Đờn ca tài tử - Món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam Bộ

29/11/2016 16:24

Theo dõi trên

Người dân Nam Bộ nhất là các tỉnh vùng hạ lưu sông Cửu Long luôn tự hào về tài sản tinh thần chung đó của mình. Với họ những âm điệu quê hương ấy đã chảy trong huyết quản của họ để thành “máu đờn ca”. Nghe ca, ai cũng có thể gật gù theo tiếng song loan gõ nhịp, thưởng thức cung bậc bổng trầm, cảm câu ca, chữ nhạc.

Đờn ca tài tử thể hiện tính cách phóng khoáng và nếp sống sông nước miệt vườn của con người Nam bộ, vì thế đã đi sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày hội, dịp vui của đồng bào.



không quá cầu kỳ trong việc thiết kế sân khấu, dàn dựng chương trình, chỉ cần vài người quây quần bên chung rượu, ly trà, không phân biệt già trẻ gái trai, cùng cây đàn ghi ta phím lõm, hay cây đàn nguyệt là có thể tạo thành một “tụ điểm” đờn ca tài tử “làm sâu lắng lòng người” - Ảnh: Cinet.gov.vn

 
Do đó, đờn ca tài tử có sức lan toả mạng mẽ không chỉ gói gọn trong một địa bàn, địa phương hay một vài tỉnh, thành phố mà có mặt hầu hết các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Đi đâu chúng ta cũng nghe đờn ca tài tử, đi đâu chúng ta cũng thấy những hoạt động sôi nổi của các câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử. Sức sống mãnh liệt, tầm ảnh hưởng văn hoá rộng, giá trị nghệ thuật độc đáo, không nhằm lẫn với bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác chính là lý do thuyết phục nhất để lựa chọn Đờn ca tài tử là một trong những di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hiện nay nhiều tỉnh, thành như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… Đã khai thác loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử là một sản phẩm du lịch độc đáo, nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của du khách trong và ngoài nước. Việc kết hợp du lịch sinh thái, nhà vườn, nghe đờn ca tài tử đã tạo nên một giá trị riêng.

Từ lâu, đờn ca tài tử Nam Bộ đã đi vào đời sống của người dân một cách rất hồn nhiên. Bởi không quá cầu kỳ trong việc thiết kế sân khấu, dàn dựng chương trình, chỉ cần vài người quây quần bên chung rượu, ly trà, không phân biệt già trẻ gái trai, cùng cây đàn ghi ta phím lõm, hay cây đàn nguyệt là có thể tạo thành một “tụ điểm” đờn ca tài tử “làm sâu lắng lòng người”. Ở không gian văn hóa mang đậm tính dân gian này, người hát, người đờn, người nghe hòa cùng một thể đã tạo nên những giá trị nghệ thuật sâu lắng.

Và đó cũng là dịp để mọi người có thể rèn dũa, chỉ bảo cho nhau những hiểu biết của mình, tự trau dồi những kỷ năng nghệ thuật. Chuyện đàn sai nốt, hát trật nhịp chưa bao giờ trở thành vấn đề quan trọng. Cái cốt là hát cho thoả lòng đam mê, hát để quên đi nổi vất vả của cuộc sống, có nhiều người đến chỉ để được nghe hát và được hát, tiếng mùi mẫn của tuổi già, hứng khởi của tuổi trẻ, có lúc trong sáng hồn nhiên vui vẻ cũng có lúc ai oán, nỉ non nghe não lòng.

Hôm nay, họ không chỉ tự hào vì đây là loại hình văn hóa phi vật thể đầu tiên của vùng đất được UNESCO vinh danh, mà còn có niềm tự hào riêng, vì ĐCTT là loại hình nghệ thuật duy nhất vừa có được sự sang trọng, công phu của thể loaị nhạc thính phòng, vừa có sức lan tỏa trên phạm vi rộng lớn nhất và ngay trong cuộc sống đương đại hôm nay, và nó vẫn là loại hình yêu thích của đông đảo công chúng.


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Đờn ca tài tử - Món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam Bộ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.