Gặp gỡ “vua cầu treo”

02/07/2015 08:49

Theo dõi trên

Tuy chỉ mới học hết lớp 2 trường làng nhưng anh Phạm Ngọc Quý (sáu Quý), nông dân xã Đào Hữu Cảnh (Châu Phú), là người đầu tiên bắc cầu treo phục vụ việc đi lại ở nông thôn. Từ sáng kiến độc đáo này, anh được mọi người gọi là “vua cầu treo”.



 Sáu Quý và chiếc cầu treo đầu tiên được cất tại địa phương

Đào Hữu Cảnh là xã vùng trong, kênh rạch chằng chịt nên những chiếc cầu đóng vai trò “huyết mạch” trong giao thông của người dân. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Đào Hữu Cảnh còn là vùng sâu của huyện Châu Phú, việc cất được một chiếc cầu là niềm vui lớn cho người dân địa phương. Tuy nhiên, mô hình bắc cầu ván theo kiểu truyền thống không phát huy hiệu quả lâu dài, bởi trụ cầu nằm giữa lòng kênh dễ dẫn đến va chạm với ghe xuồng, nhất là những tháng mùa nước nổi. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, sáu Quý đã tìm tòi và đưa ra mô hình cầu treo như hiện nay.

“Bản tính tôi vốn hay tìm tòi, học hỏi. Dù chữ nghĩa không tới đâu nhưng tôi thích chế tạo cái này, cái kia để ứng dụng vào cuộc sống. Thời điểm đó, đời sống bà con ở đây còn nghèo, vận động vất vả lắm mới đủ kinh phí cất một chiếc cầu khoảng 5 - 7 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, cầu lại bị mưa gió, ghe xuồng va chạm hư hỏng dần. Lúc đó, người dân lại phải tốn công tu sửa hoặc cất cầu mới” - sáu Quý nhớ lại. Hiểu được nỗi cơ cực của người dân quê mình, sáu Quý quyết lòng tìm ra mô hình bắc cầu “kiểu mới” nhằm đáp ứng các yêu cầu về độ bền, độ cao thông thuyền. “Nhiều người đánh giá mô hình cầu treo này bắt chước theo cầu Mỹ Thuận nhưng thực chất không phải như vậy. Tôi lấy bản mẫu từ cầu Chữ S cũ (thị trấn Cái Dầu - Châu Phú) để học theo. Điểm khác biệt là các kỹ sư sử dụng khung lan can chịu lực bằng bê-tông, còn mình sử dụng sợi dây thép 16mm. Do chỉ sử dụng cho những chiếc cầu nhỏ nên yếu tố kỹ thuật này vẫn đảm bảo an toàn” - sáu Quý bật mí.

Mô hình cầu treo của sáu Quý có 2 trụ được thiết kế sát vào bờ kênh nên hạn chế được va chạm với ghe xuồng, đồng thời cũng đảm bảo độ cao thông thuyền trong mùa lũ. Nhằm tăng độ bền, độ ma sát cho mặt cầu, sáu Quý nghĩ ra cách tráng một lớp bê tông mỏng lên mặt ván. Nhờ vậy, mỗi chiếc cầu treo có thể sử dụng khoảng 20 năm.

Tiếng lành đồn xa, sáu Quý được địa phương tin tưởng, giao cho cất chiếc cầu treo liên xã Bình Phú - Đào Hữu Cảnh, với tổng kinh phí 38 triệu đồng vào năm 1996. Chiếc cầu hoàn thành là niềm vui cho người dân đôi bờ bởi việc thông thương, đi lại đã trở nên rất thuận tiện. Năm 2000, sáu Quý được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có sáng kiến xuất sắc về kỹ thuật xây dựng loại cầu treo nông thôn, góp phần phát triển giao thông ở các tỉnh ĐBSCL. Từ đó, danh hiệu “vua cầu treo” được khắp nơi biết đến. “Người ta gọi là “vua cầu treo” vì mình là người nghĩ ra mô hình này. Hiện nay, ở đâu cũng sử dụng cầu treo bởi tính an toàn của nó. Tôi rất vui vì mình đã làm được việc có ích cho bà con nông thôn” - sáu Quý tâm tình.

Hiện nay, sáu Quý đã thành lập doanh nghiệp Ngọc Quý, chuyên thi công các công trình cầu treo trong và ngoài tỉnh. Ông cùng đội ngũ thợ của mình đồng hành cùng kênh truyền hình Let’s Viet thực hiện chương trình “Nhịp cầu ước mơ” tại các tỉnh ĐBSCL. Điều thú vị là trong phần II của bộ phim “Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa” cũng có đoạn nhắc đến ông “vua cầu treo”. Nhân vật Hai Lúa đã tìm đến nhà sáu Quý “tầm sư học đạo”. “Mô hình cầu treo dù đạt được thành công nhất định nhưng tôi vẫn tiếp tục tìm tòi ra những mô hình mới. Mong ước của tôi là chế tạo được nhiều chiếc máy, nhiều mô hình giúp cho người nông dân vơi bớt cực nhọc chốn ruộng đồng” - sáu Quý trải lòng.

Theo Tin Tức Miền Tây

Bạn đang đọc bài viết "Gặp gỡ “vua cầu treo”" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.