Nhà ba nón lá Ảnh: Quốc Khánh
Bây giờ, đến với Bạc Liêu, du khách có nhiều lựa chọn về địa điểm tham quan, du lịch cũng như nghỉ dưỡng như: Vườn chim Bạc Liêu, Tháp cổ Vĩnh Hưng, nhà công tử Bạc Liêu, vườn nhãn cổ, di tích đồng Nọc Nạng, Phước Đức cổ miếu và nhiều đình, chùa, đền thờ Bác Hồ được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia. Những địa danh đó có thể xem như là những thương hiệu, mời gọi và giữ chân du khách đến Bạc Liêu.
Bạc Liêu - với lợi thế là chiếc nôi của đờn ca tài tử, được UNESCO vinh danh càng tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo cho thu hút khách du lịch đến với Bạc Liêu. Chính vì thế mà Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã kết nạp Bạc Liêu vào nhóm các tỉnh có sản phẩm du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL trong chuỗi 4 địa phương Cần Thơ (du lịch miệt vườn sông nước, du lịch MICE), An Giang (du lịch tâm linh), Kiên Giang (du lịch sinh thái biển, đảo) và Cà Mau (du lịch sinh thái rừng ngập nước) và nay, Bạc Liêu là điểm đến thứ 5 - "điểm đến văn hóa”. Yếu tố này tạo điều kiện cho du lịch Bạc Liêu có những bước tiến khá nhanh. Hiện tại 13 tỉnh ĐBSCL có 21 sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng, thì trong đó Bạc Liêu đã có 6 sản phẩm, chiếm 35% và cũng là tỉnh có sản phẩm du lịch tiêu biểu nhất của vùng.
Ông Phạm Phước Như, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhận xét: "Bạc Liêu đã có bước phát triển trong lĩnh vực du lịch rất tốt, cách làm rất hay của Bạc Liêu là đã đưa Nghị quyết phát triển du lịch vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tôi rất ấn tượng với Bạc Liêu là đường phố rất sạch đẹp, thiện cảm với người dân, phóng khoáng, hiếu khách, tiểu thương thì không chèo kéo khách”. Bạc Liêu còn phát động phong trào "Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”. Đây là bước đi đúng hướng vì du lịch là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, do đó tính cộng đồng là rất cần thiết. Vì vậy, ngoài công tác tuyên truyền, các phường, xã, thị trấn phải thường xuyên vận động, xây dựng con người Bạc Liêu "hiếu khách, văn minh, lịch thiệp” nhằm tạo ấn tượng đẹp về cốt cách, tâm hồn của "tình người, tình đất phương Nam”.
Hiện nay, du khách đến Bạc Liêu ngày càng đông hơn, nhưng làm sao để giữ chân họ ở lại và sử dụng dịch vụ của Bạc Liêu mới là mục tiêu lâu dài và căn cơ nhất. Hiện tại, chỉ có 300.000/970.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Nhiều du khách khi đến Bạc Liêu đã cảm nhận sự tươi trẻ của du lịch Bạc Liêu như một làn gió mời gọi du khách, nhưng vẫn cần có thêm nhiều "chiêu” để níu chân khách du lịch trong và ngoài nước lưu trú, và làm sao để du khách tự nguyện tiêu xài một cách hào phóng, đó mới là "chìa khóa” của sự thành công.
Theo VIỆT SỬ (Đại Đoàn Kết)