Quãng thời gian ấy, từ 1959-1976, từ mùa Ðồng Khởi, rồi đến đỉnh cao Mậu Thân, sau đó là quãng thời gian “bình định” vô cùng ác liệt, đến mùa xuân thắng lợi cuối cùng. Và Châu Thành còn có những người con chưa phút nào nguôi ngoai nhớ về ký ức. Ðó là những câu chuyện mới nguyên, như mới đi ra từ khói súng trận công đồn…
Chiến trường ác liệt
Huyện Châu Thành với địa hình đồng bằng ven đô, gồm 6 xã tiếp giáp Hoà Thành, Ðịnh Thành, Thạnh Phú, Lợi An, An Xuyên, Tân Thành và thị trấn Tắc Vân. Qua một số lần chia tách, địa giới của huyện còn có một phần Cà Mau Bắc, thuộc xã Hồ Thị Kỷ ngày nay. Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, nguyên Chính trị viên phó, Thường trực Huyện đội Châu Thành: “Ðịa bàn này chiến tranh diễn ra ác liệt. Phía ta do địa hình trống trải, việc tạo thế bám trụ và tiến đánh khó khăn, còn đồn bót địch bố trí dày đặc, nên mỗi chiến công là biết bao nỗ lực sáng tạo, kiên trì và chấp nhận hy sinh”.
Theo trí nhớ của ông, tuyến Cà Mau Nam và Cà Mau Bắc là cung đường lửa chứng kiến sự giằng co không khoan nhượng giữa ta và địch; là nơi ta đổ máu khi cố gắng kết nối thông tin, mở mạch máu hành quân, cũng là nơi địch bố trí hoả lực, lực lượng vô cùng mạnh.
Nhiều đơn vị quân lực chủ chốt của giặc, những tên ác ôn nhất được lựa chọn để trấn giữ các vị trí quan trọng thuộc huyện Châu Thành. Với thế trận chiến tranh Nhân dân, Châu Thành từng bước xây dựng lực lượng du kích tại chỗ, thành lập đơn vị địa phương quân chính quy, bám sát vào đường lối chỉ đạo cách mạng của Bác, của Ðảng, không ngừng trưởng thành, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Hai thập niên Châu Thành có tên trên bản đồ Cà Mau có biết bao câu chuyện cảm động, hy sinh anh dũng và những chiến công hiển hách.
Châu Thành có nữ Anh hùng LLVT Nhân dân Phan Thị Ðẹt. Chỉ với chiếc xuồng be kèm gắn máy BS9, người phụ nữ nhỏ bé này đã vận chuyển hàng trăm tấn hàng, vũ khí, tài liệu cùng cán bộ cấp cao vượt qua cung đường lửa. Ông Nguyễn Hồng Thanh bồi hồi: “Chị Ðẹt có tới 6 đứa con nhỏ. Mỗi lần nhận nhiệm vụ, chị nấu cơm nước, giặt giũ, sắp xếp nhà cửa rồi lên đường. Lúc mấy đứa con thức dậy, nồi cơm còn ấm nóng, nhà cửa gọn gàng. Lúc ấy, người mẹ đang rong ruổi trên những nhánh sông, đối diện trực tiếp với bọn giặc ác ôn”.
Có lần, xuồng của bà chở khoảng 10 tấn vũ khí, trên nguỵ trang bằng lớp muối. Xuồng rướn cừ, nước cạn, sức vóc người phụ nữ không thể xoay xở. Ðúng lúc đó, tàu sắt của giặc đến. Rồi một sự “giúp đỡ” có một không hai xảy ra. Chị Ðẹt với lý lẽ khôn khéo, đã khiến tàu chiến địch kéo xuồng chở vũ khí về cho quân ta. Người phụ nữ ấy không hề sợ hy sinh: “Tôi chết không tiếc gì, chỉ xin tổ chức thương đàn con còn nhỏ dại không có mẹ, tôi chỉ biết trông cậy vào các đồng chí nếu lỡ có chuyện gì…”, đó là lời tâm sự của bà với ông Nguyễn Hồng Thanh.
Quê hương Châu Thành cũng có người du kích Nguyễn Văn Lăng. Giặc tràn vào An Xuyên, ông chỉ huy chống càn. Lúc nguy khốn nhất, ông một mình trụ lại để đồng đội rút lui an toàn. Viên đạn cuối cùng rời nòng, ông bẻ súng. Giặc bắt, trên môi người du kích nở nụ cười: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, và quay sang lũ giặc: “Ðả đảo bọn tay sai ác ôn phản quốc”. Giặc ra lệnh bắn, dòng máu đỏ của ông hoà xuống đất mẹ Châu Thành.
Người trinh sát năm xưa
Ông Nguyễn Văn Hai (Hai Cua) nguyên là Huyện đội trưởng Huyện đội Châu Thành, Tiểu đoàn trưởng K12 Châu Thành trong chiến dịch giải phóng thị xã Cà Mau. Xuất thân là chiến sĩ trinh sát, gần như ông lớn lên, trưởng thành trong chiến tranh, chiến đấu. Chiến công của ông, giai thoại về ông, đồng đội vẫn thường nhắc đến mỗi lần có dịp họp mặt. Ông cho biết: “Tôi là một chiến sĩ trinh sát, rồi sau đó đảm nhiệm các nhiệm vụ khác thuộc huyện Châu Thành. Chúng tôi một lòng phụng sự cách mạng, nhưng hoà bình rồi, cũng có chút chạnh lòng. Giờ hỏi lớp trẻ, chắc gì đã biết Cà Mau còn có một Châu Thành…”.
“Hai Cua” là để nói về sự cương trực trong tính tình của ông, nhưng đó là một “nghệ danh” mà giới trinh sát đặt cho một thanh niên ưu tú. Ông Hai Cua có biệt tài luồn lách, bò trườn, hầu như bốt đồn nào được coi là “khó nuốt”, ông đều nhận nhiệm vụ điều nghiên. Trận đồn Xóm Chùa, ông cùng 2 đồng chí trong tổ được chỉ thị tiếp cận đồn. Ðêm đen, 3 người lọt ổ phục kích địch. Ông Hai nhớ như in: “Tối quá, căng mắt nhìn đằng trước thấy hình khối cứng đờ, tưởng gốc cây, rờ trúng… nón kết 3 rèm”. Tụi giặc hô Việt cộng, 2 bên chỉ còn biết đánh sáp lá cà, súng không còn bắn được”. Ông Hai Cua tay không đánh chết 1 tên, 2 người còn lại cũng đánh quyết liệt. Nhưng giặc “bu” lại quá đông, 2 người kia rút trước. Ông Hai Cua thấy bề không ổn, nhắm ngay chỗ đông giặc nhất nhảy vô, hô “lựu đạn”.
Mở được đường máu, ông Hai Cua ém vô chuồng heo. Nằm cạnh con heo nái, giặc dàn binh bố trận quyết bắt sống ông. Ðợi tên Thiếu uý Hùng gian ác và tốp lính rà sát chuồng heo, ông Hai Cua mở chốt lựu đạn, đặt xuống trước mặt tụi ác ôn, nhoài mình lăn xuống khe chuồng heo. Nhờ sự che chở của con heo nái, tiếng nổ inh tai, giặc rên la vang trời. Thoát ra, nhìn thấy một tên lính cầm súng chĩa qua mé kinh bên kia, sẵn đà, ông Hai Cua đá mạnh sau lưng, lấy đà phóng qua mương, rút an toàn. Gặp nhau, 3 trinh sát vui mừng khôn xiết, trầm trồ khen ông Hai Cua, nhưng bị “dội ngược ra” vì mùi chuồng heo quá nặng.
Trận công đồn 19, Phong Thạnh cũng là mưu trí tuyệt vời thể hiện nhãn quan quân sự nhạy bén của ông Hai Cua. Lúc này ông là Tham mưu trưởng Huyện đội. Ðồn 19 đóng cặp, được trang bị hoả lực và lực lượng tương đối tinh nhuệ. Thời điểm này giặc đẩy mạnh bình định, diệt đồn 19 là nhiệm vụ chiến lược để phá thế địch, nâng cao tinh thần quân ta. Gần nửa năm, đồn 19 vẫn sừng sững đứng, không cách nào khả thi để tiến đánh. Cho đến lúc đó, ông Hai Cua cho biết: “Chưa có tiền lệ nào đánh đồn cặp như vầy, tôi mất ăn, mất ngủ suy nghĩ”.
Em Hưởng, 15 tuổi được giao nhiệm vụ làm quen với lính 2 đồn này. Ban đầu, được bố trí chăn trâu cho một nhà nằm cạnh đồn. Hưởng nhỏ con, giỏi leo trèo, ngoan và nói chuyện dễ thương. Tụi lính kêu làm gì, đi đâu em cũng theo nhiệt tình, riết rồi tụi giặc coi như em út. Rồi chính ông Hai Cua tạo thế để Hưởng bị gia đình mướn chăn trâu đuổi. Hưởng lùa trâu xuống ao nước xài, chủ nhà nhập “vai diễn” đánh đuổi Hưởng. Tụi lính thấy vậy cho Hưởng về đồn ngủ. Hưởng chính thức có vị trí tốt để làm nội ứng. Ðồn còn lại, Hai Cua đích thân đem thuốc chuột nhét vô cá nướng, thuốc heo nhà chủ ấp. Bốn con chết hết 3, chủ ấp mời tụi lính 2 đồn qua sông ăn nhậu. Lúc quân ta lấy đồn, có nhiều tên lính đi không nổi vì… xỉn. Hưởng lúc đó đang được giặc giao nhiệm vụ cầm súng “giữ đồn”.
Châu Thành trong tâm sự của ông Hai Cua: “Tôi chỉ góp một phần nhỏ bé trong những chiến công chung. Giờ Châu Thành không còn tên trên bản đồ Cà Mau nữa, nhưng chúng tôi, những người con vẫn nhắc đến. Âu cũng là cách để làm ấm lòng những người đang còn, và nhất là những người đã mãi mãi ra đi”./.