Hoài niệm Cần Thơ

23/04/2018 15:11

Theo dõi trên

Bảo tàng Cần Thơ đang trưng bày chuyên đề “Cần Thơ xưa và nay qua nhiếp ảnh”. Cần Thơ phố cũ nét xưa, Cần Thơ hiện đại hôm nay được thể hiện bằng nghệ thuật ánh sáng, gợi cho người xem bao hoài niệm. Xem để rồi bất chợt những câu nói: “Cần Thơ hồi đó, bây giờ…” được thốt lên trong sự yêu mến đất và người Tây Đô.

Khi cô thuyết minh viên giới thiệu bức ảnh về nhà thuốc Khương Bình Tịnh với lời giới thiệu: “Khương Bình Tịnh là một nhà kinh doanh lớn. Ông chính là người đã bỏ tiền ra mua một cồn nhỏ nổi lên giữa sông Hậu để làm nông nghiệp, về sau, người dân đã gọi nơi đây là cồn Khương”, nhiều bạn trẻ đã ồ lên vì lần đầu mới biết sao gọi là cồn Khương. Cũng nhờ những bức ảnh còn lưu lại mà một Cần Thơ xưa với danh xưng Tây Đô bỗng được đặc tả sống động. Em Nguyễn Trần Trung Nhân, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, nói: “Không đọc chú thích ảnh em không ngờ đó là Cần Thơ xưa. Nhiều hình ảnh rất hay và thú vị”.
 


Chợ Hàng Dừa (ảnh chụp năm 1955, chụp lại) và chợ Cần Thơ nay

Bảo tàng Cần Thơ đã rất hay khi trưng bày hình ảnh song trùng kiểu xưa - nay, giúp khách tham quan dễ xem và có cái nhìn đối chiếu, so sánh rõ nét. Đó là bến Ninh Kiều xưa và nay, Bệnh viện đa khoa thành phố xưa và nay, chợ Hàng Dừa xưa - nay là chợ cổ Cần Thơ, đường Hàng Xoài xưa và nay là đường Hòa Bình tấp nập người, xe. Thú vị làm sao bức ảnh chụp đường Delanoue đầu thế kỷ XX khá sầm uất, nhưng càng ngạc nhiên khi biết rằng, con đường ấy bây giờ chính là đường Phan Đình Phùng. Câu chuyện về đường Hàng Xoài cũng thế. Ít ai biết rằng trên đoạn đường này từng tồn tại bến xe khách đầu tiên của Cần Thơ. Hai bên đường là vị trí đỗ xe lên xuống (kéo dài từ nhà sách Phương Nam đến công viên Lưu Hữu Phước ngày nay).
 
 
Độc đáo những chiếc máy ảnh bằng gỗ đầu thế kỷ XX
 
Tại trưng bày này, nhiều máy ảnh “độc” đã được giới thiệu với công chúng. Ấn tượng nhất là máy ảnh cổ bằng gỗ, hình chữ H, cao gần 2 mét, do một nghệ nhân tên Viễn Tô Ký ở Chợ Lớn sản xuất năm 1930. Hay là những máy ảnh với buồng tối bằng gỗ có kích thước “khủng” do người Pháp sản xuất như CL. Guerry (sản xuất năm 1886-1895), Hermagis (thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX)… Khách tham quan có thể tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật này tại Bảo tàng Cần Thơ (số 6, đường Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều), đến ngày 17-8-2018.

Là người có nhiều công trình nghiên cứu về Cần Thơ, mới đây nhất là quyển “Cần Thơ phố cũ nét xưa” mô tả quá trình đô thị hóa của Cần Thơ từ xưa đến nay, soạn giả Nhâm Hùng đã không khỏi xúc động khi nhìn thấy từng hình ảnh. Kia là con đường, này là góc phố ngót trăm năm hay chí ít cũng hơn nửa thế kỷ… đọng lại trong ông là những thời gian gợi thương, để nhớ. Ông nói rằng: “Nhìn mỗi bức hình, ta lại càng trân trọng bao thế hệ người Cần Thơ, bằng tài hoa và trí tuệ của mình, đã dựng xây quê hương ngày mỗi đẹp. Điều đó đáng để ta tự hào và phát huy”.
 
Hoài niệm là điều làm khách tham quan lớn tuổi bâng khuâng nhất khi xem trưng bày này. Còn với giới trẻ, từ ngạc nhiên, thích thú đến trân quý khi được nghe kể chuyện bằng hình ảnh. Thời gian dường như xóa mờ tất cả, nhưng nghệ thuật nhiếp ảnh đã kịp ghi lại những khoảnh khắc, để những dấu xưa còn đọng lại trong cuộc sống hôm nay. Em Nguyễn Thị Kim Ngân, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, nói: “Em đã chụp lại tất cả hình ảnh để làm tài liệu lưu trữ. Không dễ gì để được xem những hình ảnh Cần Thơ xưa thế này”. Người lớn tìm về hồi ức, người trẻ nhận diện quá khứ qua những tấm ảnh đen trắng sờn phai. Xem ảnh để rồi yêu Cần Thơ hơn, qua những điều rất đỗi bình thường: con đường rợp bóng cây, bến phà chở đầy kỷ niệm, chiếc cầu dẫn lối… Tất cả góp nhặt nên một Cần Thơ xưa và nay.
 
Thật ý nghĩa khi trưng bày kết thúc bằng loạt hình ảnh về Cần Thơ hôm nay hiện đại và phát triển. Có một Cần Thơ dày dặn truyền thống và hiện đại, văn minh như thế!

Đăng Huỳnh
Theo Báo Cần Thơ

Bạn đang đọc bài viết "Hoài niệm Cần Thơ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.