Du lịch hồi sinh: Các đảo quốc Thái Bình Dương tập trung vào phát triển bền vững

08/05/2023 16:43

Theo dõi trên

Theo tờ ABC News (Australia), các đảo quốc ở Thái Bình Dương đang quan tâm hơn tới phát triển du lịch bền vững.

vg36547-1683538942.jpg
Du khách được khuyến nghị tôn trọng sông Navua khi thăm thú nơi đây. Ảnh: ABC News

Tại Fiji, người dân địa phương gọi thượng lưu sông Navua - chảy qua một hẻm núi lớn - là "con đường kết nối với nguồn cội".

Nhờ truyền thống này, công ty du lịch Rivers Fiji của Kasimiro Taukeinikoro cung cấp trải nghiệm đi bè dọc sông. Và khi đón du khách, ông Kasimiro cũng khuyến nghị họ tôn trọng dòng sông như chính nguồn cội của mình.

Ông Taukeinikoro cho biết Rivers Fiji đã thuyết phục bộ tộc sở hữu đất đai bản địa là Mataqali rằng du lịch bền vững sẽ là một nguồn đầu tư kinh tế tốt cho khu vực.

Đây cũng là khu vực đầu tiên của Fiji có hợp tác công tư để phát triển du lịch bền vững và tạo cơ hội kinh tế cho cộng đồng địa phương.

"Những giá trị chúng tôi có ở đây là lý do du khách muốn tới. Họ đến vì văn hóa của chúng tôi, họ đến vì sự thân thiện của chúng tôi, họ đến vì môi trường nguyên sơ của chúng tôi," ông Taukeinikoro nói.

Trước đó, tại các đảo quốc Thái Bình Dương, phát triển du lịch thường tập trung vào các khu vực ven biển. Tuy nhiên, sáng kiến phát triển du lịch nguồn cội này cùng nhiều chương trình tương tự khác đang trở thành một chiến lược kinh tế mới tại những nơi thường chỉ tập trung vào khai thác mỏ hoặc lâm nghiệp.

Khi đưa khách tới sông Navua, hướng dẫn viên của Rivers Fiji chia sẻ với du khách về hệ sinh thái, truyền thống văn hóa, di sản và các vấn đề bảo tồn địa phương, đồng thời mang đến cho du khách cơ hội hiểu về cuộc sống hàng ngày của người bản địa Fiji ở vùng cao nguyên.

Trong khi đó, Rivers Fiji cũng bồi thường cho chủ đất bằng việc tạo việc làm, thanh toán tiền thuê đất, thuê vườn và bảo vệ khu vực.

Du lịch là động lực kinh tế quan trọng ở Thái Bình Dương

Theo ABC News, du lịch đóng góp gần 40% vào GDP của Fiji và tạo việc làm cho hơn 150.000 người, cả trực tiếp và gián tiếp. Trên khắp các quốc đảo Thái Bình Dương, du lịch là một hoạt động kinh tế cốt lõi và tạo ra việc làm.

Apisalome Movono, giảng viên cao cấp về nghiên cứu phát triển tại Đại học Massey ở Aotearoa, New Zealand, cho biết việc đóng cửa biên giới trong đại dịch Covid-19 đã khiến khu vực này thiệt hại hơn 1 tỷ USD thu nhập.

Tiến sĩ Movono cho biết đại dịch đã cho thấy sự biến động, lỗ hổng và điểm yếu của ngành du lịch nơi đây.

Ông nói: "Chúng tôi cần đổi mới, chúng tôi cần nghĩ cách để ngành du lịch bền vững và cả nhiều công việc mà ngành này đang hỗ trợ".

Tiến sĩ Movono cũng cho hay hiện đã có nhiều lời kêu gọi ngành du lịch cần nhìn nhận lại đại dịch vừa qua để điều chỉnh toàn bộ hệ thống du lịch. Bất kỳ khoản đầu tư mới nào cũng cần hỗ trợ quá trình phục hồi mang lại lợi ích lâu dài cho người dân và môi trường địa phương.

Năm ngoái, hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ Thái Bình Dương đã ký cam kết khu vực nhằm thúc đẩy du lịch bền vững.

Cũng theo chuyên gia này, thay vì nghĩ rằng các quốc gia Thái Bình Dương phụ thuộc vào du lịch để có doanh thu, thì nên định hướng rằng ngành du lịch khu vực phụ thuộc vào nội tại Thái Bình Dương và những giá trị đặc sắc của người dân nơi đây.

Do đó, các quốc gia Thái Bình Dương đang kêu gọi xây dựng mối quan hệ công bằng hơn giữa các đối tác du lịch và người dân địa phương. Tiến sĩ Movono nói: "Tôi tin rằng đang có sự thay đổi trong cách các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương nhìn nhận ngành du lịch của họ."

Palau đi tiên phong trong bảo tồn

Vào năm 2017, Palau bắt đầu yêu cầu khách du lịch ký cam kết khi đến, hứa sẽ hành động một cách có trách nhiệm với môi trường và văn hóa khi thăm thú nơi đây.

Năm ngoái, Palau cũng đã ra mắt ứng dụng "Ol'au Palau" để khách du lịch thể hiện sự tôn trọng môi trường. Theo đó, du khách có thể tích lũy điểm trên ứng dụng này bằng các hoạt động như sử dụng kem chống nắng an toàn cho rạn san hô, tham quan các địa điểm du lịch có ý nghĩa văn hóa, ăn thực phẩm địa phương có nguồn gốc bền vững và tránh đồ nhựa sử dụng một lần.

Khi tích lũy đủ số điểm cần thiết, du khách có thể tiếp cận một số nơi thường chỉ dành cho cộng đồng địa phương, gặp gỡ những người lớn tuổi và tham quan các di tích lịch sử, thăm các ngôi làng, ăn trưa với các thành viên cộng đồng và câu cá truyền thống tại các điểm bí mật.

Alan T Marbou, thành viên Cơ quan quản lý du khách Palau, cho biết: "Bằng cách triển khai ứng dụng Ol'au Palau, chúng tôi sẽ khuyến khích du khách du lịch tận tâm hơn và bảo vệ tài sản du lịch được đánh giá cao nhất của chúng tôi: môi trường nguyên sơ và nền văn hóa độc đáo của chúng tôi".

"Đại dịch đã mang đến cho hành tinh của chúng ta một hồi chuông cảnh tỉnh rất cần thiết và một cơ hội để xem điều gì có thể xảy ra khi thiên nhiên có cơ hội tự cân bằng lại", ông nói thêm.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Du lịch hồi sinh: Các đảo quốc Thái Bình Dương tập trung vào phát triển bền vững" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.