Kỳ vọng Bạc Liêu

28/10/2015 16:25

Theo dõi trên

Về Bạc Liêu những ngày này, nhiều người không chỉ thấy vui về những đổi thay trên mảnh đất được mệnh danh “chiếc nôi” của đờn ca tài tử, mà còn có nhiều kỳ vọng Bạc Liêu sẽ vươn mình, bứt phá bởi sự khát khao phát triển của con người nơi đây - vùng đất cách mạng còn nhiều tiềm năng và sức trẻ.

Một thời hào hùng

Bạc Liêu có biển, rừng, muối, có đồng lúa thẳng cánh cò bay... Nơi đây không chỉ có những giai thoại về Công tử Bạc Liêu mà còn có biết bao chuyện thật về truyền thống yêu nước từ thời những người nông dân nổi dậy làm nên một đồng Nọc Nạng lẫy lừng về tinh thần giữ đất.

Bạc Liêu từng là nơi có những chi bộ thành lập sớm và sau này (năm 1949) được chọn làm căn cứ của Xứ ủy với sự có mặt của các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm... Ở những giai đoạn khó khăn, đồng chí Võ Văn Kiệt với cương vị Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (1953-1954) đã có những quyết sách táo bạo, đề xuất với Trung ương xóa bỏ chủ trương không phù hợp trong việc cấm vận kinh tế của địch lúc bấy giờ.

Phong trào cách mạng đã cuốn hút các tầng lớp nhân dân, không chỉ nông dân, người lao động mà còn nhiều nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, các gia đình điền chủ... tham gia. Cụ Cao Triều Phát, lãnh tụ Cao đài Minh Chơn Đạo, hiến toàn bộ điền sản với hơn 5.000 mẫu đất, tham gia tổ chức Mặt trận Giồng Bốm đánh Pháp vang dội năm 1946, được Bác Hồ trân trọng gửi thư mời ra chiến khu Việt Bắc và cống hiến cả đời cho cách mạng.

Trong những thời khắc lịch sử 23-8-1945 và 30-4-1975, quân dân Bạc Liêu đã có cách đánh, cách thắng độc đáo (buộc tỉnh trưởng phải giao chính quyền vô điều kiện) - hai lần giành lấy chính quyền về tay nhân dân không đổ máu.

Tiếng “chế” thân thương

40 năm sau giải phóng, nhất là từ khi tách tỉnh, Bạc Liêu đã có bước phát triển nhanh, toàn diện. Các mặt kinh tế-xã hội đạt khá, hộ nghèo hiện còn dưới 3% và không còn gia đình chính sách nghèo. Phước Long ngày trước là huyện nghèo nhất tỉnh Minh Hải, giờ đã đạt tiêu chuẩn huyện nông thôn mới.

Kết cấu hạ tầng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Giao thông nông thôn cơ bản được kết nối, trong đó có phần đóng góp to lớn của người dân cả về đất đai, công sức. Thủy lợi, thủy nông nội đồng được tăng cường. Những dự án kinh tế động lực được triển khai. Nhà máy điện gió đầu tiên của đồng bằng đã đưa vào khai thác với 32 trụ turbine trong tổng thể 300 turbine của dự án.




Nhà máy Điện gió Bạc Liêu - dự án năng lượng sách đầu tiên ở ĐBSCL. Ảnh: THANH CƯỜNG

Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là lúa và tôm luôn tăng trưởng với năng suất và chất lượng cao. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính có năng suất cao gấp 20 lần đang được nhân rộng, nhất là việc cung cấp giống tôm. Lúa chất lượng cao chiếm hơn 90% diện tích. Mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với nhà máy chế biến và bao tiêu sản phẩm được triển khai. Muối Bạc Liêu giữ được thương hiệu trên thị trường. Nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh không chỉ tôm, cua, lúa gạo, nhuyễn thể... mà còn có nhiều loại rau, đậu, măng tây, ngò rí... sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Văn hóa, du lịch của Bạc Liêu ngày càng thu hút. Festival đờn ca tài tử lần thứ nhất được tổ chức nhân dịp UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã được tổ chức thành công, góp phần quảng bá vùng đất, con người Bạc Liêu. Du lịch Bạc Liêu khá phong phú với các sản phẩm du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa, ẩm thực... đậm chất Nam bộ; có vườn chim, vườn nhãn nổi tiếng. Thành phố Bạc Liêu lớn hơn xưa ba, bốn lần, ngày càng sạch đẹp, khang trang với điểm nhấn là quảng trường Hùng Vương với biểu tượng chiếc đờn kìm và nón lá.

Cảng biển Gành Hào vẫn là nơi buôn bán hải sản tấp nập. Chợ Giá Rai bên sông ngày nào giờ đã là thị xã. Người Bạc Liêu nổi tiếng mến khách, bán hàng không chèo kéo và vẫn luôn miệng gọi các chị bằng tiếng “chế” thân thương. Về Bạc Liêu có thể cảm nhận một không gian an bình, ấm áp, nồng ấm tình đất, tình người như về với người thân, về với quê mình.

Vùng đất trẻ

Bạc Liêu đã có sự khởi sắc, có nhiều bứt phá tạo nên sự khác biệt và tiềm năng của Bạc Liêu còn lớn. Tiềm năng không chỉ do thiên nhiên ban tặng mà còn do con người tạo dựng nên, là những đặc trưng văn hóa của một vùng đất mở. Ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa luôn ăn ở thuận hòa, trọng nghĩa khí, luôn mở lòng, khoan dung, độ lượng, luôn gắn bó cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XV đặt ra mục tiêu phấn đấu đứng vào tốp khá của khu vực, phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học, liên kết nông dân với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, dịch vụ trên biển, du lịch biển... Hành trang văn hóa sẽ nâng bước cho Bạc Liêu trong tiến trình phát triển và hội nhập. Đảng bộ đoàn kết, trong sạch vững mạnh luôn vì sự phát triển và chăm lo đời sống nhân dân sẽ luôn là niềm tin là sức mạnh thúc đẩy tỉnh nhà vượt sóng vươn xa.

Bạc Liêu bây giờ không xa và không nghèo như trước. Vùng đất trẻ mà quật cường; người chân chất, bộc trực mà dám nghĩ, dám làm, lịch lãm và anh tài không kém; quy mô kinh tế tuy còn nhỏ nhưng tầm nhìn không hạn hẹp, chất lượng của sự tăng trưởng, nguồn nhân lực cạnh tranh sẽ tạo nên bứt phá. Nội lực mạnh cùng với thu hút các nguồn lực đầu tư, kỳ vọng về một Bạc Liêu vươn lên mạnh giàu, đầy tự tin sẽ sớm trở thành hiện thực.

Theo PHẠM PHƯƠNG THẢO (SGGP Online)

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ vọng Bạc Liêu " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.