Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu rõ, nhắc đến địa danh rừng tràm Bang Biện Phú, mỗi chúng ta sống lại những ký ức không thể nào quên về một thời đạn bom khốc liệt, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước bi hùng, oanh liệt, bất khuất của nhân dân vùng U Minh Thượng. Do đó, tỉnh Kiên Giang và huyện Vĩnh Thuận cần thực hiện tốt việc quản lý, giữ gìn, phát huy giá trị của Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ anh hùng liệt sĩ, người có công để nơi đây mãi là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Đồng chí Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, chia sẻ, để ghi nhớ công ơn, sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng căn cứ địa U Minh Thượng, đại tướng Lê Hồng Anh - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã khởi xướng kế hoạch chi tiết, tiến hành tu bổ, tôn tạo Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và xây dựng Đền thờ anh hùng liệt sĩ, người có công huyện Vĩnh Thuận với nguồn kinh phí xã hội hóa gần 100 tỉ đồng.
Khu Chứng tích Chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú nằm trong quần thể 31 điểm di tích thuộc Di tích Lịch sử Quốc gia Căn cứ U Minh Thượng, được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1997. Khu Chứng tích có diện tích 4ha, tọa lạc tại khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận. Đây là điểm di tích đặc biệt lưu giữ giá trị một giai đoạn lịch sử hào hùng, bi tráng của miền Tây Nam Bộ và Đảng bộ tỉnh Kiên Giang.
Trong khuôn viên khu chứng tích có tượng đồng Bác Hồ cao lớn, bao dung, mang biểu tượng “Miền Nam trong trái tim tôi”. Các bức phù điêu thể hiện sống động về lịch sử hình thành dân cư - dân tộc, tinh thần chiến đấu của quân, dân huyện Vĩnh Thuận và tỉnh Kiên Giang. Riêng đền thờ anh hùng liệt sĩ, người có công là công trình chính với không gian 2 bên thờ liệt sĩ, gian giữa thờ Bác Hồ.
Quân và dân Kiên Giang rất tự hào khi trên mảnh đất quê hương vùng U Minh Thượng có một ngôi nhà chung, quy tụ hồn thiêng các bậc tiền nhân, những người có công với quê hương, đất nước. Chứng tích nhắc nhở quân và dân Kiên Giang hãy luôn ghi nhớ về những cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân yêu nước đã “sống kiên cường, dũng cảm hy sinh oanh liệt” góp phần làm nên một U Minh Thượng bất tử, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại.
Nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng vẻ vang của quê hương, đất nước cho thế hệ sau.