Kray Sức nỗ lực lưu giữ “hồn” của núi

16/09/2015 16:59

Theo dõi trên

Suốt mấy mươi mùa lúa rẫy đi qua, Kray Sức (1964) vẫn miệt mài ròng rã, bôn ba từ bản Kahẹp, A Vao tới các bản ở A Lưới... nơi bản làng người Pa Cô cư trú để sưu tầm, nghe kể mà ghi chép lại hồn cốt dân tộc mình.




Kray sức người con Pa Cô với tâm huyết bảo tồn hồn cốt ngàn đời của dân tộc

Đi tìm hồn của núi

Trong một lần ghé xã Tà Rụt (huyện ĐaKrông, Quảng Trị), mảnh đất sản sinh những nghệ nhân trứ danh khắp miền. Gặp Kray Sức đúng lúc ông đang gõ gõ cái máy tính để lên kế hoạch cho đội cồng chiêng Tà Rụt “lưu diễn” văn nghệ. Kray Sức bảo: “Lớp trẻ bây giờ chỉ biết nhậu, cà phê và karaoke, mấy ai quan tâm đến những giá trị truyền thống nữa đâu. Bởi vậy, dẫu phải lội suối, băng rừng để gom nhặt, ghi chép lại cái hồn cốt tổ tông, mình sẳn lòng à. Cái âm thanh núi rừng như ngấm trong huyết quản, tim mình, sao mà bỏ quên để mai một được chứ”.

Sinh ra bên dòng ĐáKrôông hiền hòa, hằng ngày được nuôi dưỡng bằng những làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc Pa Cô, điệu múa mê hồn cùng những phong tục tập quán nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đã in đậm vào tiềm thức của cậu bé Kray Sức. Lòng đam mê cứ lớn dần đến mơ ước cất giữ những giá trị của dân tộc ngày càng sâu sắc hơn. Năm 1983, sau khi học xong, Kray Sức về cộng tác tại xã Tà rụt và tham gia nhiều công việc khác nhau, đến năm 2004 ông chính thức phụ trách mạng văn hóa xã. Và bắt đầu từ đây, niềm đam mê lưu giữ, sưu tầm những giá trị truyền thống của ông như được chắp cánh.

Suốt 11 năm ròng rã miệt mài đi tìm hồn cốt ngàn đời của người Pa Cô giữa đỉnh Trường Sơn thăm thẳm, Kray Sức đã sưu tầm, ghi chép và biên soạn được 25 kịch bản múa cồng chiêng, những truyện cổ, nghi thức lễ hội, phong tục tập quán, các làn điệu dân ca Pa Cô. Nổi bật là các tác phẩm “Tục bói chân gà”, “Đồng bào Pa Cô thờ hồn sống”, “Peeng azưh trong hôn nhân”...  Với cái vốn dân ca sưu tầm, ghi chép được, ông đã sáng tác lời bài hát, xây dựng kịch bản múa cồng chiêng đồng thời lồng ghép dân ca Pa Cô, như bài dân ca “Akay Pân tưi” theo làn điệu Kăn Aun; “Lời nhắn gửi con cháu” theo làn Cha Chấp; “Mong chờ trăng mãi” theo điệu Xiêng; “Tiếng ve trên đầu núi” theo nhịp toong trên chòi; “Tiếng gọi già làng” thèo làn điệu Ka lơi - Cha Chấp... Kịch bản cồng chiêng “Ngày hội đoàn kết, “Hội mùa”, “Lễ hội đâm trâu”... Không chỉ có vậy, Kray Sức còn lặn lội sưu tầm đến nay được gần 100 cồng, chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống như trống Toong, sáo khui, khèn bè, Ti reel... 

Ước nguyện của Kray Sức

Mặc dù giành gần hết phần đời để mò tìm, làm vực dậy những giá trị truyền thống đang vùi sâu trong nhịp sống mà giới trẻ đã chôn vùi nhưng Kray Sức vẫn rất khiêm tốn cho biết: “Chừng này không mấy đâu. Còn rất nhiều cái nghề truyền thống đã thất truyền như chế tác khèn, đúc kim hoàn... Đó đều là cái đẹp ngàn đời mà bị mai một. Cái bụng mình buồn lắm”. 

Chính những thực trạng đáng buồn càng thôi thúc Kray Sức “oằn mình” tìm cách bảo tồn bằng được những giá trị cha ông hun đúc ngàn đời nay để lại. Đến thời điểm hiện tại, ông đã dìu dắt, đào tạo 12 người trẻ biết chơi cồng chiêng, 8 người biết đánh đàn Tâm Preh, 5 người biết thổi khèn, 14 người biết hát các làn điệu dân ca Pa Cô... 

Dẫn tôi về nhà nghệ nhân Quỳnh Chải (41 tuổi), một trong số những nghệ nhân được Kray Sức đào tạo, dìu dắt “đã” nổi tiếng sử dụng điêu luyện và chế tác giỏi, tinh xảo các nhạc cụ dân tộc như cây đàn Talư, trống, Ti reel, sửa khèn bè... Giữa căn nhà sàn đơn sơ nằm chênh vênh bên sông ĐáKrôông tựa lưng vào dãy núi, nghệ nhân Quỳnh Chải đang miệt mài chế tác cây đàn Talư để giao cho khách đặt hàng. Dừng công việc, Quỳnh Chải, tâm sự: “Nếu không có anh Kray Sức dìu dắt, động viên thì mình đã bỏ cái nghề này lâu rồi. Dù mỗi âm thanh, tiếng nhạc làm mình mê mẩn nhưng cái bụng mình, vợ con mình không no thì như không à. Hiện tại từ cái nghề này không kiếm được nhiều nhưng nó lại khiến mình yêu quý, động lực để mình tiếp tục gắn bó giữ nghề...”.

Lấy cây Talư treo trên tường, cầm cây đàn, Quỳnh Chải vừa đánh vừa hát điệu Têr AViinh Têr Ave, nhạc điệu vừa ngân nga vừa da diết, khung cảnh như trở nên thư thái đến nhẹ nhàng lạ kì... khiến chúng tôi càng thấm thía, mỗi nhạc điệu, lời ca là hồn cốt của núi rừng, càng tỏ vì sao Kray Sức dù lặn lội vượt đồi băng rừng mà vẫn nói nhẹ lâng...

Với những đóng góp của mình, trong nhiều năm liền Kray Sức luôn được chọn làm Trưởng đoàn văn hóa - nghệ thuật truyền thống của người Pa Cô tham gia biểu diễn tại các hội thi lớn được tổ chức tại miền Trung - Tây Nguyên, Hà Nội. Cá nhân cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Văn Hóa – Thể thao và Du lịch trao tặng, và nhiều huy chương về việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn bản sắc riêng của đồng bào Pa Cô mình.

Chia tay Kray Sức bên bếp lửa bập bùng trong thanh âm trong trẻo của tiếng đàn Talư, Kray Sức tâm sự: “Có nhiều thời gian, mình sẽ dẫn chú đi nhiều chỗ hay hơn, kể tập tục độc đáo, bình dị mà rất hay, song này đang mai một. Là núi, là sông nếu không có rừng, muông thú, có cá thì còn là gì nữa. Là con cháu Pa Cô mà chối bỏ, không biết gốc rễ, tổ tông mình thì còn gì là người Pa Cô nữa. Còn sức khỏe thì mình vẫn sưu tầm, lưu giữ để con cháu mai sau có cơ hội tiếp nhận, hiểu được phong tục, nếp ăn, chốn ở... của người mình mà gìn giữ”.   
 
Nguyễn Đức Nhơn 

Bạn đang đọc bài viết "Kray Sức nỗ lực lưu giữ “hồn” của núi" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.