Về trình tự trình diễn cũng có nhiều thay đổi. Thông thường, buổi trình diễn Đờn ca tài tử được bắt đầu bằng những bản đờn, bài ca mang hơi điệu Bắc vui tươi, rôm rả; tiếp đến chuyển sang các bài bản thuộc hơi Quảng, hơi Hạ; rồi qua các bài Nam có hơi Ai, hơi Xuân; phần cuối bao giờ cũng chuyển sang những làn điệu hơi Oán và vọng cổ; thì hiện nay, những buổi đờn ca trong các tour du lịch không theo trình tự đó mà trình diễn lộn xộn, ai thích đờn bản gì thì đờn, ai thích ca điệu gì thì ca, không tuân thủ theo trình tự như trước đây.
Cấu trúc dàn nhạc hiện nay có phần chấp vá, tùy tiện, ít khi được biên chế đầy đủ của một dàn nhạc tài tử gồm các nhạc cụ: Kìm, Cò, Tranh, Độc huyền (gọi là Tứ tuyệt)… Tùy theo ban nhạc, quy tụ được cây đờn gì thì chơi nấy, có khi có đủ nhạc cụ nhưng không có người đờn hoặc ngược lại.
Những bất cập này dẫn tới hệ quả, chính những nghệ nhân trình diễn đang xem thường bản thân họ, xem thường di sản Đờn ca tài tử và xem thường cả du khách – là những người bỏ tiền bạc và đi một quãng đường rất xa đến địa phương để trải nghiệm, nhưng họ chỉ được nghe những bản nhạc dân ca, hoặc những bài vọng cổ. Thậm chí là những bài hát dân ca các nước (tùy du khách là người nước nào) mà không phải là nhạc tài tử thuần túy. Điều này khiến cho du khách thất vọng và đánh giá sai về giá trị đích thực của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.