Theo chân ông Mai Xuân Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (vừa mới nghỉ chế độ hơn một tháng) đến vườn cam gia đình ông Phan Văn Thanh và bà Phan Thị Hiền thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, chúng tôi hết sức thán phục trước thành quả lao động của đôi vợ chồng này. Họ là những lãnh đạo và thành viên của hợp tác xã Thanh Hiền, chuyên sản xuất cam giòn Thượng Lộc.
Tiếp chúng tôi, Giám đốc Phan Văn Thanh cho biết: "Hợp tác xã chúng tôi được thành lập từ năm 2015, gồm 7 thành viên, mỗi thành viên có những vườn cam riêng để chăm bón, nhưng phải tuân thủ theo những quy định chung của hợp tác xã để đạt tiêu chuẩn Viet Gap (từ 2015). Riêng vườn cam của gia đình chúng tôi có khoảng 2,5 ha với khoảng 1000 gốc cam, mỗi gốc hàng năm thu hoạch được trung bình từ 50 đến 100kg, có cây sai quả có thể thu hoạch được 2500kg. Giá hiện nay chúng tôi bán tại vườn khoảng từ 600 đến 700 ngàn mỗi kg. Mỗi năm gia đình tôi thu được từ 1,6 đến 1,8 tỉ đồng (cả hợp tác xã khoảng 3,5 tỷ đồng). Hợp tác xã chúng tôi là đơn vị đi đầu đạt tiêu chuẩn Viet GAP, được Cục kiểm nghiệm chất lượng chứng nhận đạt tiêu chuẩn".
Có được thành quả lao động trên theo ông Thanh không phải đơn giản mà cần có sự bền bỉ quyết tâm "sống chết với vườn". Được biết, quê ông Thanh ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Từ bé anh đã theo bố mẹ vào Lâm trường cao su ở Thượng Lộc để sinh sống, sau đó ông đã bén duyên với chi Phan Thị Hiền xã Trung Lộc cùng làm công nhân cao su với anh.
Nhớ lại những năm trước khi chưa chuyển đổi giống cây trồng, cuộc sống của anh chị và những người dân nới đây thật cơ cực. Ông Thanh nói: "Vườn cam nhà tôi trước đây là vùng đất rừng hoang, bố mẹ tôi khai hoang từ năm 1979, chủ yếu trồng các cây lương thực như sắn, ngô, khoai lang giá trị kinh tế rất thấp. Mặc dù lao động hết sức cực nhọc nhưng vẫn thiếu đói, không thoát được nghèo. Kể từ năm 1996 sau khi thực hiện chủ trương chuyển đổi giống cây trồng sang trồng cam thì đời sống có khá hơn. Nhưng hồi đó chủ yếu trồng cam chanh nên chất lượng không ngon, bán không được giá, mà sự đầu tư cũng lớn nên thu nhập hết sức khiêm tốn. Kể từ 10 năm trở lại đây khi chúng tôi đưa giống cam giòn vào canh tác thì cuộc sống mới có được sức bật lớn, đặc biệt là khi chăm sóc cây theo tiêu chuẩn Viet GAP thì mới cho năng suất, chất lượng cao".
Nhận một lát cam từ đĩa cam chị Phan Thị Hiền mời để nếm thử, quả thật không thể quên được thứ mùi vị tuyệt vời của loại cam giòn này: ngọt, thanh chua, bùi và thơm... không thể lẫn với bất kỳ một loại cam nào khác… Tôi đã được nghe đến cam giòn Thượng Lộc khá lâu, song đến hôm nay "mục sở thị" đã hoàn toàn bị chinh phục bởi mùi vị của loại cam này. Tôi hỏi bí quyết nào đã giúp cho chất lượng cam tuyệt vời như vậy? Anh Thanh cười vui vẻ: "Chẳng có bí quyết nào đâu anh ạ! Cứ làm theo đúng tiêu chuẩn Viet GAP là đảm bảo vừa sạch vừa ngon".
Tiêu chuẩn chất lượng là vậy, còn đầu ra thì sao? Ông Thanh cho biết: "Sản phẩm cam giòn Thượng Lộc hàng năm được nhập cho chuỗi siêu thị Saigon Coop (mỗi năm từ 15 đến 20 tấn) số còn lại bán cho các thương lái. Sản lượng mỗi năm từ 40 đến 50 tấn. Như vậy câu chuyện đầu ra cũng tạm ổn, vào dịp Tết Nguyên Đán nhiều năm không có sản phẩm để bán".
Từ những người lao động trong ngành cao su rất vất vả, nhưng với sự sáng tạo quyết tâm chuyển đổi giống cây trồng, đến nay vợ chồng anh Thanh, chị Hiền nói riêng và hợp tác xã Thanh Hiền nói chung đã có của ăn, của để họ đang trở thành những triệu phú của vùng đất cằn đá sỏi ngày nào. Họ là những ông chủ của những khu vườn đẹp sinh thái, giàu về tiềm năng kinh tế mà người dân Hà Tĩnh nói chung và cả nước biết đến với thương hiệu: "Cam giòn Thượng Lộc".
Với những thành tích đạt được, chị Phan thị Hiền được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào: "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Anh Phan Văn Thanh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp.