Di sản văn hóa - thiên nhiên Tây Nguyên, tiềm năng phát triển kinh tế du lịch
Tây Nguyên là một vùng văn hóa đặc thù, tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, nơi bảo lưu các giá trị văn hóa điển hình và độc đáo, nơi ghi dấu những huyền thoại, ẩn chứa tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc. Hiện nay, Tây Nguyên đang hàm chứa một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ bao gồm: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại , là một trong 27 di sản văn hóa thế giới của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay (năm 2022). Chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc: Ba-na, Xê-đăng, Mnông, Cơ-ho, Rơ-mâm, Ê-đê, Gia-rai. Tây Nguyên hiện cũng đang lưu giữ những chứng tích căn cứ kháng chiến như: Bản Đôn, làng Kông Hoa, ngục Kông Tum, đường mòn Hồ Chí Minh; hiện có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng đang được đồng bào các dân tộc gìn giữ, bảo quản, tôn tạo phát huy giá trị di sản như: Tháp Yang Prong - ngôi tháp cổ Chăm Pa (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) duy nhất ở Tây Nguyên; ngôi nhà sàn 100 tuổi của tộc trưởng Mnông; khu mộ cổ của vua săn voi ở Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk); một số địa danh nổi tiếng trong kháng chiến đã đi vào huyền thoại lịch sử của dân tộc như: Ngục Kon Tum, Nhà tù Plây Cu, Nhà đày Buôn Ma Thuột... Đó là các địa danh nổi tiếng: Sa Thầy, Đắk Tô - Tân Cảnh, Yaly, Plei Kần (Kon Tum) đây là điều kiện thuận lợi để toàn vùng Tây Nguyên phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có sức cạnh tranh cao.
Tây Nguyên là nơi đầu nguồn của các dòng sông lớn là sông Đồng Nai và sông Ba có cấu trúc địa hình chia cắt giữa núi đồi và đồng bằng nên thiên nhiên Tây Nguyên được bồi đắp, kiến tạo hội tụ thành nhiều thác, ghềnh tạo nên những danh lam, thắng cảnh thiên nhiên đẹp kỳ vĩ, nổi tiếng hấp dẫn như thác: Đray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ, Ba Tầng, Lưu Ly, Liêng Nung, Cô Tiên, Đắk G’lun, Đắk Buk So (Đắk Nông), thác Đray Hlinh, Prenn, Đrămbi, Pongour (Lâm Đồng), thác Krong Kmar (Đắk Lắk), thác Chín Tầng, Xung Khoeng, Phú Cường (Gia Lai), thác Pasỹ (Kon Tum), … Đặc điểm tự nhiên này có thể tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm vượt thác ghềnh thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó là hệ thống nhiều hồ nước tự nhiên có tiềm năng du lịch rất lớn, đó là: hồ Lắk (Đắk Lắk), hồ Suối Vàng, hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), Biển Hồ (Gia Lai), đặc biệt hồ Tà Đùng (Đắk Nông) với diện tích rộng trên 22 ha lại có gần 40 ốc đảo lớn nhỏ được ví như một Hạ Long thu nhỏ được kiến tạo trên vùng đất Tây Nguyên thơ mộng. Vẻ đẹp của núi rừng Tây Nguyên còn được thể hiện qua những ngọn núi cao hùng vĩ như núi Lang Biang (Lâm Đồng) và các hang động, cao nguyên điển hình như: Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Kon Plông, Kon Hà Nừng, Pleiku, Di Linh, Lâm Viên... có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quanh năm bốn mùa khí hậu mát mẻ ôn hòa, có điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng và khám phá.
Tây Nguyên có hệ thống vườn quốc gia đặc dụng tiêu biểu như vườn quốc gia: Chư Mom Ray (Kon Tum), Kon Ka Kinh, Chư Prong (Gia Lai), YokĐôn, Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Bidoup - Núi Bà, Cát Lộc - Cát Tiên (Lâm Đồng)… Trong đó, đã có hai vườn quốc gia được công nhận là Vườn di sản ASEAN gồm Chư Mom Ray và Kon Ka Kinh, cùng với các khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum), Madagui (Lâm Đồng), Nam Ka, Ea Sô (Đắk Lắk), Lâm Nung, Tà Đùng (Đắk Nông)… Đây là những yếu tố tự nhiên thuận lợi để xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm đặc sắc mang bản sắc văn hóa đặc trưng Tây Nguyên.
Các tỉnh khu vực Tây Nguyên còn nhiều buôn, làng của đồng bào các dân tộc có tiềm năng, lợi thế để khai thác và phát triển loại hình du lịch cộng đồng, đó là các điểm du lịch của các buôn, làng: buôn làng của người Bahnar (Kon Ktu, Rơ Hai, Kon Chri), Jrai (Lung, Rắc), Xơ đăng (Dakripeng, Đakrijob) thuộc tỉnh Gia Lai; buôn làng của người Ê Đê, M’Nông, Lào, Gia Rai (buôn Đôn, làng nghề ở buôn Alê A, Păn Lăm, Kô Sia, Niên…) thuộc tỉnh Đắk Lắk; buôn làng của người M’Nông, Mạ (bon N’Jriêng, Bu Kon, Buôr, Bu Prâng) thuộc tỉnh Đắk Nông; buôn làng của dân tộc Mạ (huyện Bảo Lộc), Cơ Ho (huyện Dai Linh), Chu Ru (huyện Đơn Dương), các làng nông trại (trồng hoa, chè, cây ăn quả, rau…) thuộc tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, có một số điểm du lịch cộng đồng được khai thác từ các tài nguyên du lịch nổi bật của Tây Nguyên được nhiều du khách đến du lịch như Buôn Đôn, Bản Voi, làng Kon - Kơtu, làng Đắk - Răng, Đắk - Mế...
Tây Nguyên là “vùng sử thi - trường ca”, vùng có hệ thống nghi lễ - lễ hội dân gian cổ truyền phong phú tập trung nhiều loại hình lễ hội như: lễ hội mùa, lễ tỉa hạt, lễ cúng máng nước, cúng nồi, lễ đâm trâu, lễ hội pơ thi, lễ hội cồng chiêng...; có nhạc khí, kiến trúc, sử thi và các giá trị folklore khác. Các loại nhạc cụ độc đáo như: đàn đá, đàn Kơ ny, tù và, Đinh tukủa, Klongpút, Trưng, chiêng Klong Klai, trống Sơgơr… Nghề và sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên như nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ, trang trí cột, vật thờ, dệt thổ cẩm, làm đồ trang sức, đan lát (gùi, bồ)… là những giá trị tạo nên một hệ thống sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt, có sức hút cao. Mỗi tộc người bản địa sinh sống và tồn tại tại Tây Nguyên còn chứa đựng một kho tàng văn hóa phi vật thể rất đa dạng. Đó là hệ thống triết lý về vũ trụ và nhân sinh; là các lễ hội, lễ nghi thờ cúng tổ tiên; các bộ luật tục giàu giá trị lịch sử; các trò chơi dân gian, các loại hình dân ca, dân vũ; là kho tàng văn học truyền miệng (sử thi, truyền thuyết, thần thoại, ngụ ngôn…) và đặc biệt tiêu biểu là không gian văn hóa cồng chiêng... Các dân tộc thiểu số phía Bắc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Hmông… di cư vào Tây Nguyên đã mang theo văn hóa của họ làm phong phú, đa dạng thêm sắc màu văn hóa cho cả vùng Tây Nguyên.
Thời gian qua, ngành Văn hóa các tỉnh Tây Nguyên đã chú trọng khôi phục một số lễ hội cổ truyền như: lễ hội Sa Pen Chu, lễ cầu mưa, cúng bến nước, lễ M’gắp Bon, lễ mừng lúa nước, lễ mừng cơm mới, lễ vào nhà mới, lễ cúng sức khỏe, lễ chúc phúc…; phục hồi của các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc, đàn gùi, làm cây nêu, làm nhà sàn…; cùng với sự phục hồi của các hoạt động diễn tấu cồng chiêng truyền thống, các loại nhạc cụ dân tộc, cách thức biểu diễn các điệu múa cổ truyền, làn điệu dân ca truyền thống đã làm cho đời sống tinh thần của người dân ở các bon, buôn thêm sôi động và được nâng cao; mặt khác, sự phục hồi của các hoạt động văn hóa sinh động, hấp dẫn đó còn cung cấp nguồn sản phẩm du lịch độc đáo, quý hiếm cho toàn vùng Tây Nguyên.
Song song với hoạt động tổ chức lễ hội truyền thống, Tây Nguyên thường xuyên tổ chức các lễ hội văn hóa lớn theo định kỳ, có tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, như: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Lễ hội Hoa Đà Lạt, Lễ hội Trà Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lễ hội Cồng chiêng... Những sự kiện hoạt động văn hóa lớn diễn ra trên địa bàn Tây Nguyên đã góp phần quan trọng vào quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của cư dân bản địa. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trong vùng đã và đang được đầu tư, trùng tu, nâng cấp để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu.
Đặc biệt hơn nữa, đại ngàn Tây Nguyên hiện nay vẫn có khung cảnh thiên nhiên còn nguyên sơ, có vùng núi cao, cao nguyên và cả vùng rừng nhiệt đới cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quanh năm bốn mùa khí hậu mát mẻ ôn hòa, có điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng và khám phá.
Những nỗ lực của Tây Nguyên trong phát triển kinh tế du lịch
Tiềm năng di sản văn hóa - thiên nhiên của Tây Nguyên là nguồn lực rất lớn để phát triển kinh tế du lịch nhưng nhìn chung, do vị trí địa lý và điều kiện kinh tế, đặc điểm dân cư nên Tây Nguyên vẫn là vùng kinh tế còn nhiều khó khăn so với khu vực đô thị và vùng đồng bằng: cơ sở hạ tầng còn nghèo, giao thông chưa thuận tiện, nguồn nhân lực du lịch còn yếu... Mặc dù vậy, thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để phát triển du lịch, tạo những điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của từng địa phương và toàn vùng.
Về cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú: Hệ thống cơ sở lưu trú các tỉnh khu vực Tây Nguyên năm 2011 chỉ có 544 cơ sở lưu trú với 17.808 buồng, năm 2015 tăng 851 cơ sở lưu trú với 24.921 buồng, đến năm 2017 (trước Đại dịch COVID-19) đã tăng lên 1.858 cơ sở lưu trú với 29.125 buồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân về cơ sở lưu trú là 22,7%/năm và về số lượng buồng là 8.6%/năm. Trong đó có 3 khách sạn 5 sao (294 buồng), 14 khách sạn 4 sao (1.657 buồng), 24 khách sạn 3 sao (1.623 buồng), 122 khách sạn 2 sao (3.900 buồng), 372 khách sạn 1 sao (6.500 buồng), 420 nhà nghỉ du lịch (4.800 buồng), 44 biệt thự du lịch đạt chuẩn (533 buồng), 409 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với 3.500 buồng, 1 làng du lịch 3 sao với 62 buồng.
Hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp các cơ sở dịch vụ phục vụ lưu trú để kích cầu tăng trưởng phát triển du lịch. Kon Tum là địa phương còn nghèo trong vùng nhưng đến nay, toàn tỉnh đã có 109 đơn vị đăng ký kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ; có 7 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa; 154 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 2.191 buồng. Có 10 làng du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh (huyện Kon Plông 6 điểm, huyện Đắk Hà 1 điểm, thành phố Kon Tum 3 điểm. Để du lịch Kon Tum tăng trưởng và phát triển bền vững, tạo dấu ấn riêng độc đáo và đặc sắc, ngành du lịch Kon Tum đã mạnh dạn mở rộng liên kết với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, hình thành các tuyến du lịch trong nước và quốc tế như: tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên; tuyến du lịch hành trình di sản đông Dương; tuyến du lịch carnavan hành trình qua các nước Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam xuyên qua các Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và nhiều sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh được tập trung khai thác. Ngày càng có nhiều lượng khách du lịch tìm hiểu về Ngã ba biên giới “Một tiếng gà 3 nước cùng nghe”; tham quan, tìm hiểu về vùng biên giới 3 nước Việt Nam -Lào - Campuchia; tham quan cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; hành trình về nguồn, thăm lại chiến trường xưa…
Tỉnh Đắk Lắk đã và đang đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Toàn tỉnh hiện có 212 cơ sở lưu trú du lịch, gồm 82 khách sạn (1-5 sao) và 130 nhà khách, nhà nghỉ với hơn 4.550 người, có thể phục vụ hơn 9.000 lượt khách lưu trú vào cùng một thời điểm; có 18 đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch và 28 khu, điểm tham quan du lịch, trong đó có Khu du lịch Buôn Đôn được xếp hạng cấp Quốc gia và 7 khu du lịch được xếp hạnh cấp tỉnh và trên 100 hướng dẫn viên đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã chủ động phối hợp liên kết với các cơ quan, ban, ngành liên quan nghiên cứu, khảo sát và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, có lợi thế như du lịch mạo hiểm tại khu vực thác Dray Nur, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Vườn Quốc gia Yok Đôn và du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ; tăng cường và đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ để hình thành hệ thống tour - tuyến du lịch liên hoàn nhằm thu hút du khách đến Đắk Lắk và ngược lại.
Tỉnh Đắk Nông đã có 242 cơ sở lưu trú du lịch, với 3.271 phòng. Dịch vụ ăn uống cũng được đầu tư, nâng cấp phục vụ các món ăn đặc sản địa phương, hiện có khoảng 40 nhà hàng phục vụ các món ẩm thực địa phương và các đặc sản vùng miền, có sức chứa từ 100 - 2.500 chỗ ngồi; có 2 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh. Dịch vụ vận chuyển khách ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách. Với phương thức chú trọng đầu tư để phát triển du lịch, tỉnh Đắk Nông đã tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch khu vực Công viên địa chất toàn cầu đạt tiêu chí khu du lịch quốc gia trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa và phát huy giá trị tự nhiên để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng. Trên nền tảng các giá trị địa chất đặc sắc của công viên địa chất toàn cầu, tỉnh Đắk Nông đã quy hoạch và đầu tư phát triển 44 điểm đến hấp dẫn để phát triển du lịch; hình thành 3 tuyến du lịch với chủ đề “Xứ sở của những âm điệu” và 3 tuyến du lịch là các điểm đến được xây dựng theo 3 chủ đề chính: “Trường ca của Lửa và Nước”, “Bản giao hưởng của Làn gió mới” và “Âm vang từ Trái đất”, trải dài trên 6 huyện, thành phố nhằm khai thác tốt nhất các giá trị tổng hòa của sản phẩm du lịch; giá trị văn hóa, di sản và địa chất của công viên toàn cầu. Đây được xem là sản phẩm giữ vai trò chủ đạo, mang tính độc đáo, riêng biệt, thu hút du khách khám phá, tìm tòi, nghiên cứu những giá trị độc đáo của vùng đất Đắk Nông và cả khu vực Tây Nguyên.
Tỉnh Lâm Đồng đã khảo sát và xây dựng trên 200 chương trình du lịch nội tỉnh, nội địa và quốc tế để đưa vào khai thác kinh doanh; đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch nội địa, nhất là các thị trường truyền thống như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, vùng duyên hải miền Trung; mở rộng thị trường khách du lịch nội địa sang các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng...; tiếp tục tập trung thu hút khách du lịch quốc tế đến từ những thị trường truyền thống của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đông Bắc Á, Đông Á... Ưu tiên phát triển du lịch thông minh, trong đó xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành “thành phố thông minh” thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhờ sự nỗ lực trong đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú và xúc tiến quảng bá du lịch của các tỉnh Tây Nguyên, số lượng khách quốc tế đến khu vực Tây Nguyên ngày một tăng lên: năm 2010 là 225.950 lượt khách, năm 2015 tăng 365.754 lượt khách, đến năm 2017 (trước đại dịch COVID-19) tăng lên 609.915 lượt khách, tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân là 15,2%/năm. Khách nội địa đến khu vực Tây Nguyên năm 2010 là 3.169.250 lượt khách, năm 2015 tăng 5.941.540 lượt khách, đến năm 2017 tăng lên 6.857.465 lượt khách, tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân là 11,6%/năm. Tổng doanh thu từ du lịch toàn khu vực năm 2010 là 4.004.20 tỷ đồng, năm 2015 tăng 10.046,91 tỷ đồng, đến năm 2017 tăng lên 12.368,64 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2010-2017 đạt bình quân là 17,5%/năm.
Phát triển du lịch tại Tây Nguyên đã góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh và những giá trị của di sản văn hóa tới nhân loại. Bên cạnh đó, du lịch còn tham gia vào hoạt động bảo tồn chính những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó nguồn lực di sản văn hóa - thiên nhiên Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch của từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội có việc làm cho đồng bào, nâng cao dân trí, góp phần ổn định kinh tế xã hội của toàn vùng.
Thách thức của du lịch đại ngàn Tây Nguyên trong đại dịch COVID-19
Với những nỗ lực tích cực, những năm trở lại đây, hầu hết 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đang trong tiến trình đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để phát triển kinh tế du lịch thúc đẩy du lịch Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực. Trước đại dịch COVID-19, Tây Nguyên đã trở thành điểm đến hấp dẫn với sự phát triển của nhiều loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm… Song đại dịch COVID-19 đã khiến cho hầu hết các tỉnh Tây Nguyên chịu những thiệt hại lớn, dẫn đến lượng du khách đến du lịch và doanh số nguồn thu từ du lịch khủng hoảng, sụt giảm đến mức thấp nhất, cụ thể:
Tại tỉnh Đắk Nông: trước đại dịch, năm 2019, lượng khách đã tăng trưởng khá mạnh, Đắk Nông đón 385.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 26% so với 2018, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 8.500 lượt. Song, bước vào năm 2020, chỉ có khoảng 197.200 lượt khách du lịch đến Đắk Nông, giảm 40,2 % so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, khách quốc tế ước đạt 3.545 lượt khách, giảm 49,5% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách du lịch giảm đã kéo theo doanh thu toàn ngành chỉ đạt hơn 18 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2019.
Tỉnh Kon Tum: tổng lượng khách đến trong năm 2019 đạt 462.000 lượt, tăng 3,05% so với năm 2018. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 185.000 lượt, tăng 1,83%; Tổng doanh thu chuyên ngành đạt 297.340 triệu đồng, tăng 17,22% so với năm 2018. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng lượng khách đến Kon Tum chỉ đạt 250.500 lượt, giảm 54,22% so với năm 2019; tổng thu từ khách du lịch đạt 120 tỷ đồng, giảm 40,36%.
Tỉnh Đắk Lắk năm 2019 đón hơn 950.000 lượt khách, đạt 100% kế hoạch và tăng 17% so với năm 2018. Trong đó, lượng khách quốc tế tăng mạnh với hơn 90.000 lượt, tăng gần 19% so với năm 2018; khách trong nước 860.000 lượt, tăng gần 17% so với năm 2018. Doanh thu ước đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018. Năm 2020, lượng khách và doanh thu giảm sâu so với những năm trước đây: tổng số khách đón tiếp ước đạt 563.115 lượt khách, đạt 49,88% kế hoạch, bằng 67,52% so cùng kỳ. Trong đó, khách trong nước 47.155 lượt, đạt 53,33% kế hoạch, bằng 71,15% so với cùng kỳ; khách quốc tế ước15.960 lượt, đạt 15,5% kế hoạch, bằng 24,55% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 508 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch, bằng 64% so với cùng kỳ năm 2019.
Tỉnh Lâm Đồng, riêng năm 2019 đón trên 7 triệu lượt khách du lịch (Đà Lạt đón gần 6 triệu lượt khách). Năm 2020, số lượng khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt 2,658 triệu lượt (giảm 53,9% so với cùng kỳ năm 2019); khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ước đạt 4 triệu lượt (giảm 44,1% so với cùng kỳ năm 2019) . Lượng khách qua lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt 450.500 lượt (giảm 55%), trong đó dịp Tết giảm đến 63%. Năm 2021, các tỉnh Tây Nguyên cùng cả nước chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch COVID-19 nên chưa có điều kiện đón nhiều khách du lịch.
Không chỉ đại dịch COVID-19 gây nên sự thiệt hại về kinh tế du lịch mà tiềm năng du lịch của Tây Nguyên vẫn còn bị bỏ ngỏ. Mặc dù Tây Nguyên có nhiều điều kiện và tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa để phát triển kinh tế du lịch, song trên thực tế, công tác khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch còn hạn chế dẫn đến sự phát triển kinh tế du lịch chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, lượng khách và mức tăng trưởng doanh thu từ du lịch so với mặt bằng chung của cả nước còn ở mức độ rất khiêm tốn. Lợi thế phát triển du lịch bền vững trên cơ sở sử dụng tài nguyên di sản văn hóa chưa được quan tâm phát huy có hiệu quả. Kết quả hoạt động của du lịch Tây Nguyên thực sự cũng chưa tương xứng với nguồn tài nguyên du lịch nhân văn cùng những danh thắng nổi tiếng do thiên nhiên ban tặng. Chất lượng và sự trải nghiệm du lịch còn đơn điệu, các sản phẩm du lịch của Tây Nguyên còn nghèo nàn, chưa tạo sự khác biệt hấp dẫn du khách, chưa làm hài lòng du khách dẫn tới số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế chưa cao, doanh thu chưa đạt được như mong muốn.
Nguyên nhân chủ yếu là:
Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển du lịch mặc dù đã được quan tâm đầu tư phát triển song vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu dịch vụ du lịch chất lượng cao của từng địa phương cũng như của cả vùng Tây Nguyên.
Việc định hướng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng còn nhiều bất cập, chưa có sự liên kết bài bản, chặt chẽ và bền vững dẫn đến tình trạng sản phẩm du lịch trùng lắp, tính cạnh tranh không cao. Phát triển du lịch còn có tính đơn giản, manh mún, chủ yếu chú trọng dịch vụ, chưa đủ điều kiện thực hiện kế hoạch tầm nhìn dài hạn.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đối với thị trường nước ngoài còn hạn chế. Hiệu quả liên kết, hợp tác phát triển du lịch các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh, thành phố trong cả nước chưa cao.
Công tác bảo tồn di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên còn bất cập, một số di tích lịch sử, di sản văn hóa, khu danh lam thắng cảnh đang bị xuống cấp, chậm được đầu tư, tu bổ, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế du lịch.
Nguồn nhân lực du lịch tuy đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và có bước chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là thiếu đội ngũ lao động có trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp.
Do đại dịch COVID-19 kéo dài đã phá vỡ tính ổn định trong phát triển kinh tế du lịch của từng địa phương và toàn khu vực Tây Nguyên, để lại hệ lụy khôn lường. Để khôi phục và phát triển du lịch Tây Nguyên, rất cần có những giải pháp tích cực.
Các tỉnh cần phải làm gì để du lịch đại ngàn Tây Nguyên phục hồi và phát triển
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 17/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: “Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước. Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”.
Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch tại các tỉnh Tây Nguyên là một việc làm cần thiết và cấp bách. Để phát triển du lịch Tây Nguyên, duy trì tăng trưởng doanh thu từ du lịch một cách bền vững, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Tây Nguyên, cần thực hiện một số giải pháp thật căn cơ, thiết thực:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị, vai trò của các di sản văn hóa - thiên nhiên trong phát triển kinh tế du lịch để nhân dân có trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa - thiên nhiên trong khai thác phát triển du lịch. Tuyên truyền quảng bá các giá trị di sản, tuyên truyền chiến lược phát triển khu du lịch theo chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả, bền vững, có thương hiệu và sức cạnh tranh. Tăng cường xúc tiến quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa và danh thắng thiên nhiên của vùng Tây Nguyên trên các phương tiện truyền thông, thông qua các sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ…
Hai là, tập trung đầu tư, phát triển khu du lịch theo quy hoạch bài bản trên cơ sở khai thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và giá trị di sản văn hóa dân tộc. Cần có quy hoạch tổng thể xây dựng điểm đến du lịch vùng Tây Nguyên có sức cạnh tranh cao. Tổ chức xây dựng không gian du lịch, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch theo nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, góp phần tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, giá trị cảnh quan danh thắng thiên nhiên.
Ba là, coi trọng và làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc (cả văn hoá vật thể và văn hóa phi vật thể), tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống. Đặc biệt chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa làng, bản, bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc biệt các lễ hội dân tộc truyền thống tiêu biểu, không vì mục đích kinh tế mà phá vỡ các giá trị văn hóa truyền thống, không để du lịch xâm hại ảnh hưởng đến nếp sống, lối sống tốt đẹp vốn có của đồng bào. Khuyến khích đồng bào bảo tồn các buôn, làng cổ truyền, chú trọng phát triển nghề thủ công truyền thống. Bảo tồn và phục dựng các lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu của đồng bào và đưa vào khai thác phục vụ hoạt động du lịch.
Bốn là, phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với văn hóa. Xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp cho du khách dựa trên những giá trị về văn hóa, như phong tục tập quán, các di sản văn hóa phi vật thể cũng như thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên. Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù có thế mạnh riêng của tiềm năng du lịch Tây Nguyên tập trung vào các loại hình du lịch: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch khám phá cảnh quan, du lịch hội nghị hội thảo…, đẩy mạnh khai thác phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, khai thác phục hồi các nghề truyền thống để phục vụ du khách. Các tỉnh Tây Nguyên cần liên kết chặt chẽ để xây dựng các tour, tuyến du lịch văn hóa, lịch sử kết hợp với du lịch sinh thái để tạo thành những tour du lịch đặc thù, hấp dẫn cho mỗi địa phương và cả vùng Tây Nguyên. Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù phải gắn liền với bảo tồn các giá trị tự nhiên và đặt mục tiêu bảo tồn giá trị văn hóa di sản gắn với bảo vệ môi trường mới tạo dựng được thương hiệu du lịch phát triển bền vững.
Năm là, chú trọng xây dựng và phát triển bộ máy, đội ngũ nhân lực làm du lịch và văn hóa tại các địa phương, đặc biệt có cơ chế phù hợp khuyến khích các nghệ nhân tham gia các hoạt động du lịch văn hóa. Chú trọng công tác sử dụng và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Đào tạo các kỹ năng tối thiểu cho cư dân địa phương, cho đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia thị trường lao động du lịch. Đảm bảo sinh kế lâu dài cho họ và giúp họ phát triển trở thành những người làm chủ. Chú trọng thu hút nguồn lực từ hoạt động xã hội hóa phát triển du lịch để đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế từ các nguồn lực di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để phát triển các dịch vụ du lịch.
Sáu là, với đặc điểm đặc thù, phát triển du lịch Tây Nguyên phải có trọng tâm, trọng điểm, vừa đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhưng phải chú trọng nâng cao chất lượng nhằm tạo sức đột phát. Phát triển du lịch một cách bền vững trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo về môi trường, giữ vững ổn định trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, có tác động tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Một nội dung vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch Tây Nguyên là: khai thác tiềm năng, lợi thế di sản văn hóa để phát triển du lịch phải đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường du lịch vì sự phát triển bền vững cho Tây Nguyên: bảo vệ rừng, bảo vệ các khu danh thắng, cảnh quan thiên nhiên, các di sản văn hóa. Không vì mục đích lợi nhuận từ du lịch mà đánh đổi, phá vỡ môi trường sống, môi trường xã hội mang tính nhân văn độc đáo của núi rừng Tây Nguyên. Khai thác tiềm năng du lịch trên cơ sở đầu tư phát triển chiều sâu, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là rừng, đất đai, khoáng sản nhằm bảo vệ thật tốt môi trường sinh thái - vì sự bền vững cho Tây Nguyên để Tây Nguyên mãi mãi là lá phổi xanh của cả nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ VHTTDL - UBND tỉnh Đắk Nông (2016), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới khu vực Tây Nguyên, Đắk Nông, Tháng 10-2016.
2. Bộ VHTTDL (2018), Kỷ yếu Hội nghị giá trị Di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững, Hà Nội, Tháng 7-2018.
3. Bộ VHTTDL - UBND tỉnh Kon Tum (2018), Kỷ yếu Hội thảo phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường khu vực Tây Nguyên, Kon Tum, Tháng 4 - 2018.
4. Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, Đại học Kalinga-Apayao-Philippins (2015), Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Kinh tế và Văn hóa - Xã hội các dân tộc thiểu số trong bối cảnh Hội nhập ASEAN, Thái Nguyên, Tháng 5-2015.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022.