Không chỉ đam mê mà còn muốn trải nghiệm, ông có thời gian theo đờn cho Đoàn cải lương Chuông Vàng (tỉnh Sóc Trăng), rồi làm ở Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng. Mỗi nơi đều cho ông những trải nghiệm, thắp thêm ngọn lửa đam mê. Lang thang mãi, ông nhận thấy không đâu bằng quê mình, nên lại trở về Đại Thành, bắt đầu một hành trình mới với cây đờn trên vai. Cây đờn chính là công cụ để ông nuôi gia đình của mình. Chính nó cũng giúp ông sống trọn với niềm đam mê mà ông đã chọn từ nhỏ. Trong quá trình rong ruổi đó, ông lại tiếp tục tìm kiếm và ươm mầm cho những ai yêu thích đờn, ca tài tử…
Những năm gần đây, nhà ông chính là nơi tụ họp của những người yêu tài tử. Ông chia sẻ, mỗi lần sinh hoạt có đến hơn 10 người. Không chỉ trong xã, mà ở các xã lân cận, thậm chí bên Sóc Trăng cũng qua chơi. Vì thế, ông ít tổ chức vào ban đêm mà thường vào buổi sáng hoặc trưa để họ tiện đi về…
“Không có tài tử, không biết mình sống sao ?”
Gợi câu chuyện về đờn ca tài tử, như trúng ý, ông kể say sưa về hành trình học và sống được với nghề của mình, về niềm đam mê đã tiếp cho ông sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Ông nói, không biết tài tử có sức mạnh cỡ nào, nhưng nếu không có nó, mình sống thế nào? Nghề của ông chọn chưa hẳn làm vừa lòng những người thân trong gia đình, nhưng đã tiếp thêm năng lượng để ông sống.
Rồi khi nhắc đến lớp kế thừa nghệ thuật độc đáo của dân tộc, giọng ông chợt buồn: “Tìm người đờn giờ khó quá. Tôi luôn tìm kiếm, có khi năn nỉ khi thấy có người biết đờn cổ và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm hết lòng để họ đờn đúng, đờn hay, có thể tự tin đờn một bản tài tử. Tuy nhiên, cũng có người biết đờn, nhưng hễ bắt đầu đờn được là lại rẽ ngang vì nhiều nguyên nhân, trong đó, vì mưu sinh là chính…”. Thế nhưng, nỗi buồn chợt qua nhanh khi ông luôn tự tin rằng dù ít, nhưng chắc chắn sẽ có những người đam mê tài tử thật sự. Bởi chỉ có như vậy, họ mới chịu khó tìm tòi, học hỏi một cách bài bản để có thể truyền lại đúng nhất, có hồn nhất. Dù ít, nhưng ông cũng gặp những người như vậy, đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để ông tin rằng tài tử sẽ được sống và nuôi dưỡng trong lòng người dân, đó là điều hiển nhiên.
Giờ, ở tuổi 60 nghiệm lại, ông thấy hài lòng vì đã được sống trọn niềm đam mê. Ngọn lửa ấy đang được ông tiếp tục thắp truyền bằng nhiều cách, như tập hợp những người có cùng đam mê để sinh hoạt hàng tháng, ai muốn học là ông truyền nghề, chẳng ngại đường sá xa xôi, thấy người có năng khiếu đờn, ca là ông động viên, hướng dẫn để họ biết nhiều hơn về tài tử… Ngày ngày, lúc rảnh là ông luôn trau dồi ngón đờn, để tự mình nghiền ngẫm, thẩm thấu cái hay, cái đẹp… cứ có điều kiện là ông tham gia các cuộc thi đờn ca tài tử… Những cách này nghe ông nói thật đơn giản, nhưng để làm được không hề dễ dàng. Phải là một người đó nhiệt huyết và niềm đam mê, làm bằng tất cả cái tâm, không tính thiệt so hơn, miễn sao có thắp thêm tình yêu đờn ca tài tử trong lòng mọi người, góp phần giữ và truyền lại một cách đúng nhất, đủ nhất và hay nhất cho thế hệ sau…
Nghệ nhân Mai Văn Danh từng đạt nhiều giải cá nhân, tập thể trong các hội thi, hội diễn về đờn ca tài tử cấp tỉnh và khu vực: Huy chương vàng, Nhạc công xuất sắc, Giải tiết mục, Ban nhạc xuất sắc, hòa đờn hay tại Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… vào các năm 2008, 2009, 2010, 2011…