Gắn bó lâu dài, bảo tồn bền vững

27/10/2016 07:33

Theo dõi trên

Từ khi “mở cổng Làng” ngày 19/9/2010 đến nay, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã từng bước đưa nơi đây trở thành không gian sống của cộng đồng các dân tộc. Đồng bào cũng coi đây thực sự là ngôi nhà thứ hai của mình và nhiều người đã tự nguyện gắn bó lâu dài tại “Làng”.

Phương châm để “Chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị địa phương tổ chức để cộng đồng các dân tộc về tổ chức các hoạt động thường xuyên tại “Làng”, góp phần giới thiệu một cách sinh động, chân thực nhất bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Từ đa dạng hóa các hoạt động

Bên cạnh các hoạt động sự kiện thường niên được tổ chức tại đây, từ năm 2015 Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức với những hoạt động phong phú theo chủ đề như: “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn”; “Tháng Ấn tượng mùa hè - Tìm về ký ức tuổi thơ”; “Vui Tết độc lập”... Đến “Ngôi nhà chung”, du khách cũng được gặp gỡ, giao lưu với chủ thể văn hóa dân tộc.

Việc huy động đồng bào các dân tộc ở các vùng, miền về sinh hoạt thường xuyên đã từng bước góp phần làm cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành một “không gian sống” có “hồn”. Họ thực sự là chủ nhân của “Ngôi nhà chung”, là chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình thông qua các hoạt động dệt vải, chế tác nhạc cụ, công cụ sản xuất, may vá, thêu thùa, giới thiệu ẩm thực…



Vườn chè trong không gian nhà dân tộc Khơ Mú.

Nghệ nhân Quàng Văn Cá, dân tộc Khơ Mú đến từ xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đang tham gia hoạt động tại “Làng” hồ hởi chia sẻ: “Mình về đây để tổ chức các nghi lễ, đem tính thiêng cho ngôi nhà Khơ Mú ở đây và tổ chức các hoạt động đời sống, mình không “diễn” gì đâu, chỉ làm và sinh hoạt như ở nhà mình thôi. Mình còn đưa cả người nhà, cháu, con đến đây ở cả mấy tháng rồi”.

Đồng bào dân tộc tham gia trực tiếp vào quá trình chăm sóc, bảo quản vật dụng và trang trí trong không gian ngôi nhà của mình. Đồng thời, giữa đồng bào các dân tộc còn có sự giao lưu, học hỏi và tìm hiểu văn hóa lẫn nhau.



Trình diễn nghệ thuật múa Rô băm của dân tộc Khmer tại không gian nhà dâm tộc Khmer.

Du khách khi tới đây được tiếp xúc trò chuyện với đồng bào, được chứng kiến và tham gia vào các hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo của đồng bào. Giữa chủ thể văn hóa và khách thể văn hóa có sự gắn kết, tương tác lẫn nhau. Đó là mạch nguồn của sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Đến nỗ lực đưa đồng bào về hoạt động tại “Làng”

Từ tháng 9/2015 đến nay, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Ủy Ban nhân dân các huyện, các tỉnh tổ chức để nhóm nghệ nhân dân tộc Mường, Thái (tỉnh hòa Binh); Khơ Mú (tỉnh Điện Biên); Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk); Khmer (tỉnh Sóc Trăng); Ba na (Tỉnh Gia Rai); Tày (tỉnh Thái Nguyên); Dao (Ba Vì, Hà Nội) về tham gia hoạt động thường xuyên tại “Làng”. Đồng bào tự tổ chức cuộc sống, trồng rau, dệt vải, đan lát... tổ chức các trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ giới thiệu bản sắc văn hóa của mình với du khách.



Dệt thổ cẩm bên ngôi nhà sàn Thái.

Nghệ nhân Hà Thị Phương Vân, dân tộc Thái, đến từ Mai Châu, Hòa Bình chia sẻ khi tham gia hoạt động thường xuyên tại đây: “Mình về Làng để tham gia các hoạt động thường xuyên cả năm nay rồi. Cũng nhớ nhà, nhớ bản nhưng cũng thấy gắn bó với ngôi nhà của người Thái mình được xây dựng ở đây, như quê hương thứ hai vậy. Du khách tham quan thấy vui, háo hức với nét văn hóa của người Thái trắng làm mình vui và vững tin vào quyết định về với “Làng” để có cơ hội giới thiệu bản sắc dân tộc của mình cho du khách trong và ngoài nước”.

Có thể ví công tác huy động cộng đồng các dân tộc về hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giống như những dòng chảy nhỏ, hội tụ về “Ngôi nhà chung”. Với nỗ lực không ngừng của những người làm công tác văn hóa, những, nghệ nhân dân gian và đặc biệt là đồng bào dân tộc, những dòng chảy ấy theo thời gian được bồi đắp lớn dần lên càng ngày càng chuyên trở nhiều giá trị văn hóa đặc sắc có ý nghĩa với cộng đồng. Chính vì vậy, những hoạt động tại “Làng” càng ngày càng có sức sống, cuốn hút du khách. Đó cũng là cách bảo tồn hiệu quả và bền vững nhất.

 (Theo langvietonline.vn)

Thu Loan
Bạn đang đọc bài viết "Gắn bó lâu dài, bảo tồn bền vững" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.