Giải pháp phát triển thương hiệu Gà Thanh Chương

09/03/2023 15:36

Theo dõi trên

Tóm tắt: Để tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi gà phát triển, từ năm 2012 huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã có chủ trương xây dựng nhãn hiệu Gà Thanh Chương từ giống gà Ri nhằm tuyển chọn, bảo tồn nguồn gen giống gà nổi tiếng của địa phương. Ngày 13/01/2016, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ có Quyết định số 1429/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 256659 cho Nhãn hiệu tập thể Gà Thanh Chương. Để góp phần phát triển nhãn hiệu “Gà Thanh Chương” trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, thậm chí ra cả nước ngoài, bài báo này nghiên cứu để phân tích thực trạng, đưa ra một số giải pháp.

image-20211025085504-2-1678350944.jpeg

Từ khóa: Thương hiệu; Gà Thanh Chương

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong nền kinh tế thị trường, một sản phẩm (SP) của địa phương muốn phát triển và được nhiều người biết đến cần xây dựng cho nó có những đặc điểm nổi bật, phải tự tìm cho nó một hướng đi thích hợp, nghĩa là phải vạch ra một phương hướng hoạt động phù hợp với xu thế vận động hiện nay. Trong đó xây dựng và phát triển thương hiệu SP đóng vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển lâu dài và bền vững. Do vậy, việc xây dựng phát triển thương hiệu là điều hết sức cần thiết.

Mặc dù đã được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có Quyết định số 1429/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 256659 cho Nhãn hiệu tập thể Gà Thanh Chương (Bộ KH&CN, 2017), tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và khẳng định là thương hiệu gà hàng đầu tại Việt Nam cần phải nghiên cứu để phân tích thực trạng, đưa ra giải pháp khả thi cho việc phát triển nhãn hiệu “Gà Thanh Chương” trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, thậm chí ra cả nước ngoài.

2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT

2.1. Khái niệm thương hiệu

“Thương hiệu” là một khái niệm được sử dụng khá nhiều trong nghiên cứu khoa học cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, có rất nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm thương hiệu: 

Theo hiệp hội Marketing Hoa Kỳ, Thương hiệu là “một cái tên, từ ngữ, ký hiệu, biểu tượng hoặc hình vẽ kiểu thiết kế..., hoặc tập hợp của các yếu tố trên nhằm xác định và phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một người bán hoặc nhóm người bán với hàng hóa và dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh”.

Trong marketing, thương hiệu là tổng hợp các thành tố để tạo ra hình ảnh riêng mà người tiêu dùng liên tưởng trong tâm trí đối với một doanh nghiệp (DN) hoặc một SP nào đó. “Về bản chất, thương hiệu là các giá trị, các trải nghiệm của khách hàng về một SP, một công ty cụ thể. Nghĩa là thương hiệu đến từ khách hàng” (Philip Kotler, 2001).

2.2. Khái niệm Phát triển thương hiệu

Phát triển thương hiệu là quá trình đưa thương hiệu đó đến với người tiêu dùng, mục tiêu cuối cùng của phát triển thương hiệu chính là tạo nên sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu. Như vậy, bản chất của phát triển thương hiệu chính là duy trì, gia tăng các giá trị mà DN tạo lập trong tâm trí khách hàng và công chúng. Giá trị có thể là vô hình hay cảm tính được khách hàng trải nghiệm thông qua sự tương tác, sử dụng SP, dịch vụ của DN, vì vậy phát triển thương hiệu cần có chiến lược đầu tư lâu dài, cụ thể và mang tính ổn định (Philip Kotler, 2004).

3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nguồn dữ liệu thứ cấp: Số liệu thứ cấp được thu thập từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; Các tài liệu, báo cáo, văn bản chính sách thuộc phạm vi có liên quan đến các vấn đề mà nghiên cứu đề tài.

Nguồn dữ liệu sơ cấp: Sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp từ hiện trường thông qua phát phiếu khảo sát các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Thanh Chương và khách hàng tại các chợ, siêu thị trên địa bàn huyện Thanh Chương và thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tất cả các khảo sát: Sở thích khách hàng với chất lượng Gà Thanh Chương, Kênh phân phối SP Gà Thanh Chương, Giá cả Gà Thanh Chương so với các loại gà khác, sự nhận biết thương hiệu Gà Thanh Chương của khách hàng..., tác giả phát ra 50 phiếu cho mỗi loại khảo sát. Trường hợp nào không thu về đủ 50 phiếu thì tác giả phát phiếu bổ sung để thu về đủ 50 phiếu. 

4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.1. Thực trạng phát triển thương hiệu Gà Thanh Chương

4.1.1 Thực trạng về chất lượng sản phẩm 

Sau thời gian dài du nhập nhiều loại gà không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường; hoặc do chăn nuôi (CN) gà công nghiệp khiến cho gà Ri bản địa trên địa bàn huyện Thanh Chương có lúc bị lãng quên. Song với ưu điểm thịt dai, săn chắc và thơm ngon nên bà con đã dần khôi phục giống gà Ri cổ này. Đặc điểm nhận dạng gà Ri bản địa là chân nhỏ, dáng thon gọn, lông có màu cỏ khô và ôm sát vào mình.

Qua một số tiêu chuẩn niêm yết về chất lượng SP gà Thanh Chương tác giả đã điều tra khảo sát thực tế sở thích khách hàng với các tiêu chuẩn SP của Gà Thanh Chương:

Bảng 4.1: Khảo sát sở thích khách hàng với chất lượng Gà Thanh Chương

a1-252352356-1678350489.gif

Bảng khảo sát cho thấy trong 7 tiêu chuẩn về chất lượng Gà Thanh Chương được đưa ra thì 4 tiêu chuẩn đầu được mọi người đánh giá cao là: thịt gà có vị ngọt có 83% đồng ý, thịt gà có độ dai vừa phải có 80% đồng ý, thịt gà có mùi thơm đặc trưng có 87% đồng ý, gà có trọng lượng nguyên con vừa đủ có 51% đồng ý. Trong đó có 3 tiêu chuẩn có số người đồng ý thấp là: thịt gà có hàm lượng dinh dưỡng cao, bổ dưỡng có 60% không đồng ý, tiêu chuẩn thịt gà có nguồn gốc quy trình nuôi rõ ràng có 59% không đồng ý, thịt gà đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có 57% không đồng ý. 

Như vậy, chất lượng sản phẩm của Gà Thanh Chương cần phải được nâng cao, ít nhất là thêm 3 tiêu chuẩn trên để khách hàng tin dùng.

4.1.2. Thực trạng về giá cả sản phẩm

Do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong 02 năm 2020-2021 nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các ngành sản xuất kinh doanh nói chung, ngành CN gà nói riêng. Không chỉ ảnh hưởng đến số lượng, sản lượng mà còn ảnh hưởng đến giá cả nên doanh thu cũng giảm mạnh.

va-1254235236667-1678350555.gif

So với các loại gà khác, chất lượng thịt gà Ri dai, săn chắc và thơm ngon nhưng giá cả lại ở mức trung bình. Gà công nghiệp có giá thấp nhất, chủ yếu được sử dụng để chế biến thức ăn sẵn trong các siêu thị như gà rán KFC hoặc bán cho người có thu nhập thấp. Gà chọi có giá cao nhất vì mức tăng trưởng chậm, chi phí CN lớn. Do được đầu tư chủ yếu quy mô lớn theo mô hình trang trại, gia trại với số lượng và sản lượng nhiều nên giá thành của Gà Thanh Chương rẻ hơn hoặc bằng các loại gà cỏ và gà đen (ác). Do vậy thực khách hàng rất ưa chuộng gà Thanh Chương trong các bữa cơm gia đình hay các bữa tiệc tại các nhà hàng từ bình dân đến sang trọng.

dh-25346346-1678350592.gif

Qua bảng khảo sát cho thấy giá bán Gà Thanh Chương so với giá bán các loại gà khác thì 19% lượng khách hàng phản ánh đắt hơn so với các gà khác, 38 % chọn rẻ hơn, 18% chọn bằng các loại gà khác và 25% chọn giá có thể chấp nhận được. Việc khảo sát giá tác giả chọn đối tượng nữ nhiều hơn vì đối tượng này thường nắm rõ giá cả các SP và chất lượng gà trên thị trường và hay diễn ra các hành vi mua bán, đi chợ… Tâm lý của khách hàng luôn mong muốn mua được sản phẩm với giá rẻ nhưng chất lượng tốt. Chính vì thế, việc giảm giá để thu hút số đông khách hàng cũng là một chiến lược cạnh tranh mà người bán cần xem xét.

4.1.3. Thực trạng về hệ thống thông tin

Trong những năm qua, chưa có một cá nhân hay tổ chức nào ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An tổ chức thu thập thông tin từ môi trường bên ngoài và môi trường bên trong liên quan đến nhãn hiệu Gà Thanh Chương để phân tích sự tác động- mức độ ảnh hưởng của những thông tin này đến thương hiệu và công tác xây dựng thương hiệu. Do đó, bản thân chủ trang trại, gia trại cũng như các DN kinh doanh SP Gà Thanh Chương chưa nắm được hai loại thông tin là khách hàng và đối thủ cạnh tranh.

- Hệ thống thông tin về khách hàng

Trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu của khách hàng ngày càng thay đổi nhanh chóng nên những cuộc khảo sát để tìm hiểu khách hàng phải được diễn ra một cách thường xuyên và đều đặn. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, các chủ trang trại, gia trại cũng như các DN kinh doanh SP Gà Thanh Chương chưa có các nghiên cứu về “hành vi tiêu dùng của khách hàng” và “sự phân loại khách hàng”. Do đó, họ không nắm bắt được nhu cầu tất yếu mà khách hàng nhận được từ SP của mình cũng như mong chờ mình cung cấp thêm những giá trị gia tăng.

Nhiều chủ trang trại, gia trại cũng như các DN kinh doanh SP Gà Thanh Chương chưa thực sự hiểu được rằng họ phải cung cấp những SP bao gồm cả nhu cầu đích thực và những nhu cầu phụ khác cho khách hàng. Họ cũng chưa xác định được cách thức giải quyết các vấn đề với khách hàng thông qua việc thu thập thông tin về khách hàng để tạo ra chiến lược thích hợp cho SP.

- Hệ thống thông tin về đối thủ cạnh tranh

Hiện nay trên thị trường có nhiều nhãn hiệu gà nổi tiếng, được người tiêu dùng biết đến như gà Mạnh Hoạch, gà Đông Tảo, gà ác Kỳ Sơn... Tuy vậy, các chủ trang trại, gia trại cũng như các DN kinh doanh SP Gà Thanh Chương chưa tiến hành các hoạt động nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh của mình cũng như những khách hàng hiện có và tiềm ẩn của mình. Nếu khi thị trường tăng trưởng chậm thì thương hiệu Gà Thanh Chương sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng từ các đối thủ cạnh tranh.

Do chưa tiến hành thu thập thông tin về chiến lược, mục tiêu, các cách phản ứng và các mặt mạnh, mặt yếu của đối thủ cạnh tranh nên các chủ trang trại, gia trại cũng như các DN kinh doanh SP Gà Thanh Chương không biết được các chiến lược của từng đối thủ cạnh tranh để dự đoán những biện pháp và những phản ứng sắp tới. Do đó, chủ trang trại, gia trại cũng như các DN kinh doanh SP Gà Thanh Chương không thể hoàn thiện chiến lược của mình để giành ưu thế trước những hạn chế của đối thủ cạnh tranh, đồng thời tránh xâm nhập vào những nơi mà đối thủ đó mạnh.

4.1.4. Thực trạng về hệ thống phân phối

Theo khảo sát của tác giả, do diễn biến dịch covid-19 được khống chế, chính sách mở cửa trở lại sống chung cùng dịch của Chính phủ, các hoạt động thương mại, lễ hội, sự kiện, du lịch… được hoạt động nên năm 2022 nhu cầu tiêu dùng SP Gà Thanh Chương được tăng lên, kéo theo nhiều hộ CN bắt đầu trở lại nuôi gà và nhiều hộ CN mới. Thực tế khảo sát cho thấy năm 2022 có 54 hộ CN gà theo tiêu chuẩn gà Thanh Chương và tác giả lấy khảo sát ngẫu nhiên các hộ CN vào tháng 12 năm 2022 về các kênh phân phối SP gà Thanh Chương như sau:

Bảng 4.4: Kênh phân phối SP Gà Thanh Chương

dah-2353466-1678350666.gif
ad-2523466-1678350704.gif

Thực tế khảo sát cho thấy kênh 3: Bán cho cửa hàng bán lẻ- bán cho người tiêu dùng và kênh 6 bán trực tiếp cho người tiêu dùng chiếm tỷ lệ 26% đứng vị trí số 1, sở dĩ chiếm vị trí số 1 là do cách kinh doanh bán hàng truyền thống từ xưa nay của người CN gà và một phần khả năng đáp ứng thị trường còn yếu kém của Gà Thanh Chương. Xếp vị trí thứ 2 là kênh bán cho cửa hàng bán lẻ - bán cho cửa hàng chế biến - bán cho người tiêu dùng chiếm 24%, thực tế Gà Thanh Chương được các nhóm tiểu thương mua nhỏ lẻ rồi cung cấp lại cho các nhà hàng, các trung tâm tổ chức tiệc, sự kiện… kinh doanh SP ẩm thực không chủ đạo là gà. Đứng vị trí thứ 3 là kênh 4: bán cho cửa hàng chế biến - bán cho người tiều dùng chiếm 14%. Tại kênh này, người CN cung ứng cho các đơn vị nhà hàng như Hệ thống nhà hàng Gà Thanh Chương, siêu thị, cửa hàng Tam Nông ... theo các hợp đồng bao tiêu SP đầu ra đã thỏa thuận sẵn. Kênh 1: bán cho cửa hàng bán buôn- bán cho cửa hàng bán lẻ- bán cho người tiêu dùng chiếm 6%, kênh 5: bán cho cửa hàng chế biến - bán cho cửa hàng bán lẻ - bán cho người tiêu dùng chiếm 4%, đây là kênh dành cho thị trường các SP chế biến đóng gói từ Gà Thanh Chương như SP khô gà, gà ủ muối...

Qua các kênh phân phối Gà Thanh Chương giúp cho khách hàng dễ mua và dễ chọn lựa SP, đặc biệt trong thị trường tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bởi sự đa dạng các kênh phân phối đến điểm bán cuối cùng như: Nhà hàng, chợ, siêu thị, các điểm bán lẻ, hay các điểm bán SP đóng gói… 

4.1.5. Thực trạng về hệ thống nhận diện thương hiệu

Hệ thống nhận diện thương hiệu sẽ giúp hình ảnh thương hiệu của SP dễ nhận biết và nhắc nhớ trong tâm trí của khách hàng trong vô số SP cùng loại.

vna-2523566-1678350769.gif

Qua biểu khảo sát trên ta thấy mức độ nhận biết của khách hàng qua tên nhãn hiệu và logo là rất cao. Để phát triển thương hiệu gà Thanh Chương cần trú trọng đến việc xây dựng thiết kế logo, nhãn mác bao bì, câu slogan, câu chuyện thương hiệu thật tốt tạo ấn tượng cho khách hàng.

- Tên nhãn hiệu: Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã có Quyết định số 1429/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 256659 cho Nhãn hiệu tập thể “Gà Thanh Chương”. Qua khảo sát có 71% khách hàng nhận biết thương hiệu gà Thanh Chương qua tên nhãn hiệu.

- Logo: bao gồm phía ngoài là hai vòng tròn hở, màu vàng cam và xanh thể hiện sự phát triển, mở rộng không ngừng theo tiêu chí SP xanh, bền vững. Hình tròn (mặt Trời) còn mang ý nghĩa cội nguồn của sự sống vĩnh hằng, sự tái sinh, huy hoàng và rực rỡ, là sự ưu việt, hoàn hảo, tươi sáng, có thể tạo cho người xem một cảm giác tin tưởng. Ở giữa là hình vẽ con gà trống với bộ lông đuôi dài, cong đang đứng trên những ngọn đồi ưỡn mình cất tiếng gáy thể hiện sự kiêu hãnh. Kèm theo đó là chữ tiếng Việt “Gà Thanh Chương” và chữ tiếng Anh “Thanh Chuong Chicken”. Bên cạnh đó, logo còn thể hiện con gà có nguồn gốc từ những con gà rừng được được thuần hóa và nuôi trên đồi núi, dùng các thức ăn tự nhiên.

Qua khảo sát có 66% khách hàng nhận biết thương hiệu gà Thanh Chương qua logo. Tuy nhiên, logo này chưa thực sự là một logo đẹp và ấn tượng.

dah2523463463677-1678350816.png

-  Khẩu hiệu (Slogan) Để giữ danh tiếng cho SP, đảm bảo hàng đúng chất lượng và nguồn gốc, tạo sự yên tâm với người tiêu dùng, UBND huyện Thanh Chương đã ban hành các Quy chế về sử dụng tem nhãn, bao bì và các hình thức sử dụng nhãn hiệu tâp thể  “Gà Thanh Chương” dùng cho SP gà của huyện Thanh Chương…

Trên mỗi bao bì, ngoài logo, tập thể và địa chỉ chủ sở hữu nhãn hiệu là Hội CN gà Thanh Chương ra đều có khẩu hiệu (Slogan) “Sạch - Thơm - Ngọt”. Với khẩu hiệu ngắn gọn này đã thể hiện một phần chất lượng của Gà Thanh Chương và sự cam kết của SP đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khẩu hiệu (Slogan) “Sạch – Thơm - Ngọt” chưa thể hiện bao quát cho các loại SP dịch vụ mang nhãn hiệu gồm: thịt gà đã chế biến, thực phẩm từ thịt gà; gà giống, gà còn sống; mua bán xuất nhập khẩu gà giống, gà sống, gà chế biến và thực phẩm là từ thịt gà.

ga-235634636-1678350847.jpg

Qua khảo sát chỉ có 25% khách hàng nhận biết thương hiệu gà Thanh Chương qua khẩu hiệu (Slogan). Nếu tách khẩu hiệu này ra đứng độc lập thì khách hàng không thể nhận diện được thương hiệu Gà Thanh Chương.

4.1.6. Thực trạng về quảng bá thương hiệu

Song song với công tác đảm bảo chất lượng SP thì quảng cáo, tổ chức sự kiện (Event), khuyến mãi, tài trợ hoạt động xã hội, quan hệ công chúng (PR) giúp việc quảng bá thương hiệu tốt hơn... Từ đó các SP từ Gà Thanh Chương được nhiều người tiêu dùng biết đến, thương hiệu Gà Thanh Chương phát triển và chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, vì là “nhãn hiệu tập thể” nên chưa có ai đứng ra để xây dựng và triển khai các chiến lược quảng bá thương hiệu Gà Thanh Chương đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, thậm chí là ngoài nước.

- Quảng cáo: Công tác xúc tiến thương mại chưa thực sự được các cấp các ngành quan tâm đầu tư đúng mức để thương hiệu Gà Thanh Chương được nhiều người biết đến, tạo ra sự canh canh với các thương hiệu gà khác.

- Tổ chức sự kiện (Event): Đến nay, Hội CN gà Thanh Chương cũng chỉ mới tham gia một số hội chợ xúc tiến SP nông nghiệp tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Việc tổ chức các sực kiện chưa nhiều, chưa thường xuyên, chưa thể hiện được vai trò và trách nhiệm của Hội CN gà, UBND huyện Thanh Chương.

- Khuyến mãi: Hội CN gà Thanh Chương chưa phối hợp với các hội viên để có các chương trình khuyến mãi nhằm tri ân khách hàng, qua đó giúp người tiêu dùng trung thành với SP cũng như mở rộng thị trường, tăng thị phần...

- Tài trợ hoạt động xã hội: Hội CN gà Thanh Chương chưa quan tâm thực hiện các hoạt động từ thiện, cũng như chưa tích cực tài trợ các chương trình thể thao, văn hóa văn nghệ trên địa bàn huyện Thanh Chương và các địa phương khác.

- Quan hệ công chúng (PR): Trong các diễn văn, bài phát biểu của lãnh đạo các cấp các ngành tại các diễn đàn kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa lồng ghép hoặc nhắc nhiều đến nhãn hiệu Gà Thanh Chương với sự tự hào về SP tiêu biểu của địa phương. Trong công tác quan hệ công chúng để phát triển thương hiệu rất cần đến những tiếng nói khách quan, ý kiến của các nhà lãnh đạo, người có uy tín, người nổi tiếng. Qua đó sẽ góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với thương hiệu SP. 

4.1.7. Thực trạng về yếu tố con người

Hiện nay Hội CN gà Thanh Chương có 50 hội viên là hộ gia đình tham gia CN gà Thanh Chương. Từ việc CN tự cung tự cấp đến hàng hóa nhỏ lẻ, đến nay đã phát triển thành các trang trại, gia trại quy mô lớn (UBND huyện Thanh Chương, 2021). 

Sau khi được UBND huyện giao trách nhiệm quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể “Gà Thanh Chương”, Hội CN gà Thanh Chương đã củng cố bộ máy quản lý và trực tiếp chỉ đạo 50 hộ CN gà đạt tiêu chuẩn gắn tem truy xuất nguồn gốc”. Tuy nhiên, nhận thức của một số hộ CN còn hạn chế, chưa tiếp cận kịp các tiến bộ kỹ thuật vào phát triển CN, nhất là công nghệ chế biến và bảo quản nằm tạo thêm giá trị cho sản phẩm, cũng như nhận thức, xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. 

4.1.8. Thực trạng về chính sách Nhà nước

Mỗi năm UBND huyện Thanh Chương hỗ trợ 5 hộ CN gà sinh sản nhân giống với mức 20 triệu đồng/hộ để chọn lọc gà giống bố mẹ, hỗ trợ 20 hộ CN gà thịt với mức 5 triệu đồng/hộ để mua con giống; riêng năm 2017, hỗ trợ 20.000 tem truy xuất nguồn gốc, 10.000 tem truy xuất gắn trên bao bì, 10.000 túi xách in logo nhãn hiệu Gà Thanh Chương”, 10.000 bao hút chân không, tổng số tiền hỗ trợ trên 100 triệu đồng (Báo Nghệ An, 2022). 

Thực hiện “Đề án phát triển CN giai đoạn 2016 - 2020”, mỗi năm, Hội Chăn nuôi gà  phát triển thêm 5 hộ CN gà sinh sản để nhân giống và 20 hộ CN gà thịt. Tính đến cuối năm 2022, Hội CN gà Thanh Chương đã hỗ trợ 49 hộ, trong đó có 9 hộ CN gà sinh sản nhân giống; 40 hộ CN gà thịt, với tổng số tiền 380 triệu đồng (Báo Nghệ An, 2022).

Tuy nhiên, do chưa được ưu tiên đầu tư nhiều từ các chương trình, dự án nên đến nay số hộ CN, số lượng và sản lượng gà hàng năm còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế nhằm tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Thậm chí, để duy trì mã số, mã vạch, Hội CN Gà Thanh Chương đã thu phí từ hội viên nộp về Cục Quản lý Đo lường Chất lượng.

4.2. Giải pháp phát triển thương hiệu Gà Thanh Chương

4.2.1. Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm

Chất lượng SP gà cần xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định nghiêm ngặt khi xuất chuồng bán ra thị trường như: Tiêm vắc xin lần cuối cách bao lâu, cân nặng đạt trong khoảng bao nhiêu, thời gian nuôi được bao lâu, bao nhiêu tháng cho ăn thức ăn công nghiệp, bao nhiêu tháng ăn thức ăn tự nhiên, nuôi thả trên diện tích tỷ lệ con/m2, 100% gắn tem truy xuất nguồn gốc, kiểm định thú y... Và điều đặc biệt các lứa xuất chuồng phải luôn đảm bảo ổn định về chất lượng quy định, xóa bỏ tư duy manh mún, ngắn hạn và làm ăn chộp giật. Cần nâng cao quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm thay đổi tập chăn nuôi của nông dân. Bởi ngoài việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bà con nông dân còn được huấn luyện ý thức kỷ luật, ý thức về môi trường, tính cộng đồng, ý thức gắn kết trách nhiệm đối với sản phẩm mình sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh...

4.2.2. Giải pháp về chính sách giá cả sản phẩm

Khi DN có khả năng kiểm soát được chi phí, tức giá bán sẽ ổn định thì uy tín, sự tin tưởng về Gà Thanh Chương trên thị trường sẽ được ghi nhận. Việc bình ổn giá tác động rất lớn đến thương hiệu trên thị trường. Do đó cần xây dựng và kiểm soát giá bán tại chuồng, giá bán lẻ, giá nhập gà hơi, giá con giống, giá nhập gà thịt, giá bán gà thành phẩm... để tăng sự cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường nhưng vẫn đáp ứng được lợi nhuận kỳ vọng của người CN, tiểu thương hay DN bán lẻ cuối cùng ra thị trường.

4.2.3. Giải pháp tăng cường hệ thống thông tin

Để phát triển nhãn hiệu tập thể thành thương hiệu Gà Thanh Chương, bản thân các chủ trang trại cũng như các DN kinh doanh SP Gà Thanh Chương phải nắm được hai loại thông tin là khách hàng và đối thủ cạnh tranh.

- Hệ thống thông tin về khách hàng: Trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu của khách hàng ngày càng thay đổi nhanh chóng nên những cuộc khảo sát để tìm hiểu khách hàng phải được diễn ra thường xuyên và đều đặn. Trên cơ sở tiến hành nghiên cứu về “hành vi tiêu dùng của khách hàng” và “sự phân loại khách hàng”, các chủ nhãn hiệu tập thể Gà Thanh Chương sẽ nắm bắt được những nhu cầu tất yếu mà khách hàng mong nhận được từ SP của mình cũng như mong chờ mình cung cấp thêm những giá trị gia tăng.

- Hệ thống thông tin về đối thủ cạnh tranh: Để chuẩn bị một chiến lược Marketing có hiệu quả, các chủ trang trại cũng như các DN kinh doanh SP Gà Thanh Chương phải nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh hiện có và tiềm ẩn. Điều đó đặc biệt cần thiết khi thị trường tăng trưởng chậm, bởi vì chỉ có thể tăng được mức tiêu thụ bằng cách thu hút khách hàng từ các đối thủ cạnh tranh.

4.2.4. Giải pháp mở rộng hệ thống phân phối

Ngoài việc các hộ CN bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng, cung ứng cho nhà hàng nhỏ lẻ, chuỗi Nhà hàng Gà Thanh Chương hay một số siêu thị, Hội CN Gà Thanh Chương cần liên kết tìm kiếm mở rộng thị trường đầu ra cho các hội viên. Đồng thời, hỗ trợ hội viên, các siêu thị, nhà hàng... đa dạng các SP từ thịt gà như khô gà, gà ủ muối, gà sấy nguyên con… để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Cần xây dựng chuỗi cung ứng SP nông sản, giới thiệu đặc sản của Thanh Chương bằng các cửa hàng thực phẩm sạch trên các thị trường lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh... 

4.2.5. Giải pháp tăng cường hệ thống nhận diện thương hiệu

UBND huyện Thanh Chương cần hỗ trợ phát triển chuỗi tiêu thụ SP trên địa bàn toàn tỉnh và hướng ra các tỉnh bạn, cung ứng và quản lý tem nhãn để truy được nguồn gốc xuất xứ của SP đến tận từng hộ CN. Mỗi hộ CN cũng cần xây dựng cho mình một nhãn hiệu riêng trong nhãn hiệu tập thể. Với nhãn hiệu riêng đó, từng hộ có thể xây dựng chất lượng và hình ảnh của mình nhằm cạnh tranh với các hộ CN khác nói riêng và các thương hiệu khác nói chung. Để khuyến khích điều này, Sở KH&CN cần tăng mức hỗ trợ các trang trại, gia trại CN làm nhãn hiệu riêng. Bên cạnh đó, để SP gà Thanh Chương ra thị trường, tạo được dấu ấn cần xây dựng nhãn mác, bao bì bắt mắt, thể hiện được chất lượng cũng như nội dung SP.

4.2.6. Giải pháp đẩy mạnh quảng bá thương hiệu

Thông điệp của quảng bá thương hiệu cần tập trung phản ánh các nội dung sau: Sự ra đời của Gà Thanh Chương, chất lượng và sự khác biệt của Gà Thanh Chương. Phương tiện truyền thông nên được sử dụng là truyền hình, báo chí, các trang mạng xã hội… Hội CN Gà Thanh Chương cần đầu tư xây dựng Website, Fanpage, Facebook, Zalo... của riêng mình với việc cập nhật các bài viết, hình ảnh hoạt động của Hội cũng như các trang trại, gia trại, đối tác bao tiêu SP; phối hợp với báo chí từ huyện, tỉnh, trung ương đẩy mạnh hoạt động truyền thông về SP và thương hiệu; phát thông điệp trên loa phát thanh của từng xã để người dân hiểu về giá trị phát triển kinh tế của việc CN giống gà Ri, cũng trách nhiệm bảo tồn và phát triển thương hiệu Gà Thanh Chương. 

4.2.7. Giải pháp nâng cao vai trò yếu tố con người

Người dân và các chủ DN phải có kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu, trong đó chú trọng văn hóa sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Hội CN gà nói chung, các chủ trang trại và gia trại cần tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ phía DN bao tiêu SP và người tiêu dùng để cải tiến quy trình CN, nâng cao chất lượng SP. 

Đối với người dân huyện Thanh Chương, cần tạo niềm tự hào cho họ về Thương hiệu của địa phương mình và những giá trị mang lại cho họ từ việc phát triển thương hiệu Gà Thanh Chương. 

Vấn đề cần thiết là phải cảnh báo các chủ trang trại, gia trại và DN về nguy cơ bị cạnh tranh, bị mất thị phần nếu về lâu dài “Gà Thanh Chương” vẫn không phát triển thành một thương hiệu vững chắc. Một khả năng khác là thương hiệu bị đánh cắp nếu không được theo dõi và quản lý tốt. Hội CN gà Thanh Chương và các hội viên nên tham gia các câu lạc bộ Thương hiệu để nhận sự tư vấn, trợ giúp của các chuyên gia có kinh nghiệm về xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. 

4.2.8. Giải pháp tranh thủ sự hỗ trợ từ chính sách Nhà nước

Để công tác quản lý, chỉ đạo và duy trì tốt nhãn hiệu tập thể “Gà Thanh Chương”, UBND tỉnh Nghệ An, Sở KH&CN, UBND huyện Thanh Chương cần tăng cường hỗ trợ Hội CN gà Thanh Chương củng cố bộ máy quản lý, phát triển thương hiệu; triển khai mô hình CN trang trại với quy mô lớn, đạt chất lượng cao. Trước mắt, cần hỗ trợ xây dựng 5- 10 cơ sở nhân giống, tuyển chọn đàn gà giống bố mẹ với số lượng 1.000 con trở lên/hộ. Hỗ trợ 2- 3 lò giết mổ gà để kịp phục vụ khách hàng, triển khai gà đông lạnh để vận chuyển đi xa tiêu thụ.

UBND huyện Thanh Chương cần hỗ trợ pháp lý và kinh phí cho các chủ trang trại, gia trại và DN tham gia chuỗi cung ứng SP Gà Thanh Chương; xây dựng các chính sách, chương trình hành động lâu dài và chặt chẽ để trợ giúp xây dựng nhãn hiệu tập thể Gà Thanh Chương trở thành một thương hiệu mạnh, tạo cơ hội cho các chủ trang trại, gia trại và DN tham gia chuỗi cung ứng SP Gà Thanh Chương tiếp cận và được hưởng lợi. Đồng thời, tổ chức các buổi họp mặt, trao đổi ý kiến về các luật, văn bản dưới luật đối với luật sở hữu trí tuệ để các bên liên quan có trách nhiệm bảo vệ nhãn hiệu tập thể của mình cũng như xây dựng và phát triển thương hiệu đi kèm của mỗi một trang trại, gia trại và DN.

5. KẾT LUẬN

Những người chăn nuôi gà tại huyện Thanh Chương là những người đầu tiên thực sự được hưởng giá trị từ việc phát triển thương hiệu Gà Thanh Chương. Chính vì thế cần có sự đoàn kết, nhất trí của toàn thể những hộ CN gà, các DN chế biến và kinh doanh gà trên địa bàn huyện, tỉnh; cần có sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ phía UBND các cấp và các cơ quan chức năng của tỉnh. Đây là thương hiệu của tập thể, cá nhân tham gia CN gà, ngành kinh tế trọng điểm giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Để nhãn hiệu tập thể Gà Thanh Chương phát triển, thực sự khẳng định được giá trị, trở thành một thương hiệu mạnh và đem lại lợi ích cho những người CN và kinh doanh gà, tác giả đã đề xuất 8 giải pháp phát triển thương hiệu Gà Thanh Chương, bao gồm: Chất lượng SP; Giá cả SP; Hệ thống thông tin; Hệ thống phân phối; Hệ thống nhận diện thương hiệu; Quảng bá thương hiệu; Yếu tố con người; Chính sách nhà nước. Đây là những giải pháp cấp bách và thiết thực cần được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Philip Kotler (2001), Quản trị Marketing, NXB Thống kê, Hà Nội

2.  Philip Kotler (2004), Những nguyên lý tiếp thị, 2 tập, NXB Thống Kê, Hà Nội.

3. UBND huyện Thanh Chương (2021), Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh giai đoạn 2016 - 2020 của huyện Thanh Chương.

4. Báo Nghệ An, “Gà Thanh Chương - thương hiệu một vùng đồi”. Truy cập ngày 19/11/2022 tại https://baonghean.vn/ga-thanh-chuong-thuong-hieu-mot-vung-doi-post13343.html 

5. Bộ KH&CN (2017), “Cơ hội phát triển mới cho SP gà Thanh Chương”. Truy cập ngày 19/11/2022 tại https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/12127/co-hoi-phat-trien-moi-cho-san-pham-ga-thanh-chuong.aspx

(1) Trường Đại học Kinh tế Nghệ An; (2) Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nguyễn Đình.

SUMMARY

Thanh Chuong Chicken Brand Development Solution

Dinh Van Toi1 , Nguyen Ngoc Toai2 

1 Nghe An University of Economics; 2 Nguyen Dinh Trading and Service Co., Ltd

Abstract: In order to create favorable conditions for the chicken farming industry to develop, since 2012 Thanh Chuong district, Nghe An province has had a policy to build a brand of Ri chicken (also known as grass chicken, ant chicken) to selection and conservation of genetic resources of famous chicken breeds in association with bio-secure breeding, and output consumption linkages. On January 13, 2016, the National Office of Intellectual Property, Ministry of Science and Technology issued Decision No. 1429/QD-SHTT on granting a Trademark Registration Certificate No. 256659 for the Thanh Chuong Chicken collective mark. However, up to now, there has not been a strategy or a scientific research topic to analyze the situation and offer a possible solution for the development of the "Thanh Chuong Chicken" brand to become a famous brand in Vietnam and outside the province, even abroad.

Keywords: Brand; Thanh Chuong Chicken

Đinh Văn Tới (1) - Nguyễn Ngọc Toại (2)
Bạn đang đọc bài viết "Giải pháp phát triển thương hiệu Gà Thanh Chương" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.