Độc đáo điệu múa Sênh Tiền của đồng bào Mông ở Tuyên Quang

23/08/2017 14:13

Theo dõi trên

Đi cùng với cuộc sống tất bật hàng ngày, Dân ca, dân vũ của người Mông là những bài hát, điệu múa do đồng bào dân tộc Mông sáng tác gắn với cuộc sống lao động sản xuất hàng ngày và đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông.

Để tạo nên những âm thanh, điệu múa đó không thế không nhắc đến kèm, trống và đặc biệt hơn nữa là cây gậy Sênh Tiền. Nét đẹp của gậy Sênh tiền là sự kết hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa các động tác nhảy múa và sự độc đáo của gậy.
 
 
Những thiếu nữ người Mông bên cây gậy Sênh Tiền
 
Một trong những điệu dân vũ được người Mông yêu thích, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con dân tộc và được lưu giữ đến ngày nay đó là điệu múa múa sênh tiền của người Mông ở thôn Khuẩy Khít xã Kiến Thiết huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang. Khi múa, người chơi cầm cây tiền vừa múa vừa di chuyển với các động tác khéo léo để cây gậy chạm nhẹ vào cơ thể như tay, chân, vai, bàn chân để cho các đồng xu tạo ra thứ âm thanh vui nhộn mà uyển chuyển. Múa Sênh tiền thường có các cặp trai gái chẵn hoặc lẻ, biểu diễn các động tác lên xuống, xoay người nhịp nhàng, khéo léo kết hợp với  bộ quần ào rực rỡ sắc màu.
 
Điệu múa Sênh Tiền được người Mông biểu diễn chủ yếu vào các ngày lễ, ngày hội văn hóa dân tộc... đặc biệt là lễ hội Gầu Tào (hay còn gọi là tết của người Mông). Đây cũng chính là dịp để các chàng trai, cô gái người Mông phô diễn những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình. Và cũng là nơi để trai gái người Mông tìm hiểu nhau qua các điệu nhảy.
 
 
Điệu múa kết hợp tay chân để tạo ra những âm thanh sống động
 
Cũng theo ông Sùng Seo Mần, thôn Khuẩy Khít xã Kiến Thiết huyện Yên Sơn, Tuyên Quang kể lại: “Trong các lễ hội từ xa xưa, đồng bào dân tộc Mông có nhiều loại đạo cụ khác nhau như là trống, kèn tạo nên âm nhạc để nhảy múa trong các dịp lễ hội đầu Xuân. Sau này mới dần sáng chế ra cây gậy sênh tiền này để múa kèm theo với các đạo cụ âm thanh kia, và để làm ra 1 cấy gậy sênh tiền cũng rất kỳ công, phải chọn một loại trúc dài khoảng 1m, có đường kính 5 đến 7cm, rồi tiếp tục chia thành 4 khấu, trong đó có 3 khấu được đục lỗ ở giữa để sâu đồng xu, khấu còn lại để người biểu diễn cầm. Ở hai đầu chiếc gậy được buộc một túm chỉ với các màu xanh, đỏ, tím, vàng giúp cho trang trí cây gậy đẹp hơn. 2 chùm dây này chính là điểm nhấn để tạo sự mềm mại và uyển chuyển cho người múa”.
 
Theo thời gian cùng với sự giao lưu và phát triển của văn hóa ngày nay điệu múa Sênh Tiền đã được biểu diễn trong các lễ hội  đầu  xuân hay những hội diễn văn hóa văn nghệ. Những yếu  tố này phối hợp và hòa trộn với nhau đã tạo ra một điệu múa độc đáo riêng có của dân tộc Mông. Ngoài việc lưu truyền những cây gậy sênh tiền, đồng bào người Mông nơi đây cũng đang cố gắng gìn gữi, bảo tồn và truyền dạy lại cho các thế hệ sau. Cùng với 22 dân tộc tỉnh Tuyên Quang gậy Sênh tiền được xem như 1 báu vật văn hóa, của đồng bào Mông nói riêng, cũng như nét độc đáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói chung.
 
Đức Vinh

Bạn đang đọc bài viết "Độc đáo điệu múa Sênh Tiền của đồng bào Mông ở Tuyên Quang" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.