Khoảng lặng phía sau người thầy

09/11/2021 18:12

Theo dõi trên

Chiều, đang giờ ra chơi thì điện thoại reo, thầy gọi “Em ơi, thầy đã viết xong chương 2 của luận án tiến sĩ rồi! Em cũng phải cố gắng học tiếp nhé! Thầy cũng đang cố gắng nè!” Là tôi dạ và chúc mừng thầy thế nhưng không hề ngỡ ngàng. Thầy là thế, về hưu rồi nhưng thầy vẫn đi dạy, đi học. Và thế mới chính là thầy Nhuận của tôi. Là thầy Trần Quốc Nhuận chứ không thể là một ai khác được. Thế rồi, ký ức về thầy cứ như một thước phim quay chậm hiện ra trước mắt tôi, rõ lắm.

tran-quoc-tuan-1636452787.jpg
Thầy Trần Quốc Nhuận đang truyền con chữ đến với học trò

Tôi muốn viết về thầy. Tôi cũng đã từng viết về thầy. Nhưng tôi nghĩ những câu chuyện về thầy, những kỷ niệm về thầy tôi sẽ chẳng bao giờ kể hết được. Đó là lý do hôm nay tôi lại viết tiếp những trang viết về thầy. Bởi với tôi, kỷ niệm về thầy là cả một câu chuyện dài về công ơn của thầy đối với tôi. Thầy đã kéo tôi - một cô bé học trò người dân tộc thiểu số ở một vùng quê hẻo lánh, nghèo nàn ở một huyện miền núi ở phía Tây của tỉnh Phú Yên thoát khỏi sự nghèo khó, sự lạc hậu của nạn tảo hôn để đến với con chữ, đến với ước mơ được trở thành cô giáo.

Ngày ấy, tôi là cô học trò người dân tộc thiểu số duy nhất của Trường cấp II - III Sơn Thành, ngôi trường cách nhà tôi gần chục kilômet. Nếu những cơn mưa rừng, những con suối lũ chắn lối tôi đến trường làm khó tôi một thì cái đói, cái hủ tục của nạn tảo hôn của người Nùng nơi tôi sống còn khiến ước mơ đến với con chữ của tôi còn chòng chành gấp bội. Tôi lầm lũi, ít nói, cố gắng hết sức mình thì cũng vẫn phải bữa học bữa nghỉ. Tôi không có tiền để có thể tìm một chỗ trọ ở cạnh trường để tá túc trong những ngày mưa. Nên cái sự học của tôi cứ phải xuống lên theo từng cơn lũ của những cơn mưa rừng. Nhiều hôm ôm cặp ra đến bờ sông, nhìn lũ đỏ ngầu, cuồn cuộn chảy sau một trận mưa đêm rồi lại ứa nước mắt ôm cặp quay về nhà. Rồi ba mẹ bảo tôi lấy chồng, dù sao thì đám này tốt, chịu rồi tôi sẽ được yên ấm tấm thân, sẽ không phải ăn bữa nay lo bữa mai nữa. Học nhiều mà làm gì. Lấy đâu ra tiền mà học. Học rồi cũng có đến phiên mình làm quan đâu. Bây giờ cơm còn chả no nữa thì học được đến đâu. Nói là làm, ba mẹ gật đầu là xong, tôi coi như đã có nơi có chốn. Tôi chưa muốn lấy chồng, nhưng tôi cảm thấy tuyệt vọng, tôi không biết bấu víu vào đâu, không biết nhờ vả ai. Tương lai thấy sao mờ mịt quá. Sự cô đơn cộng với những khó khăn trên con đường đến trường đã khiến tôi dần nản chí. Tôi đã định nhắm mắt đưa chân.

Thầy Nhuận biết, tôi là cô học trò duy nhất là người dân tộc thiểu số của trường nên thầy đặc biệt dõi theo cái sự học của tôi và thầy biết tuốt mọi thứ về tôi. Rồi thầy khuyên tôi đừng nản chí, thầy bảo để thầy giúp, mọi chuyện của người lớn để thầy lo. Tôi không biết thầy đã nói chuyện như thế nào với người lớn, chỉ biết là sau đó tôi lại được bình yên để đến trường. Tôi như kẻ chết đuối vớ được chiếc phao cứu sinh, tôi chỉ còn biết học và học. Tôi gần như đã lấy hết sức bình sinh ra để học. Học trong sự vui sướng và lòng biết ơn thầy. Thầy ôn thi miễn phí cho tôi cùng các bạn. Thầy hướng dẫn cho chúng tôi cách tự học, tự nghiên cứu sách tham khảo. Thầy cố gắng cho cô bé là người dân tộc thiểu số là tôi có thể thoát khỏi sự mặc cảm, tự ti để hòa đồng, cố gắng cùng các bạn. Thầy chỉ chúng tôi cách chọn trường mà thi đại học. Tôi đậu ba trường đại học thì thầy lại tư vấn cho nên học trường nào. Là sinh viên rồi vẫn thường xuyên nhận được những lời nhắc nhở, động viên từ thầy. Tôi cứ thế, lớn dần theo những bài học và sự chở che của thầy, rồi dần xa thầy. Cuộc sống cứ đẩy đưa, cứ cuốn tôi đi, mải mê với ước mơ của mình, nhiều khi vô tâm, không nhớ hỏi thăm thầy. Nhưng thầy vẫn thế, vẫn hay gọi điện động viên tôi rằng đừng bao giờ ngừng cố gắng.

Giờ đây, dù đã là một cô giáo vững tay nghề nhưng với tôi những bài học từ thầy chưa bao giờ là cũ, bởi những gì thầy dạy không chỉ là những bài học trên sách vở mà còn là bài học làm người mà thầy chính là một tấm gương sáng để chúng tôi noi theo. Lớn rồi, nghĩ về thầy, mới thấy thầy cứ nhiệt tình, tận tâm  giúp học trò thế mà chưa một lần tôi thấy thầy thở than hay kể về mình. Trưởng thành rồi mới hiểu đằng sau những điều thầy chưa kể là cả một cuộc đời với bao nhiêu là nhọc nhằn, bao nhiêu là cơn mưa, bao nhiêu là bụi phấn.

Thầy sinh năm 1957, trong một gia đình đông con nghèo khó tại xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa - một huyện miền núi của tỉnh Phú Yên. Thế nhưng, cái nghèo dường như còn chưa đủ để thách thức nghị lực của cậu bé vốn tỏ ra thông minh từ nhỏ. Chiến tranh đã cướp đi một phần cơ thể khi thầy lên bảy. Có hề gì, thầy còn tay trái, thầy làm được mọi việc và thầy thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Huế năm 1977, tốt nghiêp thủ khoa ngành Địa lí năm 1981. Ra trường, thầy được trở về Trường THPT vừa học vừa làm Sơn Thành, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên, sau chuyển thành Trường THCS và THPT Sơn Thành dạy những đứa học trò miền núi như lũ chúng tôi, nhọc nhằn theo năm tháng để bao lứa học trò như chúng tôi lần lượt cập bến ước mơ của mình. Thầy vừa dạy, vừa làm công tác quản lý vừa học thêm. Năm 1999, thầy tốt nghiệp Cử nhân Lịch sử tại Đại học khoa học Huế. Năm 1998 đỗ Cao học chuyên ngành Địa lí - Dân số tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội và năm 2000 nhận bằng Thạc sĩ ở tuổi 43. Thầy bận bịu lắm, nhưng tôi biết thầy chưa bao giờ quên dành tình yêu thương cho những đứa học trò nghèo như chúng tôi thuở nào. Lúc nào nhà thầy cũng vài bạn trọ học, lúc nào cũng sẵn một lớp học thêm ôn thi đại học mà thầy chẳng bao giờ thu tiền của học trò. Ngoài công việc là một Hiệu trưởng, đứng đầu cơ quan, học trò vẫn thấy thầy từng ngày, say sưa trên bục giảng. Thầy bảo “Phải không ngừng học để làm việc để dạy tốt hơn. Mình học về có thêm kiến thức mà không tranh thủ dạy lại cho trò thì phí”. Thầy là thế, tự học, tự cố gắng và tự nguyện tận tâm cống hiến. Với uy tín về chuyên môn của mình ngoài việc ở cơ quan, thầy được mời cộng tác với nhiều trường học khác trong tỉnh, tham gia bổi dưỡng Đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia của tỉnh nhà. Tham gia cộng tác viết bài nghiên cứu Địa lý địa phương Phú Yên.

Năm 2011 thầy được chuyển về giảng dạy, làm tổ trưởng chuyên môn Sử - Địa - Công dân tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, địa chỉ số 05 đường Phan Lưu Thanh, phường 7 thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên để gần con cháu. Bận rộn là thế nhưng lớp học ôn thi đại học miễn phí nơi núi rừng này vẫn còn vang giọng của thầy mỗi khi cuối tuần. Bản làng chẳng ai không yêu quý ông giáo già còn mỗi tay trái cứ ngày nghỉ lại từ phố cắp cặp vượt hơn 50km lên non về với học trò nghèo. Ở thời buổi kinh tế thị trường với những bon chen lợi danh, mọi thứ cứ như được quy ra tiền bạc cả thì trước mắt những học trò nghèo như chúng tôi, thầy cứ như một hạt ngọc còn lấp lánh giữa đời để thắp sáng những tin yêu về tình thầy trò đẹp như trong cổ tích.

Ba mươi tám năm, bao nhiêu học trò đã được thầy dạy dỗ chở che, thầy làm sao nhớ hết. Nhưng tôi biết trong chừng ấy năm, có rất nhiều, rất nhiều những cô cậu học trò như chúng tôi đã thật hạnh phúc vì được làm học trò của thầy. Trong đó có hàng trăm học sinh giỏi cấp tỉnh, Olympic khu vực phía Nam và hàng chục học sinh giỏi Quốc gia. Nhiều học sinh đỡ vào các trường đại học, ra trường và đang từng ngày noi gương thầy giúp ích cho xã hội. Với đồng nghiệp thầy cũng hết mực đối đãi chân thành, hòa thuận. Nhiều giáo viên mới ra trường cũng đã được thầy dìu dắt, động viên để trở thành những giáo viên giỏi có tài, có tâm, đứng vững với nghề.

phuong-den-tu-cau-chuyen-co-tich-ba-ke-145933-1636456288.jpg

Chúng tôi những cô cậu học trò thuở nào, đã có lúc nghịch ngợm thắc mắc. Thầy dạy Địa mà cụt tay phải thì thầy vẽ biểu đồ hình tròn kiểu gì, nhưng rồi lại tròn mắt khi thầy lấy cùi chỏ làm tâm, bàn tay cầm phấn, thầy nghiêng người xoay tay một vòng trên bảng. Một vòng tròn hiện ra, không thể tròn hơn. Cả lớp thán phục thầy. Đâu biết, để làm được điều đó, và để làm được bao điều cho học trò nghèo như thầy là cả một sự cố gắng, một nghị lực phi thường, một điều không thể thiếu nữa chính là lòng yêu nghề và tấm lòng nhân hậu, bao dung với tất cả học trò. Ghi nhận công lao thầm lặng của thầy, các cấp, các ban ngành tặng thầy nhiều Huy chương, Kỷ niệm chương và 08 bằng khen, 25 lượt được công nhận chiến sĩ thi đua cấp ngành, 05 lượt công nhận chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 20 sáng kiến kinh nghiệm và đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cấp ngành, trong đó có 04 đề tài được công nhận sở hữu trí tuệ sáng kiến cấp tỉnh. Nhưng có lẽ vinh dự nhất là năm 2012, thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú ghi nhận những đóng góp của thầy cho ngành giáo dục và cho xã hội.

Sau chừng ấy công việc, thầy vẫn là người chồng, người cha luôn dành tình cảm ấm áp nhất cho gia đình. Gia đình thầy là gia đình nhà giáo, gia đình văn hoá gương mẫu. Vợ thầy cũng làm trong ngành giáo dục đã nghỉ hưu, cô đảm đang lo công việc gia đình. Con trai, con gái, dâu, rể cũng công tác trong ngành giáo dục của tỉnh nhà và rất hiếu thuận với thầy, cô. Hằng ngày, sau những bộn bề ngược xuôi thầy lại về với gia đình bên mâm cơm đạm bạc nhưng luôn ấm áp những tin yêu như thế. Thầy vẫn bảo: “Giữ được gia đình yên ấm là ta mới có được hậu phương vững chắc để cống hiến cho xã hội”. Qủa đúng như vậy, thầy trong mắt bao thế hệ học trò chúng tôi, trọn vẹn mọi thứ.

Thầy có quyết định nghỉ hưu từ năm 2016, nhưng thầy vẫn nhận lời mời tiếp tục giảng dạy Địa lí các lớp bậc THPT tại Trường Phổ Thông Duy Tân tại địa chỉ: đường Nguyễn Hữu Thọ, phường 9, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên (ngôi trường mà thầy đã gắn bó tham gia dạy thỉnh giảng 15 năm nay). Vừa dạy thầy vừa tham gia học lớp cử nhân Ngôn ngữ Anh tại Trường đại học Thái Bình Dương (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và vừa nhận bằng tốt nghiệp ở tuổi 63 vào tháng 05 năm 2019. Bây giờ, vừa tham gia dạy học tại Trường THPT Duy Tân vừa làm nghiên cứu sinh nhưng lớp học ôn thi miễn phí nơi miền núi này vẫn được thầy lên lớp vào những ngày cuối tuần. Nhiều người thắc mắc, già rồi sao không hưởng thụ, nghỉ ngơi, rong chơi cho khỏe. Nhưng thầy là vậy đấy, vẫn không ngừng học tập, vẫn đi sớm về trưa, tận tụy với nghề. Vẫn quan tâm đến từng học trò như là một người cha lo lắng cho những đứa con. Vẫn hay quan tâm, hay phạt và dạy học trò theo cách riêng của thầy. Nhưng sau sự quan tâm và mỗi hình phạt đó, chúng tôi, ai cũng trưởng thành hơn.

Bây giờ tôi và các bạn mình mỗi đứa đều đã trưởng thành, đã có cuộc sống riêng ổn định. Mọi khó khăn của ngày xưa dần lùi vào dĩ vãng. Chỉ có kỷ niệm của tuổi học trò với những bài học mà thầy dạy thuở nào vẫn còn xanh mãi. Thầy vẫn dõi theo từng bước đi của chúng tôi, cứ như một người cha, thi thoảng lại gọi, lại nhắc nhở những câu quen thuộc: “Cố lên nhé!” , “Phải sống tốt nghe em!”, “Phải học nữa chứ, đừng nản chí! Thầy già rồi cũng còn phải cố gắng nè!”. Chiều nay cũng thế, nghe thầy bảo phải học tiếp nhé, tôi lại một lần nữa thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn./. 

Lý Thị Thủy
Bạn đang đọc bài viết "Khoảng lặng phía sau người thầy" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.