Kỷ niệm ngày thành lập Đảng - Sao cho lắng đọng trong lòng mỗi đảng viên

15/01/2022 08:05

Theo dõi trên

Ngày thành lập Đảng, được nhiều người coi là sinh nhật Đảng, mà đã sinh nhật là vui tươi, trẻ trung, ý nghĩa, có ích, luôn gắn với tính chất ôn lại và nhắc nhở, động viên nhau tiếp tục thể hiện cho tốt tư cách, vai trò đảng viên của mình trong Đảng.

Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập năm nay rơi vào dịp Tết Nguyên đán, là những ngày nghỉ của cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Những năm mà dịp kỷ niệm không phải là năm chẵn, năm tròn, lại rơi vào dịp Tết, ngày thành lập Đảng có khi ít được tổ chức các hoạt động kỷ niệm mang tính quy mô, mà có thể chỉ có mít tinh với số lượng hẹp, tổ chức các chương trình văn nghệ, thăm viếng đảng viên cao tuổi… Thực chất, các hoạt động này vẫn mang đậm ý nghĩa, dù rằng tính lan tỏa có khi chưa được cao lắm.

14-01-2022-ky-niem-ngay-thanh-lap-dang-sao-cho-lang-dong-trong-long-moi-dang-vien-9062274f-details-1642208715.jpg
Lãnh đạo Quận ủy Quận 4 thăm hỏi đảng viên lớn tuổi nhiễm Covid-19 trên địa bàn. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Có thể nói, sinh nhật Đảng là một dịp đặc biệt đối với mỗi đảng viên. Đây là lúc mỗi đảng viên tự ôn lại quá trình ra đời và phát triển gần một thế kỷ của Đảng với những dấu ấn cách mạng đậm nét, đóng vai trò vô cùng to lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Các cột mốc như Cách mạng tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước… đều gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng. Sự phát triển mạnh mẽ của đất nước ta hiện nay, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên hiện nay, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định hiện nay… đều có dấu ấn lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng cùng nhiều thế hiện đảng viên trung kiên, sáng tạo, yêu nước.

Nhớ lại, vào tháng 1/1949, nhân kỷ niệm lần thứ 19 ngày thành lập Ðảng, dưới bút danh Trần Thắng Lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo có nhan đề "Ðảng ta" đăng trên Tập san Sinh hoạt nội bộ, nay là Tạp chí Cộng sản. Người viết: "Ðảng ta tuy trẻ trung, nhưng đã lập được những công trạng rất to tát... Năm nay, Ðảng ta mới 19 tuổi. Nhưng suốt 19 năm ấy, năm nào cũng là một năm đấu tranh dũng cảm. Kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Ðảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn. Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất, mà Ðảng ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang ngày nay". Khẳng định đóng góp to lớn của Đảng nhưng Bác không quên nhắc nhở: "Tuy vậy, chúng ta tuyệt đối không được tự kiêu, tự đại. Chúng ta có nhiều thành công, nhưng chúng ta cũng còn nhiều khuyết điểm. Mỗi đồng chí ta cần phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình". Lời nhắc nhở đó sau hơn 70 năm vẫn còn nguyên giá trị và đậm tính thời sự.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ðảng (năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ðảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích gì khác”. Đây có thể xem là một lời khen ngợi nhưng cũng đặt ra một trách nhiệm cao cả và nặng nề cho toàn Đảng, cho tất cả mỗi đảng viên. Đảng vĩ đại là điều được khẳng định, nhưng sự vĩ đại đó gắn liền với yêu cầu lớn lao là Đảng phải luôn nỗ lực vì lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc. Đó là điều bất biến và mỗi đảng viên phải ra sức thể hiện cho được yêu cầu này và góp phần bảo đảm cho Đảng thực hiện tốt sứ mạng và vai trò lịch sử của mình.

Ngày 3/2/1969, nhân kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Ðảng, Báo Nhân dân đã đăng trang trọng trên trang nhất bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Bác Hồ, ký tên T.L. Người nhắc nhở: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”.

Như vậy, lúc sinh thời, trong mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò to lớn của Đảng nhưng cũng đồng thời gợi ra những trách nhiệm, nêu lên những yêu cầu có tính chất then chốt của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, của dân tộc. Tựu trung lại, trách nhiệm và yêu cầu cầu đó đều hướng tới mục tiêu xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh và không ngừng chăm lo cho nhân dân, thực sự phục vụ nhân dân.

Trên tinh thần đó, trong dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng ở năm 2022 này, trên hết, trước hết, các chi bộ cần quan tâm tổ chức các hoạt động kỷ niệm ở phạm vi hẹp của mình nhưng phải trang trọng, có ý nghĩa thiết thực. Chẳng hạn, trong kỳ sinh hoạt tháng 1 hoặc tháng 2 (nhất là với các chi bộ đã thực hiện xong việc kiểm điểm, phân tích chất lượng tổ chức đảng và đảng viên), cần có nội dung ôn truyền thống về Đảng, về Bác Hồ, về các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối, về tổ chức đảng của mình, đồng thời lồng ghép nội dung sinh hoạt tư tưởng về vai trò, trách nhiệm của Đảng đối với tổ chức đảng, đối với địa phương, cơ quan, đơn vị, đối với Đảng, đối với đất nước… Không cần phải có những hô hào lớn lao, với việc ghi nhớ công lao của Chủ tịch và các thế hệ chiến sĩ cách mạng trung kiên, các vị lãnh đạo sáng suốt của Đảng, mỗi người có thể tự rút cho mình một bài học cụ thể, phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, như về tinh thần kiên trung với lý tưởng cách mạng như Tổng Bí thư Trần Phú, thái độ tự chỉ trích như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, sự tự phê bình quyết liệt như Tổng Bí thư Trường Chinh, tinh thần đổi mới tư duy như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, mạnh mẽ đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…

Đồng thời, chi bộ có thể dành thời gian kể những mẩu chuyện về Đảng, về các vị lãnh đạo của Đảng, về các đảng viên tiêu biểu; kể cho nhau nghe dấu ấn sâu sắc của bản thân, nhất là các bài học quý báu, từ ngày vào Đảng; giới thiệu những tác phẩm văn học – nghệ thuật đặc sắc về Đảng… Các sinh hoạt này ngay trong dịp Tết có thể mang ý nghĩa vui tươi, bổ ích, nhất là với các đảng viên trẻ, để thấy rằng trong sinh hoạt đảng không phải chỉ có vấn đề nguyên tắc, chấp hành quy định, triển khai nghị quyết… mà còn là những câu chuyện cụ thể, sinh động, thực tế và sinh động. Nếu cấp ủy khéo tổ chức, những cuộc sinh hoạt như vậy có giá trị “giữ lửa” và “truyền lửa” sâu sắc; nhẹ nhàng và thấm đẫm, lắng đọng và xúc cảm, gắn lý luận với thực tế, có tính chất bài bản nhưng không khô cứng…

Đồng thời, chi bộ nên tổ chức các hoạt động thăm hỏi đảng viên lớn tuổi, đảng viên cao tuổi đảng, đảng viên bị đau ốm…, thể hiện rõ tinh thần biết ơn, gắn kết và chia sẻ. Ngoài ra, có thể tổ chức việc chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn bằng những cách thức thiết thực, phù hợp. Đây cũng là một hình thức giáo dục lòng nhân ái, ý thức trách nhiệm cộng đồng trong chi bộ cho các đảng viên, cho quần chúng, nhất là với các cảm tình đảng.

Ngày thành lập Đảng, được nhiều người coi là sinh nhật Đảng, mà đã sinh nhật là vui tươi, trẻ trung, ý nghĩa, có ích, luôn gắn với tính chất ôn lại và nhắc nhở, động viên nhau tiếp tục thể hiện cho tốt tư cách, vai trò đảng viên của mình trong Đảng.

Kỷ niệm ngày thành lập Đảng được tổ chức lễ lạt trang trọng đương nhiên có ý nghĩa to lớn; nhưng việc tổ chức kỷ niệm ngay trong chi bộ, sao cho lắng đọng trong lòng mỗi đảng viên, hẳn cũng có giá trị không nhỏ để hun đúc niềm tin, sự sắt son với Đảng trong mỗi người.

Theo thanhuytphcm.vn
Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm ngày thành lập Đảng - Sao cho lắng đọng trong lòng mỗi đảng viên" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.