Hoài niệm Đình Khao bên dòng sông Cổ Chiên

22/07/2019 16:38

Theo dõi trên

Đình Khao nằm ven sông Cổ Chiên thuộc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Đây là một di tích văn hóa dân gian mang đậm huyền thoại qua không ít thăng trầm của đất Vĩnh Long.



Cổng chùa Bửu Long. Ảnh: Báo Vĩnh Long

 
Ngôi đình này vừa là nơi thờ Thành hoàng của địa phương vừa là nơi binh lính hoàn thành thời gian trong quân ngũ tập hợp về đây để được khao thưởng - vì vậy nơi này được gọi là Đình Khao. Thông tin trên báo Cần Thơ.

Báo Cần Thơ cho hay, theo một số tài liệu, Đình Khao được xây cất từ thời Gia Long thứ 16 (Đinh Sửu - 1817). Năm 1867, sau khi thực dân Pháp đã đánh chiếm ba tỉnh còn lại của Nam Kỳ: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên thì chúng cho triệt hạ hết các thành trì, dinh thự, lăng tẩm... của triều đình nhà Nguyễn. Đình Khao và vật thờ trong đình đều bị hủy hoại. Rất may là 85 sắc thần phong tặng những vị công thần đã giúp vua Gia Long thống nhất đất nước thờ ở đình đã được đem cất giấu.

Đình Khao trở nên tàn lụi, chỉ còn trơ mấy gốc dương, bồ đề cổ thụ. Khoảng bảy năm sau, dân làng lập lại một ngôi chùa trên nền đất cũ của đình mang tên Bửu Lâm Tự. Vị trụ trì đầu tiên là ông Nguyễn Văn Ngà, bà con quen gọi là Đạo Ngà. Sau khi Đạo Ngà viên tịch, các vị đệ tử của ông tiếp tục coi sóc ngôi chùa. Đến năm 1945, thực dân Pháp mở đợt ruồng bố ven sông Cổ Chiên và đã phóng hỏa chùa Bửu Lâm. Năm 1961, cư sĩ Mai Văn Nghiệp, một người dân kính nhường Phật pháp ở Đình Khao đã dựng lại ngôi chùa bằng cây, mái ngói cho dân làng tiện việc thờ phụng. Qua năm tháng, chùa Bửu Lâm cũ nát, xiêu vẹo. Dòng họ Mai được sự giúp đỡ của các Phật tử đã xây lại ngôi chùa mới khang trang như hiện nay.

Tuy là ngôi chùa cổ nhưng trong chùa không còn cổ vật, chỉ có chiếc chuông đồng là còn mang vẻ cổ kính, trên đó có ba chữ Hán “Bửu Long tự” và bốn phía của thân chuông có ghi tứ quí: xuân, hạ, thu, đông.
 
Đình Khao ngày nay vẫn được mọi người nhắc đến như một hoài niệm về thời kỳ vàng son của vùng đất bên dòng Cổ Chiên hiền hòa. Để đi Cái Mơn, Chợ Lách, bà con phải qua những con đò nhỏ nơi bến Đình Khao để qua sông Cổ Chiên. Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, bến phà Đình Khao được thành lập nằm trong hệ thống cụm phà Vàm Cống, ngày ngày chở khách sang sông.

Dấu tích duy nhất còn lại của Đình Khao xưa có lẽ chỉ là đôi gốc dương và cây bồ đề cổ thụ. Tuy nhiên, cái tên Đình Khao đã được đặt cho bến phà qua sông Cổ chiên. Từ Vĩnh long, nếu muốn đi Bến tre theo quốc lộ 57, bạn sẽ phải qua phà đình Khao. Cổ chiên, đình Khao – những cái tên đã rất quen thuộc trong đời sống của người dân Vĩnh long chính là những cái tên phản ảnh một giai đoạn lịch sử của vùng đất phương Nam.

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Hoài niệm Đình Khao bên dòng sông Cổ Chiên" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.