Như đã hẹn trước, cậu học trò Nguyễn Văn Sang đón tôi ở Trường Trung học cơ sở Mỹ Hưng, rồi đạp xe dẫn tôi vào nhà từ Trường đến cầu số 3 nằm trên quốc lộ 80 rồi quẹo phải đi vào kênh cầu số 3, qua kênh Củ rồi tới cống xả lũ trổ ra biển Tây kết nối với đường hành lang ven biển phía Tây dài gần 5 cây số. Sang bảo, con đường đan rộng 2,5m mới được làm mấy năm gần đây thôi, khi xã Mỹ Lâm xây dựng nông thôn mới, chứ trước đây, nó là đường đất hai bên bờ cỏ dại mọc um tùm chỉ có lối mòn nhỏ lầy lội mỗi khi trời mưa, việc đi học của em, các bạn và của người dân đi làm đồng khó khăn, vất vả lắm ạ.
Sang ở với ông bà ngoại tại tổ 11 ấp Sơn Thịnh, thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất trong ngôi nhà tiền chế nhỏ, nền gạch men, vách nhà thưng tôn, mái lợp tôn, mang tên “Nhà tình thương” do Quỹ từ thiện Làng Ta của chùa Phật Quang xây tặng trị giá 55 triệu đồng vào năm 2023, kinh phí còn lại ông bà, cậu, dì vay mượn phụ thêm vào mới được khang trang như thế này. Để có căn nhà trú nắng trú mưa, bà Lâm Thị E, 66 tuổi, bà ngoại Sang, cho biết, ông bà thuê một nền đất chiều ngang 18m, dài 20m, tổng diện tích 360m2 để làm nơi trú ngụ với giá 10 triệu đồng/năm trong thời gian 5 năm vào năm ngoái (năm 2023). Tiền thuê đất ông bà chịu 05 triệu đồng, gia đình người con trai Bùi Văn Cường chịu 05 triệu đồng. Nếu không thuê được đất để ở, gia đình sẽ chẳng có được căn nhà này để ở, chẳng biết gia đình sẽ trôi dạt, bấu víu vào đâu khi gia cảnh nghèo khó, chẳng có lấy một cục đất chọi chim, phải luôn di chuyển chỗ ở, làm thuê làm mướn kiếm sống.
Trước đây, ông bà ngoại của Sang sinh sống ở tổ 22, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất. Tại đây, ông bà ngoại mướn 4 công đất với giá 11 triệu đồng/năm, trong đó nền nhà chiều ngang 4m, dài 20m, tổng diện tích 80m2 với giá 1 triệu đồng/năm, đất ruộng 10 triệu đồng/năm. Ông bà trồng một năm 2 vụ lúa, thu lợi mỗi vụ 6 triệu đồng, một năm thu lợi 12 triệu đồng, vừa đủ trả tiền thuê đất. Năm nào trúng mùa gia đình có thu nhập trả tiền thuê đất, mất mùa thì phải chạy đôn chạy đáo vay mượn người thân, hàng xóm trả tiền thuê đất, rồi đi làm thuê, làm mướn, như: Dặm lúa, làm cỏ, cắt lúa,… Công làm thuê từ 150.000đ/ngày đến 200.000đ/ngày và mót lúa để bán lấy tiền trả nợ.
Trò Nguyễn Văn Sang, cho biết, năm 2015, lúc 7 tuổi, đang học lớp 1 thì ba má chia tay nhau. Ba thì bỏ xuống thứ 7, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang sinh sống, má thì bỏ đi đâu đến nay không rõ, bỏ lại Sang cho ông bà nuôi. Từ ngày ba má bỏ đi đến giờ chưa bao giờ em nhận được lời thăm hỏi, động viên, cung cấp tiền ăn, tiền học của đấng sinh thành. Ba má em phó thác trách nhiệm nuôi con của mình cho ông bà nuôi. Em sống trong tình yêu thương của ông bà ngoài cùng cậu và dì.
Ba má bỏ đi, không quan tâm, em có buồn và giận ba má mình không? Tôi hỏi. Dạ, em cũng buồn lắm ạ. Mỗi lần nhìn thấy các bạn cùng trang lứa được ba má đưa đi chơi, mua quà bánh, đưa đi học, được yêu thương, chăm sóc,… em buồn và tủi thân lắm. Rồi, em cũng quen dần với sự thiếu vắng tình thương của ba má, coi ông bà ngoại như người ba, người má thứ 2 của mình. Ông bà ngoại yêu thương em lắm. Dù nhà nghèo nhưng ông bà vẫn cho em đi học. Lúc học tiểu học, bà ngoại thường xuyên đưa đón em đi học. Vì vậy, em luôn cố gắng học để ông bà vui. Mặc dù không một lần được nhận sự yêu thương, chăm sóc của ba má, nhưng em không giận đấng sinh thành của mình, bởi em nghĩ, họ giờ đã có gia đình riêng, cuộc sống cũng khó khăn nên không có điều kiện để về thăm, gửi quà cho em. Em mong ước sau này ba má có thể gọi điện, về thăm em để cho em đỡ nhớ, để cho em được nằm trong vòng tay ôm ấp yêu thương của đấng sinh thành, nhưng em nghĩ, mong ước chỉ là mong ước vậy thôi chứ khó trở thành hiện thực lắm . Sang rơm rớm nước mắt, giọng đượm buồn.
Khi tôi đến nhà tình cờ gặp dì của Sang là Bùi Thanh Trà làm công nhân công ty sản xuất giày da trên Bình Dương về nhà chăm ba bị bệnh. Ông Bùi Văn Thổ, 71 tuổi, ba của Trà, ông ngoại của Sang bị tai biến cách đây mấy năm phải nằm một chỗ, không đi lại được nên phải luôn có người ở bên cạnh chăm sóc. Mấy ngày nay Thanh Trà xin nghỉ phép về chăm sóc ba vài bữa rồi lên công ty làm tiếp. Làm công nhân xa nhà, lương ba cọc ba đồng chỉ đủ nuôi thân nên cũng chẳng phụ giúp ba má được bao nhiêu. Tháng nào có việc làm, tăng ca thì được gần 8 triệu đồng, không tăng ca thì trên 4 triệu đồng lương cơ bản. Em cố gắng chi tiêu tiết kiệm để có tiền gửi về phụ má mua thuốc thang điều trị cho ba, nuôi cháu. Bùi Thanh Trà, tâm sự.
Thương gia đình ông Thổ, bà E nghèo khó, anh Sáu hàng xóm có con gái làm thợ may ở thị trấn Sóc Sơn lãnh vải của công ty về đưa cho gia đình cắt theo mẫu vẽ may bộ đồ mặc nhà. Vải vẽ bộ đồ mặc nhà dễ cắt giá 1.800đ/bộ đến 3.000đ/bộ, vải vẽ bộ đồ mặc nhà khó cắt giá 4.000đ/bộ. Một tháng gia đình có trên dưới 6 đơn hàng cắt vải theo mẫu, mỗi đơn hàng có 25 bộ đến 40 bộ. Một ngày cắt từ 30 đến 40 bộ quần áo. Thu nhập từ cắt vải theo mẫu vẽ may bộ đồ mặc nhà từ 600.000đ đến 700.000đ/tháng, nhưng không phải tháng nào cũng có.
Khi có đơn hàng cắt theo mẫu vẽ may bộ đồ mặc nhà, buổi sáng Sang đi học, buổi chiều và tối em phụ bà ngoại cùng 2 em con cậu là Bùi Thị Như Ý và Bùi Thanh Nhân cắt bộ đồ mặc nhà theo mẫu vẽ. Ngoài ra, Sang còn làm thuê, làm mướn. Ai thuê gì làm đấy, như: Bê tràm dưới ghe lên bờ cho chủ vựa bán tràm, bưng bàn ghế cho người làm dịch vụ đám cưới ở đầu cống Thầy Xếp một ngày được 50.000đ. Vào mùa gió nam từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch sóng từ biển Tây cuốn theo những vỏ chai nước suối, nước ngọt, ghế nhựa, rổ nhựa trôi dạt vào bờ.
Để nhặt những vỏ chai nước suối, nước ngọt, ghế nhựa, rổ nhựa ấy, đôi bàn chân trần của em phải lội bì bõm dưới làn nước đen ngòm đầy các loại rác thải, len lỏi qua những rặng dừa nước có chỗ ngập đến ngang ngực, có chỗ ngập đến ngang bụng. Đi lượm trong môi trường như vậy, em có sợ không? Dạ, có chứ ạ! Mỗi lần đi như vậy em sợ nhất là gặp phải tổ ong, hay bóng điện. Khi gặp tổ ong là lội vòng tránh ra xa, qua chỗ khác nhặt để không bị ong đốt, còn gặp nổ bóng điện thì sẽ có nguy cơ dẵm phải mảnh sành gây đứt chân dẫn đến nhiễm trùng,…bất cứ lúc nào. Sợ lắm, nhưng cũng phải đi, riết rồi quen, chỉ cần mình đi đứng cẩn thận thì không bị sao cả. Một ngày em lượm được từ 3kg đến 4kg vỏ chai nước suối, nước ngọt, rổ nhựa, ghế nhựa để giành bán; 1kg ve chai có giá 3.500đ/kg. Tích tiểu thành đại trong một tháng rưỡi em bán từ 100kg đến 200kg nhựa, thu được 200.000đ đến 400.000đ. Tiền bán ve chai, cắt vải bộ đồ mặc nhà theo mẫu vẽ, làm thuê em tiết kiệm để mua đồ dùng học tập và đóng học phí, Sang chia sẻ.
Cùng với đó, vào mỗi vụ thu hoạch lúa em đi mót lúa mỗi buổi chiều sau khi đi học về. Hôm nào ông mệt, bà ở nhà chăm ông, em đi mót lúa. Khi ông khoẻ, em ở nhà chăm ông, bà đi mót múa. Mùa mót lúa có đơn hàng cắt vải bộ đồ mặc nhà theo mẫu vẽ thì ban ngày hai bà cháu thay nhau đi mót lúa, tối về cắt vải. Vụ thu hoạch lúa, một ngày mót được một giạ lúa, một giạ lúa 25kg. Một vụ lúa mót được 25 giạ lúa để xay sát nấu ăn dần cho đến vụ thu hoạch lúa sau, rồi đi mót lúa tiếp, quanh năm như thế.
Mặc dù sống thiếu tình yêu thương chăm sóc của ba má nhưng Sang lại được sống trong tình yêu thương của ông bà ngoại. Thương cháu thiệt thòi hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa, lại ham học nên ông bà ngoại tạo mọi điều kiện để cho cháu được đến trường để sau này có tương lai tươi sáng. “Đời mình đã khổ vì thất học, vì không có ruộng đất sản xuất, phải làm thuê làm mướn kiếm ăn đắp đổi qua ngày nên dù gia đình nghèo khó vợ chồng tôi cũng cố gắng cho cháu đi học để có kiến thức sau này tương lai các cháu sẽ tươi sáng hơn, không như thế hệ ông bà, các cậu, dì và ba má của chúng”. Bà Lâm Thị E tâm sự.
Hiểu hoàn cảnh gia đình và tình yêu thương vô bờ bến của ông bà, Sang luôn cố gắng học tập chuyên cần để không phụ lòng nuôi nấng, dạy dỗ của ông bà. Em cũng hiểu được rằng, để ông bà đỡ vất vả vì mình, em phải tự bươn chải làm những việc phù hợp với sức khoẻ, điều kiện của mình để kiếm tiền tiết kiệm lại trang trải chi phí học tập. “Có khi nào em suy nghĩ mình sẽ bỏ học không khi mình có hoàn cảnh gia đình khó khăn”, tôi hỏi. “Dạ, cũng có đôi lúc em nghĩ đến việc bỏ học để ở nhà đi làm thuê, làm mướn để vơi bớt gánh nặng gia đình phụ giúp ông bà ngoại, nhất là từ khi ông bị bệnh tai biến nằm một chỗ. Nhưng em nghĩ, mình phải cố gắng vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường với các công việc vừa sức mà em đã làm để vừa giúp ông bà vơi bớt khó khăn vừa có cơ hội được tiếp tục đến trường và em rất vui khi đã thực hiện được điều đó, Sang tỏ bày.
Năm học 2024-2025, trò Sang bước vào học cấp Trung học phổ thông tại Trường THPT Sóc Sơn, huyện Hòn Đất với bao hoài bão và ước mơ cháy bỏng đang chờ đợi ở phía trước. Tôi tin rằng với nghị lực của bản thân em sẽ thực hiện được ước mơ của mình, nhưng bên cạnh đó,… còn đó…. nhiều nỗi lo!