Hương án đá hoa sen chùa Khám Lạng là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ thể hiện nghệ thuật chạm khắc trên đá độc đáo của các nghệ nhân dân gian. Hương án được tạo từ nhiều khối đá xanh ghép lại thành một khối lớn hình chữ nhật kích thước dài 3,12m, rộng 1,4m, cao 1,2m được chia ra thành ba phần chính: mặt hương án, hương án, và chân đế hương án.
Mặt hương án đá gồm các phiến đá ghép lại tạo nên mặt bệ hình chữ nhật. Trên đỉnh mặt bệ đá không chạm khắc hoa văn mà chủ yếu tập trung đề tài chạm khắc hoa văn ở bốn phía xung quanh mặt hương án đá. Ở bốn mặt bệ đá có tạc ba tầng cánh sen lớn xếp đan chéo lên nhau, mặt phía trước mỗi lớp gồm 16 cánh sen. Trong các cánh sen có chạm các móc mây, ở phần mu cánh sen có chạm các chấm tròn tạo các hạt cườm nổi khối xếp thành hình chữ thập.
Ở phần giữa thân hương án, hai mặt chính trước sau có 6 ô hình chữ nhật, tạc 6 con rồng. Ở giữa hai mặt bên đầu hồi tạc mỗi đầu một con rồng. Cạnh lại có một ô nhỏ hơn tạc hình hoa cúc dây. Rồng chạm ở hương án đá là loại rồng yên ngựa, đầu rồng có bờm lửa. Các con rồng trong tư thế bay thoải mái.
Ở một ô vuông trên thân bệ thuộc mặt góc bên phải có khắc dòng chữ Hán: “Thuận Thiên ngũ niên-Nhâm Tý niên- Khám xã, Hạ phẩm, Lưu Khụ, thê Đỗ Xú”. Nghĩa là năm Nhâm Tý, niên hiệu Thuận Thiên thứ năm (đời vua Lê Thái Tổ năm 1432). Ông Lưu Khụ vợ là Đỗ Xú, hàng Hạ phẩm ở xã Khám Lạng. Qua dòng chữ này, đã xác định được chiếc hương án đá chùa Khám Lạng được tạo lập vào năm 1432. Đế hương án gồm 5 phiến đá lớn hình chữ nhật ghép liền với nhau thành một khối thống nhất tạo thành bệ. Trên mặt đá chạm nổi hình mây tản.
Nghệ thuật chạm khắc họa tiết hoa văn trên hương án đá chùa Khám Lạng từ hình rồng, cánh sen, hoa cúc, hoa văn sóng nước...đều kế thừa phát huy giá trị tinh hoa theo mô tuýp hoa văn của thời Lý - Trần. Hình tượng con rồng cũng phần nào mang phong cách rồng thời Lý - Trần ở phần đầu, thân và chân. Con rồng có đầu dạng rồng mào lửa. Thân rồng khắc vảy.
Đặc biệt con rồng ở đây có thân duỗi ra ở phần giữa giống như hình yên ngựa. Trước đây các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng rồng yên ngựa chỉ có ở thời Lê Mạc (thế kỷ XVI) nhưng việc phát hiện ra những con rồng chạm ở hương án đá chùa Khám Lạng cho thấy con rồng yên ngựa có niên đại sớm hơn và hiện nay chỉ tìm thấy ở chùa Khám Lạng, huyện Lục Nam.
Hương án hoa sen chùa Khám Lạng là hiện vật gốc độc bản chưa có ở nơi khác trong tỉnh Bắc Giang và hiếm thấy ở Việt Nam. Ngoài yếu tố tạo hình mỹ thuật các đề tài chạm khắc trên hương án đá chùa Khám Lạng còn chứa đựng nhiều thông điệp lịch sử. Chạm khắc hình hoa sen, hoa cúc mang biểu trưng sức mạnh hùng trí của nhà Phật, các đề tài hình rồng mang biểu trưng của vương quyền, các hình văn hình sóng nước mang biểu trưng của văn hóa sông nước văn hóa miền biển.
Qua đó có thể thấy sự dung hòa giao thoa văn hóa vùng miền và khẳng định sự vững mạnh trường tồn của Phật giáo và Nho giáo ở giai đoạn này. Thông điệp lịch sử từ hương án đá chùa Khám Lạng cho thấy sức mạnh của một dân tộc ngoài việc giành độc lập chủ quyền, nhân dân ta còn không ngừng lao động sáng tạo và khẳng định sức sống trường tồn của nền văn hóa dân tộc dù có chiến tranh tàn phá thì sức mạnh truyền thống ấy không bao giờ mất.
Với giá trị lịch sử văn hóa, giá trị mỹ thuật và tính độc đáo quý hiếm, hương án đá hoa sen chùa Khám Lạng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.