Di tích Đình Bình Đức vừa được sửa chữa, nâng nền.
Theo ghi chép, vào năm 1818, khi thành lập thôn Bình Đức, miếu Bình Đức chỉ là một ngôi miếu nhỏ nằm ở tả ngạn sông Đông Xuyên, cách ngôi đình hiện nay khoảng 500m. Đến năm 1832, vua Minh Mạng đổi các trấn thành tỉnh và lúc này Nam Kỳ cũng đổi thành Gia Định. Theo đó, An Giang trở thành tỉnh riêng, gồm 2 phủ: Tuy Biên, Tân Thành và 4 huyện: Tây Xuyên, Phong Phú, Đông Xuyên, Vĩnh An. Lúc bấy giờ, thôn Bình Đức thuộc tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên. Với lòng thành kính và tôn sùng của mình, Nhân dân chung tay sửa miếu thành đình và gọi tên là đình Bình Đức cho đến ngày hôm nay.
Theo anh Võ Huỳnh Ngọc Phong, Ban Tế tự đình Bình Đức, ngôi đình có diện tích 761m2, trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, song kiến trúc tổng thể vẫn không thay đổi. Đình xây dựng theo lối kiến trúc chữ Công, đây là kiểu kiến trúc mang dấu ấn thời nhà Nguyễn. Bao bọc xung quanh khuôn viên là hàng rào, bên trong rộng và thoáng đãng, không khí trong lành. Kết cấu đình gồm 3 bộ nóc cổ lầu, mái tam cấp lợp ngói đại tiểu. Bờ nóc chính điện trang trí điện Ngọc Hoàng và lưỡng long. Nóc vỏ ca trang trí tượng Bát tiên, Song phụng. Các đầu kỳ góc mái gắn tượng cá hóa long, nhật – nguyệt… Tất cả cùng tạo cho ngoại thất đình Bình Đức nét đẹp tráng lệ, cổ kính của một ngôi đình xưa.
Đây là cách tạo cho các em lòng yêu nước, quý trọng bậc tiền nhân.
Nội thất đình chia làm 9 gian tạo nên không gian rộng, thông thoáng. Các bàn thờ được sắp xếp theo thứ bậc chức sắc thời phong kiến. Trong cùng là chánh điện, đặt ngôi thờ thần, bệ thờ được xây nơi cao ráo, uy nghiêm, khánh thờ bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo thể hiện các đề tài: Bát tiên, mai – lan – cúc – trúc, tùng lộc… được sơn son thếp vàng rực rỡ, càng làm tăng nét uy nghiêm của ngôi đình. Hai bên vách trong chính điện là hương án thờ Tả ban và Hữu ban. Giữa chính điện là bàn Hội đồng thờ Nguyễn Hữu Cảnh – vị công thần có nhiều công lao trong việc mở mang vùng đất phương Nam. Phía trước vỏ ca là bàn thờ Hồ Chủ tịch, bên trên là bảng danh sách 18 vị vua Hùng. Trong đình, còn có các bộ lam thành vọng, hoành phi, liễn đối được chạm lộng, chạm nổi nhiều chủ đề truyền thống mang giá trị nghệ thuật cao, đình còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật, như: Tranh sơn thủy, thơ vịnh… được vẽ từ thời kỳ đầu xây dựng đình.
Đình Bình Đức được vua Tự Đức ban sắc phong Chánh thần Nguyễn Hữu Cảnh từ năm 1852. Ngày 18-2-2000, UBND tỉnh An Giang xếp hạng đình Bình Đức là Di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 283/QĐ/UB. Đình Bình Đức có 2 lễ chính trong năm là Đại lễ Kỳ yên (vào ngày 14,15,16 tháng 5 âm lịch) và Lễ Lập miếu ( 14,15 tháng Chạp). Vào những ngày này, người dân đến lễ bái đông đúc, không khí nhộn nhịp. “Trong đình có bàn thờ mẹ Việt Nam Anh hùng cùng các liệt sĩ, nên đến ngày 27-7 hàng năm, đều tổ chức lễ giỗ mời cha mẹ, anh chị của các liệt sĩ đến dự” - anh Phong chia sẻ. Bên cạnh đó, các học sinh trên địa bàn phường cũng thường xuyên lui tới đốt nhang, quét dọn vệ sinh ở đình như một hoạt động ngoài giờ. Đây là những hoạt động rất ý nghĩa để con cháu thời nay tưởng nhớ công lao của những người đi trước.
Vừa qua, sau thời gian vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và ngoài TP. Long Xuyên, Ban Tế tự và Ban Quản lý Di tích kiến trúc-nghệ thuật đình Bình Đức đã tổ chức lễ hoàn công sửa chữa nâng nền ngôi đình, với kinh phí trên 1,1 tỷ đồng từ nguồn đóng góp.
Theo Báo An Giang