Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.
Về kinh tế giá trị sản xuất ước đạt 15.024,5 tỷ đồng (tính theo giá so sánh năm 2010), tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 10,11%, đạt kế hoạch đề ra. Trong đó: Ngành nông, lâm, thủy sản tăng 4,20%, công nghiệp - xây dựng tăng 13,64%, dịch vụ tăng 13,35%. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng định hướng: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 34,84%; công nghiệp - xây dựng chiếm 31,10%; dịch vụ chiếm 35,06%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 70 tr.đ/người, tăng 5 triệu đồng so với năm 2023, đạt 100%KH.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt kết quả tốt. Giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 4.510,51 tỷ đồng, tăng 4,20% so với năm 2023. Cả hai vụ được mùa toàn diện cả về năng suất, chất lượng và giá trị, giá lúa tăng 25-30% so với cùng kỳ năm 2023. Chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp đạt những kết quả tích cực. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt 1.881,37 tỷ đồng, tăng 4,07% so với năm 2023. Lúa vụ Xuân và vụ Hè Thu đã gieo cấy được 23.652,25 ha, tăng 245,89 ha so với năm 2023. Các cây trồng khác được gieo cấy theo đúng kế hoạch. Sản lượng lương thực có hạt đạt 151.432 tăng 2.797 tấn so với cùng kỳ năm 2023. Diện tích ứng dụng công nghệ cao đồng bộ trong vụ Xuân 2024 (làm đất, sản xuất đến sơ chế, chế biến và bảo quản) là 2.880 ha tăng 55,66% so với vụ Xuân năm 2023. Diện tích liên kết sản xuất trong vụ Xuân là 4.000 ha, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Vụ Xuân, Hè Thu năm 2024 tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật cho năng suất, hiệu quả cao trong sản xuất. Đã xây dựng được 47 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuât, ứng dụng cơ giới hoá, liên kết sản xuất. Diện tích liên kết 7.200 ha, diện tích sản xuất lúa giống tiếp tục được duy trì hơn 350 ha. Diện tích ứng dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ (làm đất, sản xuất đến sơ chế, chế biến và bảo quản) là 3.980 ha, cao hơn năm 2023 là 1.030 ha; diện tích được sơ chế ở khâu sấy sau thu hoạch là 5.250 ha.
Chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng khá. GTSX theo giá so sánh đạt 2.066,85 tỷ đồng, tăng 4,21% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 22.712 tấn, tăng 3,05% s với cùng kỳ năm 2023, đạt 100% kế hoạch. Tổng đàn trâu có 10.458 con, bằng 99,71% so với cùng kỳ năm 2023; đàn bò có 19.335 con, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2023; đàn lợn có 77.553 con bằng 102,15% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, đảm bảo an toàn sinh học, đẩy mạnh hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Đã hình thành các cơ sở chăn nuôi theo hướng tập trung với quy mô công nghiệp, chú trọng du nhập các giống mới để cải tạo đàn vật nuôi địa phương như các giống lợn ngoại, bò thịt cao sản (3B, bò sữa đực…), gà nuôi hữu cơ… Áp dụng quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học, chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong chăn nuôi.
Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) được tích cực triển khai, giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay đã có 42 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 40 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, tăng 08 sản phẩm so với cùng kỳ năm 2023.
Sản xuất lâm nghiệp phát triển tốt, GTSX theo giá so sánh đạt 211,28 tỷ đồng, tăng 8,15% so với cùng kỳ năm 2023. Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, chuyển đổi trồng rừng gỗ dăm sang trồng rừng gỗ lớn, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư chế biến sâu, giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ được nâng cao. Diện tích trồng mới rừng tập trung là 1.1.487,8 ha, đạt 102,6% kế hoạch, tăng 18,23% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu trồng cây nguyên liệu giấy. Cây phân tán đã trồng được 10.313 cây.
Tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy, phòng trừ sâu bệnh hại, đã thành lập được 186 tổ phòng cháy, chữa cháy rừng với 3.279 người tham gia. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện công tác trồng rừng gỗ lớn, rừng trồng thâm canh, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 4.642,73 ha (6 xã: Thịnh, Đồng, Hùng, Hậu, Tây, Đại Thành và Công ty Đông Bắc).
Giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt 351,01 tỷ đồng, tăng 1,86% so với cùng kỳ năm 2023. Diện tích nuôi thả cá 1.655,17 ha, trong đó diện tích nuôi ao 556,5 ha, nuôi hồ đập 1.026,4 ha, diện tích cá lúa đã thả 72,27 ha. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 4.350 tấn.
Khai thác tối đa diện tích mặt nước hiện có để nuôi thả cá, xây dựng cơ chế phù hợp khuyến khích dân đầu tư vốn vào nuôi trồng thủy sản. Nhiều mô hình nuôi con đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân ra diện rộng như mô hình nuôi ốc bươu đen, mô hình nuôi lươn không bùn, ếch, mô hình nuôi cá thác lát, cá coi (xã Mã Thành, Văn Thành), tôm thẻ chân trắng (xã Phú Thành, Bảo Thành, Mỹ Thành)...
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đạt kết quả quan trọng, đến nay toàn huyện đã có 21/38 xã đạt NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Thị trấn Yên Thành đạt chuẩn đô thị văn minh.
Với quyết tâm phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM cấp huyện, cấp xã, các phòng, ban, ngành và toàn bộ hệ thống chính trị đang quyết liệt, khẩn trương thực hiện rà soát, hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và chuẩn bị hồ sơ minh chứng đạt chất lượng, yêu cầu đề ra.
Các hoạt động của ngành giáo dục được tổ chức theo kế hoạch, đạt kết quả tốt, chất lượng học sinh giỏi tiếp tục được khẳng định, nhiều học sinh, giáo viên đạt thành tích cao tại các kỳ thi do các cấp, các ngành tổ chức.Chất lượng giáo dục đại trà từng bước được nâng lên, tốt nghiệp THPT đạt 99,96% tiêu biểu có em Nguyễn Thị Cẩm Tú HS trường THPT Phan Thúc Trực đạt thủ khoa khối C toàn quốc với 29,75 điểm, có 7 học sinh ở tốp 20 của tỉnh có điểm thi THPT cao được UBND tỉnh trao thưởng. Tốt nghiệp THCS đạt 98,7%. Công tác giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh được tăng cường. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được các cấp, các ngành, các địa phương, khối xóm, các dòng họ… quan tâm tạo động lực để giáo viên và học sinh phấn đấu đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia được các nhà trường, địa phương quan tâm. Đến nay toàn huyện có 107/116 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 92,24%.
Công tác phổ cập, chống mù chữ được giữ vững: Huyện đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, Phổ cập THCS mức độ 3, xóa mù chũ mức độ 2.
Các hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình diễn ra sôi nổi, phản ánh kịp thời các sự kiện quan trọng về chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của huyện, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Các hoạt động, chương trình mừng Đảng - mừng Xuân, lễ hội trên địa bàn được tổ chức quy mô phù hợp, nhiều hoạt động ý nghĩa, mang lại hiệu quả tích cực, tạo niềm hứng khởi và không khí vui tươi cho người dân trong dịp đầu năm mới: Lễ hội đền Cả (Hoa Thành), Lễ hội đền Đức Hoàng (Phúc Thành), Lễ hội đền chùa Gám (Xuân Thành), Lễ hội đền Thánh Mẫu (Mã Thành), Chương trình gặp mặt văn nghệ sĩ và con em huyện Yên Thành đang làm báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An,...
Phong trào thể dục thể thao tiếp tục phát triển sâu rộng đối với tất cả các đối tượng trên địa bàn huyện, nhiều câu lạc bộ, điểm tập luyện hoạt động có hiệu quả góp phần đẩy mạnh phong trào TDTT trong toàn huyện: tổ chức 5 giải thể thao gắn với tổ chức Lễ phát động ngày chạy Olympic vì sức khỏe cộng đồng thu hút 250 vận động viên tham gia. Tham gia lễ hội làng sen đạt 3 huy chương Vàng, 6 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng; Nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng như Lễ phát động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam; Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Nghệ An năm 2024; Lễ phát động tháng hành động vì trẻ em và toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước huyện Yên Thành năm 2024 được tổ chức thành công, tạo hiệu ứng tích cực trong nhân dân. Tổ chức Hội thi liên hoan tiếng hát Làng Sen năm 2024 nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890-19/05/2024) tại 4 cụm trên địa bàn huyện, Tham gia Liên hoan tiếng hát làng Sen tỉnh đạt giải nhì toàn đoàn.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản được quan tâm chỉ đạo có hiệu quả. Phối hợp Ban quản lý di tích kiểm tra di tích tỉnh kiểm kê di vật, cổ vật tại 94 tích được xếp hạng trên địa bàn. Tổng số cổ vật, di vật quý hiếm được kiểm kê trên địa bàn là 2.807 cái.
Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, nhiều hoạt động lễ hội lớn trên địa bàn, nghỉ lễ dài ngày như Giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30/4, ngày 1/5… các điểm du lịch như trại Cừu, Đập vệ vừng, Nhà thờ đá Bảo Nham, Đền Chùa Gám, Đền Đức Hoàng thu hút hơn 136.000 lượt khách du lịch về tham quan vãn cảnh, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra một số mô hình du lịch canh nông phát huy hiệu quả thu hút được nhiều lượt khách tham quan (vườn nho Hạ Đen, xóm 8, xã Xuân Thành; vườn na, vườn mít, xã Tân Thành, vườn cây ăn quả, xã Quang Thành; vườn đào, xã Kim Thành,…).
Công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thường trực cấp cứu 24/24h được thực hiện tốt. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, tiêm chủng mở rộng được tập trung triển khai theo kế hoạch, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 78,5%, dự kiến cả năm đạt trên 96%. Các chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra: số bác sỹ trên vạn dân đạt 4,7 BS, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ 100% (39/39 xã), tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 100%, tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân 18,8%; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đạt 9,3%, vượt kế hoạch đề ra.
Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Năm 2024 giải quyết việc làm mới cho hơn 5.500 lao động, đạt 100% so với KH đề ra, trong đó có 1.300 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 100% so với KH đề ra. Số còn lại là lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước, các trang trại, làng nghề và tự tạo việc làm tại hộ gia đình. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82,2%, vượt kế hoạch đề ra. Phối hợp Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm tại 4 xã Khánh Thành, Viên Thành, Quang Thành, Tây Thành. Có 06 công ty được giới thiệu tư vấn, tuyển dụng việc làm trong nước và xuất khẩu lao động.
Các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Thực hiện tốt công tác thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi, trong dịp tết nguyên đán Giáp Thìn, với tổng kinh phí huy động hơn 8 tỷ đồng...