Kiên Giang: Đầu tư trọng tâm, trọng điểm hạ tầng giao thông phát triển kinh tế
15/08/2021 21:09
Tỉnh Kiên Giang xác định phát triển giao thông vận tải có vai trò quan trọng, tác động sâu rộng, gắn bó mật thiết và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và giao thông nói riêng.
Cảng hàng không Rạch Giá được đầu tư nâng cấp góp phần kết nối 02 thành phố: Hà Nội – Rạch Giá
Kinh tế phát triển ổn định
Trong thời gian qua, mặc dù nguồn vốn ngân sách còn hạn chế nhưng tỉnh đã chủ động huy động các nguồn vốn đầu tư mạnh vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã từng bước phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nền kinh tế có những bước phát triển mạnh mẽ với nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 7,22%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2015 đạt 47.076 tỷ đồng, năm 2020 đạt 71.755 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.630 USD năm 2015 lên 2.504 USD năm 2020, gấp 1,45 lần so năm 2015.
Cùng với đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thủy sản từ 40,39% xuống còn 31,54%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng từ 18,11% tăng lên 20,06%; dịch vụ từ 41,5% tăng lên 48,4%.
Kinh tế biển phát triển khá toàn diện, chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của tỉnh (79,76% GRDP của tỉnh); nhiều dự án về giao thông đường bộ, cảng biển, sân bay; thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế và du lịch ven biển, hải đảo, … được quan tâm đầu tư.
Các tiềm năng, thế mạnh từng vùng kinh tế được phát huy hiệu quả. Vùng Tứ giác Long Xuyên phát triển du lịch, dịch vụ, cảng biển, sản xuất và chế biến nông - thủy sản xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng. Vùng Tây Sông Hậu phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, cơ khí và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Vùng U Minh Thượng phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, về nguồn lịch sử. Vùng biển - đảo phát triển và đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch chất lượng cao, khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm, kết nối với các địa phương trong tỉnh được đầu tư xây dựng từng bước kết nối với hệ thống giao thông quốc gia; mở rộng Quốc lộ 61, xây dựng đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và nhiều tuyến đường tỉnh, hệ thống đường huyện, thành phố đã đầu tư xây dựng đạt 69,26% kế hoạch, 100% số xã trong đất liền có đường ô tô đến trung tâm, 80,4% đường liên xã và 84,38% đường ấp, liên ấp được bê tông hóa hoặc nhựa hóa.
Còn chậm, chưa đạt kế hoạch
Mặc dù kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn đầu tư; các chính sách quản lý về xây dựng và đất đai, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án thiết yếu trên địa bàn, vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn,... chưa hoàn thành đầu tư theo quy hoạch cho nên tiến độ thực hiện chậm và không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, quy mô dân số và mật độ dân cư ngày càng tăng kéo theo sự phát triển của các phương tiện cá nhân và những khó khăn, bất cập trong tổ chức vận tải hành khách công cộng; tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại các tuyến trục chính trên địa bàn thành phố Rạch Giá, Phú Quốc, cửa ngõ ra vào sân bay, khu vực cảng Rạch Giá,... đặc biệt trong các dịp cao điểm Lễ, Tết đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Nhằm tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn, giữa các đầu mối giao thông cửa ngõ góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hoà, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải.
Cùng với đó, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý, giữa đường bộ, đường thủy, đường hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá và hành khách ngày một gia tăng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Trong đó, ưu tiên phân kỳ nguồn vốn đầu tư để phát triển giao thông vận tải làm cơ sở cho việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông của tỉnh đến năm 2025 để xây dựng các tuyến đường bộ quan trọng nối liền các trung tâm từ tỉnh xuống huyện và từ huyện về xã; các tuyến đường khu kinh tế, đường bộ dọc biên giới và hệ thống giao thông; đầu tư xây dựng hải cảng, bến thủy và hệ thống giao thông... nhằm đáp ứng tối thiểu nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030.
Song song với đó phối hợp với Trung ương sớm đầu tư đường cao tốc, nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ; xây dựng các tuyến đường bộ ven biển và các dự án đường bộ mang tính liên kết vùng; nạo vét các tuyến đường thủy và luồng vào hải cảng do Trung ương quản lý và nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không trên địa bàn.
Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nâng cao chất lượng khai thác; khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với khả năng nguồn lực của tỉnh và liên kết vùng.
Trương Anh Sáng
Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Đầu tư trọng tâm, trọng điểm hạ tầng giao thông phát triển kinh tế" tại chuyên mục Phương Nam.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.