Dinh Cậu - Chỗ dựa tinh thần ngư dân biển Phú Quốc (Kỳ I)

06/11/2021 11:58

Theo dõi trên

Suốt hơn 300 tồn tại, Dinh Cậu ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí thú vị được ngư dân lưu truyền đến tận ngày nay. Do "tam sao thất bổn" nhiều lần và suốt hàng thế kỷ qua, những câu chuyện về Dinh Cậu không còn nguyên mẫu như xưa nữa.

Dinh Cậu tọa lạc cạnh ngọn hải đăng Phú Quốc ở khu phố 2, thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) là một trong những địa chỉ lý tưởng để trú bão đối với ngư phủ biển cả khu vực Nam Thái Bình Dương. Trước thế kỷ 17, nơi đây chưa có ngọn hải đăng, tàu bè trong khu vực đã xem Dinh Cậu là điểm "thị tiêu" để xác định tọa độ.

01-1636169755.JPG
Dinh Cậu nhìn từ xa

Chuyện xưa kể rằng, ngư phủ đi biển gặp bão chỉ cần chạy tàu vào cửa biển Dương Đông trú ẩn sẽ thoát nạn. Rất nhiều lần người ta đứng tại cửa Dương Đông chứng kiến cuồng phong thịnh nộ quật tan nát những chiếc tàu bên ngoài cửa biển, trong khi những chiếc tàu neo đậu trong cửa biển vẫn bình yên vô sự. Từ hiện tượng đó, người ta tin rằng có đấng thiêng liêng ngự trị nơi cửa biển nên cuồng phong không dám mon men gần bờ. Người ta lại chứng kiến nhiều lần, những chiếc tàu gặp nạn ở tít khơi xa được một ngọn sóng lớn nâng lên cao rồi đẩy vào tận bờ cửa Dương Đông một cách an toàn.

Ngư phủ gọi đó là “sóng Long Vương”. Theo mô tả của những ngư phủ kỳ cựu, "sóng Long Vương" có hình thù như con rồng nên họ tin rằng, đó là hiện thân của Long Vương cứu người gặp nạn trên biển. Vì vậy, họ lập ngôi miếu thờ Long Vương trên mỏm đá ven bờ Dương Đông để tri ân cứu mạng.

Thuở ban đầu, miếu được cất bằng vật liệu thô sơ trên đỉnh một hòn đá lớn nhất trong quần thể các hòn đá nơi cửa Dương Đông được gọi là hòn Qui vì có hình thù giống đầu một con rùa. Quần thể đá này nằm chơi vơi nơi mép nước. Hòn lớn nhất cao khoảng 30 mét so với mặt nước biển. Cạnh hòn Qui còn có một số mỏm đá vôi lớn mang hình thù kỳ dị mà người ta liên tưởng đó là bầy cá sấu.

Trước mỗi chuyến ra khơi xa, ngư phủ đều ghé tàu vào miếu cúng lễ cầu an, khấn xin Long Vương phù trợ chuyến biển an toàn.

Nhiều bậc kỳ lão được sinh ra trên đảo khẳng định rằng, hồi đầu thế kỷ 20 bỗng có một người đàn ông lạ xuất hiện tại ngôi miếu Long Vương. Lúc đầu, ông ta tá túc trong ngôi miếu Long Vương, tự làm các công việc quét dọn, nhang đèn. Ông tịnh khẩu, không nói chuyện mà chỉ ra dấu nên không ai biết quê quán, gốc gác ở đâu. Mọi người chỉ đoán ông là người từ đất liền ra đảo tìm chốn tu hành.

02-1636169867.JPG
Thạch sơn động - Nơi ông Cậu ẩn tu

Một thời gian sau, ông ta không ở trong miếu Long Vương nữa mà chui xuống hang dưới lòng hòn đá lớn qui ẩn. Ông dùng đá tự lấp cửa hang. Nhiều người lo ông chết đói đã đem cơm chay đến đặt trước cửa hang nhưng đến ngày sau vẫn thấy còn nguyên.

Ông ta ẩn tu suốt 2 năm liền như thế.

Một ngày nọ, người ta thấy ông ra khỏi hang, trở lên miếu Long Vương tiếp tục công việc của một thủ từ. Lần xuất hiện này, ông chịu mở miệng nói nhưng rất kiệm lời. Mỗi khi mở miệng, ông thường tiên tri hậu vận cho những người đến miếu Long Vương lễ bái. Vào những ngày 15, 16 tháng 10 âm lịch hàng tháng, ông ta tự ngồi giá, lên đồng để phát lộc cho các ngư phủ đến cúng.

Đến những ngày 15, 16 tháng 10 âm lịch hàng năm ông tổ chức lễ cúng Long Vương. Trong buổi cúng, ông cũng lên đồng ban phát bùa cầu an, phát tài. Từ đó, dân quanh vùng gọi ông là "Cậu".

Nhiều ngươi dân trên đảo đánh trúng luồng cá trở nên giàu có đã tin rằng nhờ lộc của ông Cậu cho. Họ bỏ tiền ra trùng tu và xây lớn ngôi miếu Long Vương.

Cái tên "Dinh Cậu" bắt đầu xuất hiện từ đó.

Khoảng năm 1940, một toán lính Pháp trên đảo bất thần ập vào ngôi miếu Long Vương bắt ông Cậu đưa đi. Từ đó không ai trông thấy ông Cậu nữa. Có người cho rằng, sau đó, lính Pháp có thả ông Cậu ra. Là "người trời" lại bị lính Pháp bắt, ông Cậu giận dỗi bỏ dương trần trở về trời trú ngụ. Thế là một số người đến miếu không cầu khấn Long Vương phò trì nữa mà chỉ cầu khấn ông Cậu.

03-1636169975.JPG
Ngai Vua ở mũi Ông Đội chỉ là 1 tảng đá có hình dáng giống ghế bành

Dần dà, người ta quên hẳn nơi đó từng là ngôi miếu Long Vương.

Sau khi trùng tu những người đời sau khắc hẳn lên cửa miếu hàng chữ "Dinh Cậu". Đó là nguyên nhân dẫn đến ngộ nhận về vị linh thần trấn ngôi miếu.

Ngày nay, nơi đó không chỉ mỗi Dinh Cậu (tức miếu Long Vương) là kiến trúc duy nhất. Hang đá mà ông Cậu qui ẩn, tịnh tu được gọi là "thạch sơn động". Chiếc cổng dưới chân hòn đá lớn có tấm biển ghi "Dinh Cậu". Ven cổng lên núi là một ngôi miếu Thổ thần; Đường lên miếu gồm 29 bậc đá; Bên ngoài ngôi miếu thờ Long Vương là bàn thờ "thông thiên". Bên trong ngôi miếu thờ không phải là tượng cốt Long Vương, không phải tượng cốt ông Cậu mà là 3 nhân vật thuộc về tín ngưỡng… Chăm tức Bà Chúa Ngọc cùng 2 cậu con trai là Cậu Tài, Cậu Quí.

Hiện nay, nhiều giai thoại huyễn hoặc liên quan đến Dinh Cậu được du khách lưu truyền rộng rãi từ Nam chí Bắc. Hầu hết những giai thoại "hiện đại" ấy đều xuất phát từ việc thờ sai đối tượng trong miếu Long Vương. Giai thoại hiện đại này cho rằng, linh thần Dinh Cậu là "cậu Tài, cậu Quí".

04-1636170106.JPG
Giếng Ngự

Theo tín ngưỡng dân gian, Cậu Tài, Cậu Quí rất mê cờ bạc, đá gà. Chính vì nghĩ Dinh Cậu thờ "cậu Tài, cậu Quí" nên rất nhiều "hảo hán cờ bạc" từ Nam chí Bắc đã đua nhau về đây cúng kiến, cầu mong được độ trì thắng độ, ăn bạc. Trong số đó có rất nhiều gương mặt cộm cán trong giới giang hồ như Năm C, D "hà", O "hà", H "sự", M "xăng", Ch "lò thiêu"… từng đến cúng kiến 2 Cậu ít nhất 1 lần. Nhiều đại gia đầu tư sòng bạc ở tuyến giáp biên Cam - Việt cũng lò mò đến cúng bái, vái lạy sì sụp vào các ngày rằm. Hiện tượng lên đồng cho số đề, cá cược bóng đá cũng âm ỉ, ngấm ngầm xảy ra ở Dinh Cậu.

Một nét tín ngưỡng cầu an của ngư dân đã bị ô uế.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Dinh Cậu - Chỗ dựa tinh thần ngư dân biển Phú Quốc (Kỳ I)" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.