Mục đích là để trình diễn phục vụ nhân dân trong xã trong những ngày xuân tháng tết, sau đó hát sắc bùa được truyền dạy sang các địa phương lân cận.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, hát sắc bùa Phú Lễ là hình thức diễn xướng gắn với tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp, vừa mang tính nghi lễ pha lẫn tâm linh, thường chỉ diễn ra trong dịp tết.
Ngoài đáp ứng nhu cầu vui xuân đón tết, còn đáp ứng yêu cầu của nhiều gia đình trong những ngày đầu xuân năm mới là cầu bình an gia đạo, trừ đuổi tà ma và chúc xuân, chúc phúc, chúc nghề cho gia chủ, cho khách du xuân.
Người cầm trống cơm trong vai trò chủ xướng còn gại là Cái kể - Ảnh: Báo Dân Trí
Mỗi đội hát sắc bùa ít nhất có 4 người, do một ông bầu (đội trưởng) cầm trịch điều khiển. Nhạc cụ trong hát sắc bùa cơ bản giống nhau, gồm 1 đờn cò, 1 trống cơm, sanh cái và sanh tiền, xưa còn có pháo cái để ông bầu đốt trước mỗi nhà với ý nghĩa xua đuổi tà ma.
Thường sau giao thừa, các đội múa hát sắc bùa sẽ bắt đầu đi đến từng nhà để hát chúc mừng năm mới. Dưới sự chỉ huy của ông bầu, đội sẽ nổi nhạc, vỗ trống cơm, gõ sanh tiền và hát các bài sắc bùa với nội dung chúc tụng đầu xuân, mừng thành quả mà gia chủ đã đạt được.
Các bài hát sắc bùa có nhạc điệu giống nhau, dễ hát, dễ nhớ và gần gũi với đời sống dân dã, thường được sáng tác sẵn và học thuộc.
Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh, các ông bầu còn sưu tầm cả những sáng tác mới để cải biên thành lối hát sắc bùa.
Theo ghi chép, thời kháng chiến chống Mỹ hát sắc bùa vẫn tồn tại, bên cạnh các bài hát truyền thống còn có các bài mang lời ca mới với ý nghĩa động viên quân dân chiến đấu và sản xuất. Ngoài hát, trong nghi lễ sắc bùa còn có phần múa, chủ yếu là nghệ nhân chơi sanh tiền đảm nhận nhưng hình thức này nay đã mai một nhiều, nhiều nơi chỉ đánh sanh tiền chứ không múa. Một thay đổi khác là các nghi thức có tính phù chú, trừ ma đuổi tà (thể hiện ngay trong tên gọi) cũng ít đi, cơ bản giản lược so với trước.
Cho đến nay, theo thời gian, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc này đã ít nhiều mai một, biến đổi so với hình thức nguyên sơ.
Vì thế, việc đưa Hát sắc bùa trở lại trong đời sống nhân dân nhất là dịp Tết đến, Xuân về không những có ý nghĩa to lớn trong công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mà còn góp phần tạo nên một Bến Tre với những đặc trưng văn hóa rất riêng khó lẫn với các vùng miền khác trong khu vực./.