Ông Tống Hữu Lam, ngụ xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết phương tiện này là sáng kiến phù hợp với người dân miền Tây sông nước, đi 3-4 người vẫn vững. "Mình xuống phao, kéo sợi dây buộc 2 đầu qua lại chừng 1-2 phút là tới bên kia, rồi cắt cỏ xong thì bỏ xuống kéo về. Nó dễ hơn đi xuồng, xuồng bước xuống nghiêng tới nghiêng lui, còn bè thì không nghiêng, thuận tiện hơn xuồng và sử dụng bền do phao nổi phía dưới là phuy nên bền hơn cây, ván" - ông Lam chia sẻ.
Tùy theo nhu cầu của người sử dụng là vận chuyển người hay hàng hóa, nhiều hay ít mà chế tạo ra những phao nổi lớn nhỏ khác nhau. Cụ thể, một chiếc phao chiều ngang khoảng 1,3 m, chiều dài 2 m thì có thể chở khoảng 6-7 người. Số tiền để làm phao cũng tương đối rẻ, khoảng 2,5 triệu đồng. Ở các vùng quê, nhiều người cùng nhau góp tiền, góp sức để chế tạo một cái phao sử dụng chung, rất tiết kiệm và mang đậm tình làng nghĩa xóm.
Việc chế tạo ra những chiếc phao nổi để vận chuyển người và hàng hóa qua lại kênh rạch là một cách làm phù hợp với địa hình đặc thù sông nước miền Tây. Hơn nữa, cách di chuyển "độc lạ" này chưa ghi nhận trường hợp tai nạn giao thông đường thủy nào đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, bà con vùng quê nghèo miền sông nước vẫn mong muốn có được một cây cầu vững chắc để qua lại an toàn hơn di chuyển trên sông, đặc biệt là vào những tháng mưa bão đang đến cận kề.