Độc đáo Lễ hội đền Độc Cước Sầm Sơn

14/03/2019 14:42

Theo dõi trên

“Lễ hội bánh chưng, bánh giầy” xưa (nay mang tên “Lễ hội đền Độc Cước Sầm Sơn”) mang đậm dấu ấn riêng về văn hóa tâm linh của vùng đất Sầm Sơn, đồng thời nhắc nhớ truyền thuyết Hoàng tử Lang Liêu sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy làm lễ vật dâng lên Vua Hùng.

Lễ hội này đóng góp rất có giá trị, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước nói chung trong suốt chiều dài lịch sử, và trong giai đoạn 990 năm kể từ khi Danh xưng Thanh Hóa xuất hiện.
 


Lễ hội đền Độc Cước Sầm Sơn. (Ảnh: Bùi Trang)

Đền Độc Cước Sầm Sơn nằm trên hòn Miết Cảnh (tên chữ). Dân địa phương gọi nôm là hòn Cổ Giải. Vì hòn này thuộc dãy núi Trường Lệ nhô ra biển giống như đầu con rùa biển (ba ba, con giải, hải quy...). Đền Độc Cước như một điểm nối giữa Đất - Trời - Biển thành một điểm hội tụ không gian thiêng liêng. Đền được khởi dựng từ thế kỷ thứ 2. Đến thời Lê Đại Hành và thời nhà Trần, ngôi đền được xây dựng khang trang hơn.

Thần Độc Cước là vị thần một chân (vị thần bán thân) là một nhân thần mang tính huyền thoại. Thần là một người khổng lồ. Truyện kể rằng: Vào một đêm mưa to gió lớn, sáng ngày dân làng lên hòn Cổ Giải và phát hiện một dấu chân in sâu vào phiến đá dài một trượng năm phân, rộng năm tấc. Thấy linh dị, dân bèn lập miếu thờ. Có thuyết nói: Thần họ Cao tên Sơn, tự là Độc Cước, là một vị Thiền sư đời Lý, các vị Thiền Tăng chỉ đứng một chân để giảng đạo rồi siêu hóa. Trong văn sớ cúng tế thần đều tâu: “Thần Sơn tiêu Độc Cước tối linh”. Có thuyết cho rằng: khởi phát, thần Độc Cước thờ chàng trai tự xẻ đôi mình, nửa xung trận ngoài khơi, nửa trấn giữ đất liền dẹp tan quỷ biển, bảo vệ dân lành; còn Sơn tiêu Độc Cước là do người đời sau thêm vào.

Từ xa xưa đền Độc Cước nổi tiếng linh ứng, có nhiều quyền uy, pháp tắc, chế trị được mọi tà ma, ác quỷ làm hại đến đời sống dân lành, nên không những người địa phương mà nhân dân khắp cả nước đã đến tế lễ, cầu may ngày một đông. Người địa phương trước khi đi biển, hay khi gặp nguy hiểm họ thường khấn thần phù trợ. Thuyền chiến của các triều Lý - Trần - Lê mở các cuộc hành binh dẹp loạn phía Nam qua đây, đều đem lễ vật dâng lên đền. Thần Độc Cước thành Thành hoàng của cả vùng Sầm Sơn. Đền Độc Cước là đền Thượng. Đền thờ ở các làng như: Hoàng Minh Tự của làng Núi; đền Đề Lĩnh, làng Lương Trung; đền làng Trấp, làng Hới đều là đền Hạ. Các làng tổ chức lễ hội, giỗ Thần Hoàng, ngay cả tế họ đều phải sắp lễ lên cúng tại đền Thượng, sau đó mới tiến hành tế lễ tại đền làng mình rồi mới tế họ tại nhà tổ họ của mình.

Thần Độc Cước gắn liền với biểu tượng: Thần Biển, Thần Mặt Trăng (nước triều lên xuống, sự tròn - khuyết) và gắn với các lễ tục: rước nước, cầu mưa, cầu mùa, cầu ngư của cư dân ven biển, ven sông... Đền Độc Cước có nhiều nghi thức tế lễ trong năm. Những lễ tế thường xuyên được gọi là tiểu tế, như lễ kỳ nhật, tế mở cửa đền, tế tết Đoan Ngọ, tế cơm mới..., lễ vật chủ yếu là xôi, gà... Đại tế trong năm có: Tế chàm lợn, tế chàm trâu, tế bốc thăm, tế cầu cát, tế xám tạ, tế cầu mùa, tế kỳ phúc, tế cầu mưa... Trong các đại tế trên, lễ vật chủ yếu: mâm xôi, thủ lợn, riêng tế chàm trâu phải có đầu và đuôi trâu.

Đáng chú ý nhất và còn truyền cho đến nay là Kỳ tế cầu mưa (tên chữ là Đảo Vũ) là kỳ lễ tế của cả vùng Sầm Sơn. Lễ vật chủ yếu là bánh chưng, bánh giầy... Đại tế này đã trở thành lễ hội lớn trong năm của cả vùng Sầm Sơn. Lễ vật chủ yếu: bánh chưng, bánh giầy. Nhân dân trong vùng gọi nôm na lễ hội theo lễ vật là “Lễ hội bánh chưng - bánh giầy”. Thực ra lễ hội từ khi được phục dựng lại 1992 với mục đích, nội dung biên độ được mở rộng: Không chỉ “cầu mưa” mà còn cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nghề cá bình an bội thu... Bởi vậy, tên gọi khái quát hơn: “Lễ hội đền Độc Cước Sầm Sơn” với lễ vật chủ yếu là bánh chưng, bánh giầy. Khác lạ với rất nhiều lễ hội vùng xứ Bắc (diễn ra vào mùa xuân, tháng Giêng, hay thời gian sau tết), Lễ hội đền Độc Cước lại được tổ chức vào ngày 12 tháng 5 âm lịch, giữa mùa hè nắng gắt. Như trên đã nói, đây là cái lễ tết “Đảo Vũ” - Cầu Mưa.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, lễ tế Đảo Vũ chỉ được tổ chức vào những năm nắng gắt kéo dài, gây nên hạn hán, đồng ruộng không có nước để cày cấy, gieo trồng. Hàng tổng sắc lệnh cho các làng, xã trong vùng bị hạn nặng tổ chức lễ tế thần linh trời - đất để cầu mưa. Người xưa chọn một cồn đất cao, rộng rãi, đóng rạp, lập hương án làm nơi tế lễ. Vào ngày 12 tháng 5 âm lịch, các làng rước thần làng mình cùng một kiệu bánh chưng, bánh giầy đi tham gia lễ tế. Lễ tế xong, các quan viên trong tổng chấm bánh (khảo bánh, khám bánh), xếp giải và phần thưởng là chính bằng bánh chưng, bánh giầy mình đem đi tế. Sau hòa bình, 1954 cải cách ruộng đất, dân có ruộng cày. Gặp năm hạn hán nhân dân các làng trong tổng tổ chức tế lễ đúng ngày 12/5 âm lịch tại Cồn Gác (dân không nhớ xã nào); vùng Sầm Sơn có làng Núi, làng Lương Trung, làng Trấp, làng Hới tham gia. Đây là lễ tế cuối cùng trong vùng.

Đến năm 1992, phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao - Y tế (nay là phòng VHTT) lập tờ trình, xây dựng kịch bản xin được phục hồi lễ hội độc đáo mang tính nhân văn, xã hội cao; đồng thời thêm phong phú sản phẩm du lịch phục vụ du khách tham quan. Đề nghị này đã được Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn) ủng hộ phê duyệt cho thực hiện.

Lễ hội diễn ra, nhân dân các làng: Núi, Lương Trung, Cá Lập, Hới, Triều, Lộc Trung với hàng vạn người náo nức tham gia tế lễ và thi bánh chưng, bánh giầy tại đền thượng Độc Cước. Kể từ 1992, lễ hội được diễn ra hàng năm, thành lễ hội truyền thống đền Độc Cước Sầm Sơn trên phạm vi toàn vùng, với thời gian 3 ngày.

Ngày 11 tháng 5 (âm lịch), tại đền Độc Cước và tất cả các di tích đền hạ đều có kiệu và được chuẩn bị tươm tất tế lễ, dân làng tập trung về các di tích nấu bánh chưng, hông xôi, giã bánh giầy. Những làng lớn đông hội viên: làng Núi, làng Lương Trung, đình chùa Bắc Sơn, làng Triều, làng Trấp, Lộc Trung làm hàng ngàn bánh giầy. Không khí ngày hội tràn ngập trong từng ngõ xóm ngôi nhà. Ngày 12/5 âm lịch là Chính hội. Từ 5h sáng, toàn vùng Sầm Sơn như rung chuyển, trên khắp các ngả đường là nhạc rước của các làng nối nhau rước kiệu Thần Làng, kiệu bánh chưng bánh giầy, kiệu Sơn Trang... Những đoàn người vác chấp sự, vác cờ hội đi rợp trời, quần áo muôn màu nghìn sắc tiến về sân đền thượng Độc Cước, hàng vạn người đều hòa chung vào một không khí tôn nghiêm thành kính. Không ai, hoặc một hội “bá đạo” nào có thể mê dụ vẽ trò cướp lộc thô thiển ở lễ hội đầy tính nhân văn này. Kiệu thần của các làng được sắp xếp theo ngôi thứ thần sắc của các vị thần. Lễ vật được dâng lên bàn lễ trước hương án. Sau khi các đại biểu, đại diện các làng lên dâng hương thì dàn trống đồng gồm 20 chiếc cùng dàn trống hội và tất cả ban nhạc rước các làng tấu chung bản nhạc hội. Ban tế tôn ti của các làng lần lượt vào tế. Tiếp đến diễn ra thi cờ tướng, đan lưới và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian. Lễ hội được diễn ra đến khi ban tế cuối cùng thì báo kết quả trao giải để các làng rước thần về tiếp tục tế lễ cho đến hết ngày hôm sau, tức 13 tháng 5 âm lịch.

Ngày 13 tháng 5 âm lịch, tại đền Độc Cước tế ra đám và lễ xếp kiệu, xếp hương án, phát lộc cho các thành viên, ban ngành trong thành phố bằng bánh chưng, bánh giầy. Tại các di tích trong vùng tham gia lễ hội lần lượt tế ra đám và phát lộc cho các thành viên trong làng bằng bánh chưng, bánh giầy, người trong làng ai cũng có lộc. Âm hưởng lễ hội kéo dài hàng tuần trong các khu dân cư chưa dứt.

Đây là một lễ hội phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước kết hợp với cư dân đánh cá ven sông, ven biển. Tại Sầm Sơn hầu hết là cư dân “bán nông, bán ngư”, nên lễ hội đền Độc Cước độc đáo cả về thời gian và lễ vật. Từ xa xưa các vị tiền nhân đã đặt ra lệ khảo bánh (chấm bánh) nhằm rèn luyện kĩ năng, sự khéo léo, tinh nhạy trong lao động chế biến thức ăn bằng hạt gạo, hạt nếp. Từ kĩ năng giã bằng tay, năm 2011 Đình Chùa Lương Trung đã làm thí điểm được chiếc bánh giầy nặng 800 kg. Đến năm 2018, làng Lương Trung đã làm hoàn toàn bằng tay được chiếc bánh giầy nặng 3.700 kg. Dự kiến 2019 sẽ làm chiếc bánh giầy 4.800 kg hoàn toàn bằng sự đóng góp của nhân dân.

Bánh chưng, bánh giầy là một loại lương thực dự trữ, phù hợp, tiện lợi cho ngư dân đi xa trên biển nhiều ngày, và là lễ vật duy nhất của lễ tế trời đất, thần linh. Bánh chưng, bánh giầy là biểu trưng cho trời - đất. Lễ tế này có tính nhân văn cao, biểu hiện ân nghĩa của người dân đối với trời - đất, thần linh đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, bình an, cuộc sống ấm no. Cũng là ngày dân cư các làng quần tụ, gắn bó lại với nhau để tạo thêm sức mạnh cùng chung một vị thần, chung một tâm tưởng trên một dải đất.

 
Hải Minh - Ngọc Diệp
Theo vanhoadoisong.vn

Bạn đang đọc bài viết "Độc đáo Lễ hội đền Độc Cước Sầm Sơn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.