Nguyễn Văn Trương sinh năm 1740 tại Xã An Lý, tổng Châu Đức, huyện Lễ Dương” (nay là làng An Lý, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam).
Là con nhà nghèo, nên ngay từ khi còn rất nhỏ ông đã được bố mẹ cho đi giữ trâu thuê cho các gia đình địa chủ ở trong làng. Cũng chính từ đây, khả năng thiên phú về quân sự của ông đã được bộc lộ. Khi ông cùng với đám bạn của mình thường bày trận cờ lau. Bản thân ông tự xưng là đại tướng quân, thường xuyên đứng lên tập hợp đám bạn mục đồng bày binh bố trận, chỉ huy lũ bạn đánh nhau. Hiện nay vẫn chưa xác định rõ được khoảng thời gian ông vào Gia Định sinh sống. Theo cụ Tửu cho biết thì: “Khoảng năm Bính Thân (1776), khi Nguyễn Lữ (một trong ba thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn) đem quân vào Nam, lấy được thành Sài Gòn, đuổi chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy đến Trấn Biên (Biên Hòa), thì Nguyễn Văn Trương xin theo phò tá Nguyễn Lữ, và được cho giữ chức Chưởng cơ cai quản binh thuyền. Năm 1787, thấy nhà sự chia rẽ của anh em nhà Quang Trung nên ông bỏ Nguyễn Lữ về đầu quân cho Nguyễn Ánh.
Bách chiến bách thắng
Khi bỏ triều Tây Sơn ông mang theo 300 quân cùng 15 chiếc thuyền binh chạy vào Long Xuyên (Cà Mau) xin được về dưới chướng chúa Nguyễn. Biết Trương là một thủy tướng có tài, khi trước đây chính bản thân mình trong một lần giao chiến với quân Tây Sơn đã đại bại dưới tay của Nguyễn Văn Trương nên khi thấy ông xin hàng làm thuộc hạ của mình thì vui mừng khôn xiết, ngay lập tức phong cho ông chức Chưởng Cơ. Sau, nhờ lập thêm nhiều chiến công, Năm Canh tuất, ông được phong làm Khâm sai chưởng đạo tiền phong, Trung quân thủy dinh. Cũng chính từ đây lịch sử triều đại phong kiến nhà Nguyễn, rộng hơn là lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam chứng kiến sự ra đời của một vị tướng “bách chiến bách thắng”.
Tháng 8 năm 1788, Nguyễn Văn Trương cùng với Lê Văn Quân, Tôn Thất Hội, Võ Tánh hợp binh đáng quân Tây Sơn ở Châu Hổ do Phạm Văn Tham chỉ huy. Quân Tây Sơn không phá được vòng vây, phải lui binh về Ba Thắc cố thủ rồi xin hàng giúp chúa Nguyễn chiếm được thành Gia Định. Tháng 3 năm 1792 lợi dụng gió Nam thổi mạnh, Nguyễn Văn Trương cùng với tiền quân Nguyễn Văn Thành, Dayot và Vannier (tên việt là Nguyễn Văn Chấn) nhận lệnh của chúa đem chiến thuyền từ cửa Cần Giờ ra đốt phá thủy trại của quân Tây Sơn ở cửa Thị Nại (Bình Định), rồi quay về an toàn. Đúng một năm sau Chúa Nguyễn dưới sự phò trợ của Nguyễn Văn Trương, Võ Tánh đem thủy quân đi đánh mặt biển. Đến tháng 5 thì chiếm được cửa biển Nha Trang. Rồi đánh lên Diên Khánh, phủ Bình Khang, sau lại đánh lấy phủ Phú Yên.
Thừa thắng, ông cùng chúa Nguyễn cho thủy quân cùng với bộ binh của tướng Tôn Thất Hội tiến đánh cửa thị Nại. Lúc này quân Tây Sơn với khoảng hơn 17.000 bộ binh cùng 80 con voi theo đường bộ và hơn 30 chiến thuyền theo đường biển do thái úy Phạm Công Hưng tổng chỉ huy kéo vào cứu Quy Nhơn. Quan quân nhà Nguyễn liệu thế không chống đỡ được nên rút về Diên Khánh. Thế nhưng theo cụ Công, cụ Tửu thì không thể không nhắc đến trận thủy chiến ở đồn Thị Nại (ngày 15 tháng giêng năm Tân Dậu 1801). Ông cùng với Tông Phước Lương đem quân tiên phong tấn công vào đồn thủy quân Tây Sơn. Võ Di Nguy, Lê Văn Duyệt đem trung quân đánh vào cửa Thị Nại. Trận chiến diễn ra hết sức dữ dội mà theo quyển 8 sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn thì đây xứng đáng được gọi là “võ công đệ nhất” trong thời trung hưng của nhà Nguyễn.
Cụ Nguyễn Công Xuân và Cụ Nguyễn Hữu Tửu nhớ lại công trình lược dịch nội dung các tấm bia do cụ Xuân chủ biên năm 1994.
Vị phúc tướng không màng danh lợi
Sau trận chiến này, ông được Nguyễn Ánh sai mang ấn kiếm và dây đại Đại tướng đến giữa quân doanh trao cho Nguyễn Văn Trương, phong ông làm Khâm sai chưởng trung quân, Bình tây Đại tướng quân quận công. Sau đó, ông góp công lớn trong chiến thắng trước quân Tây Sơn do Bùi Thị Xuân chỉ huy ở trận thủy chiến trên sông Nhật Lệ. Từ đó khiến quân Tây Sơn trượt dài trong thất bại dẫn đến sụp đổ vào năm 1802. Khi Gia Long lên ngôi, ông được cử làm quyền tổng trấn Bắc Thành, sau đó vào Nam làm Lưu trấn Gia Định.
Vốn là tướng tài, lập được nhiều chiến công nhưng bản thân ông vốn là người rất khiêm tốn nhân hậu, và không màng danh lợi. Năm 1803 khi Triều Nguyễn bắt đầu thời kỳ bình xét công trạng thì ông lại dâng sớ xin về hưu.
Thế nhưng theo cụ Tửu và cụ Xuân thì người đương thời lúc đó biết đến ông với cái tên “phúc tướng”. Ông Xuân lý giải cho chúng tôi biết: “Lúc còn đang là tướng nhà Tây Sơn, theo phò Nguyễn Lữ trong một lần giao tranh với chúa Nguyễn Ánh ở Long Xuyên. Quân nhà Nguyễn thất trận, lội qua sông chạy trốn, quân Tây Sơn truy đuổi, ông ngăn lại mà rằng: “Nhân lúc nguy của người mà đâm, không phải là kẻ mạnh”. Nhờ vậy chúa Nguyễn Ánh mới thoát chết mà dựng lên cơ đồ”. Sau này khi làm tướng của Nguyễn Ánh, nhiều lần ông cư xử như vậy với quân Tây Sơn. Chính nhờ đức độ, tấm lòng nhân hậu của ông mà tướng Phạm Văn Tham cùng nhiều tướng nhà Tây Sơn đã xin về đầu quân dưới trướng của ông.
Sau này khi làm quyền Tổng trấn Bác Thành, ông tự ý mở kho lương phát trẩn khi thấy dân bị lụt lội cứu đói. Chính vì việc này ông bị quở trách, chuyển vào làm Lưu trấn Gia Định. Dù nắm trong tay quyền sinh, quyền sát nhưng là người thấu tình đạt lý, luôn châm trước công tội, luôn tâu về triều chờ lệnh chứ không tự ý quyết định. Năm 1810 ông mất khi đương chức. Vua Gia Long khi nghe tin ông mất đột ngột đã cảm than rằng: “Làm tướng mà nhân hậu như Trương thật xưa nay hiếm”. Nhà vua ban quan tài bằng gỗ giáng hương cấp 1000 quan tiền để lo ma chay. Ngày an táng, đích thân vua ngự thuyền rồng đưa đi. Năm Gia Long thứ 14 ông được thờ ở Miếu Công thần, đứng trong danh sách công thần Vọng Các. Đến năm Minh Mạng thứ 5 thờ ở Thế Miếu, đến năm 1835 thờ ở Võ Miếu. Ông được Vua Minh Mạng truy phong Tá vận công thần, hàm Thái bảo, đổi tên thụy là Chiêu Vũ, phong Đoan hùng quận công.
Dòng dõi tướng quân: Trong quyển 8, sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán Triều Nguyễn có ghi rõ: “Đoan hùng quận công Nguyễn Văn Trương có con thứ là Nguyễn Văn Vân được phong làm Phó tướng Trung quân, làm đến Đô thống chế. Con út là Nguyễn Văn Ngoạn được vua Gia Long chọn làm phò mã, gả công chúa đầu Bình Thái, làm đến quan Khâm sai, thống chế, Đốc trấn Thanh Hóa”. Các cháu, chắt của ông tất cả đều thành danh, nổi bật là người chắt nội Nguyễn Văn Duật lấy công chúa thứ 46 của vua Minh Mạng làm đến chứ Phò mã đô úy”.
Chưa được công nhận di tích: Qua trao đổi với ông Nguyễn Hữu Ngộ - Trưởng ban văn hóa - thông tin thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam cho biết: “9 tấm bia đá ghi nhận công lao của các danh nhân thời Nguyễn trên địa bàn huyện Lễ Dương xưa, Thăng Bình nay đang được lưu giữ tại nhà thờ Tiên hiền Hà Lam vẫn chưa được công nhận di tích. Hiện địa phương vẫn đang chờ công văn hướng dẫn của phòng văn hóa thông tin huyện để làm hồ sơ công nhận di tích đối với 9 tấm bia đá trên”.
Nhật Tân
Bạn đang đọc bài viết "“Làm tướng mà nhân hậu như Trương xưa nay hiếm”" tại chuyên mục Di sản.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.