Bà Đỗ Duy Liên là một người phụ nữ sinh ra trong gia đình công chức khá giả. Trong bước đường lớn khôn, trưởng thành, và tham gia cách mạng cho đến gần hết cuộc đời, bà đã gắn bó máu thịt với mảnh đất phương Nam, với Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ, với bao biến động thời cuộc, bà đã kiên cường với vai trò người mẹ, người vợ, người nữ chiến sĩ trung kiên trong thời chiến và người nữ cán bộ tâm huyết, tài năng trong thời bình.
Sau khi nghỉ hưu, khoảng năm 1992, bà Đỗ Duy Liên bắt đầu viết trang đầu tiên của hồi ức Cuộc đời của mẹ, khi đó chính các con bà cũng chưa biết. Về sau, các con của bà tìm thấy các tập bản thảo khi dọn phòng, từ đó mới hoàn thành nốt những phần còn lại dựa vào lời kể của bà Duy Liên lúc còn tỉnh táo (hiện trí nhớ của bà đã suy giảm do tuổi già), cộng thêm những cảm nhận riêng, và những bài bà viết đăng trên sách báo, tạp chí, kỷ yếu liên quan.
Quyển sách “Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ” gồm có 4 phần chính và phụ lục ảnh màu. Phần 1, kể về tuổi thơ, quá trình trưởng thành và tham gia kháng chiến của cô nữ sinh Đỗ Duy Liên. Phần 2, là những lá thư bà viết cho chồng. Ông hy sinh năm 1968 tại Bến Cát, Bình Dương. Lá thư đầu tiên bà viết cho ông là khi đang trên đường từ Hội nghị Paris về Hà Nội, khi quá cảnh ở Bắc Kinh, ngày 12/2/1969. Và hằng năm, đều đặn từ đó, bà vẫn viết thư kể cho ông về tình yêu, gia đình, nỗi nhớ…. Có thể nói đây là phần xúc động và thể hiện rõ nét nhất nét nữ tính và trái tim tràn ngập yêu thương của bà Đỗ Duy Liên.
Phần 3, gồm hồi ức của các con về bà Đỗ Duy Liên. Do hồi ký bà tự viết dừng lại ở sự kiện bị địch bắt, ở tù năm 1967 và được trao trả ra căn cứ tháng 3/1968. Giai đoạn tiếp theo, bắt đầu từ khi bà ra miền Bắc (giữa năm 1968), rồi trở lại chiến trường miền Nam (đầu năm 1973), tiếp quản Thành phố Sài Gòn (30/4/1975), tái thiết, xây dựng, phát triển Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu gồm rất nhiều sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời và sự nghiệp của bà. Các con của bà là Liên Hoan, Thái Hỷ, Duy Hiệp, đã từ trí nhớ và những tham khảo từ đồng chí, đồng nghiệp của bà, cùng những tư liệu liên quan, để viết bổ túc về thời kỳ này. Phần 4, là những phát biểu của bà Đỗ Duy Liên, cũng như cảm tưởng của nhiều người từng là đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, người thân… về bà.