Diện mạo mới trên đất Tổ

22/04/2016 16:10

Theo dõi trên

Những ngày đầu tháng 3 âm lịch, chúng tôi có dịp trở lại Phú Thọ và tận mắt chứng kiến những đổi thay trên đất Tổ thiêng liêng. Nhiều nơi đường sá, trụ sở, trường học được xây mới khang trang, sạch đẹp, góp phần thay đổi diện mạo nhiều làng quê...

Coi trọng ý kiến người dân

Xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng là vùng trung du miền núi, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, coi trọng vai trò đóng góp của người dân nên xã đã đạt nhiều tiêu chí quan trọng. Ông Bùi Văn Vượng - Bí thư Đảng ủy xã Minh Tiến chia sẻ, xuất phát điểm Minh Tiến đã đạt 8 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Bởi trước đây khi chưa có chương trình xây dựng NTM thì địa phương cũng đã chủ động làm đường, xây trường, nhà văn hóa đồng bộ để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Phương châm hành động của xã là lấy người dân làm trung tâm, lấy quy chế dân chủ làm phương tiện, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu.




Chuyển dịch cơ cấu cây trồng là một trong những đột phá của Phú Thọ trong xây dựng NTM (trong ảnh, bà Hoàng Thị Lân ở thôn 7, xã Minh Tiến trồng hơn 3ha cây đinh lăng cho thu nhập 300 triệu đồng/năm). Ảnh: An Vũ

Ông Vượng cũng cho biết, để hoàn thành được các tiêu chí, một trong những yếu tố quan trọng chính là sự lan tỏa tới toàn dân để cùng chung sức xây dựng NTM, nghĩa là công trình nào gắn với lợi ích của người dân thì xã sẽ đưa ra họp bàn công khai. Dân thống nhất cao mới làm, cùng tổ chức thực hiện và giám sát thật hiệu quả. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở Minh Tiến đã đạt 22,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người lao động có việc làm đạt trên 90%; xã đã đạt 17/19 tiêu chí, 2 tiêu chí còn lại gần đạt là giao thông và thủy lợi.

Ông Nguyễn Hồng Lê - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Đoan Hùng đánh giá: “Huyện Đoan Hùng luôn coi phát triển nông nghiệp là thế mạnh. Hiện, giá trị sản phẩm đã đạt 85,5 triệu đồng/ha, tuy nhiên sản xuất nông nghiệp của địa phương cũng còn một số hạn chế. Đơn cử như vấn đề thủy lợi, hầu hết các xã đều gặp khó khăn bởi tỷ lệ cứng hóa thấp, hệ thống kênh tưới phục vụ sản xuất còn thiếu và chưa đảm bảo cung cấp đủ cho cây trồng một cách tốt nhất”.

Nông thôn đổi thay mạnh mẽ

Rời Đoan Hùng, chúng tôi xuôi về huyện Hạ Hòa. Dù là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, song sau 5 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở Hạ Hòa đã đổi thay rõ rệt. Theo báo cáo của địa phương, trong 5 năm qua, toàn huyện đã đầu tư gần 324 tỷ đồng để làm mới, nâng cấp, cải tạo cứng hóa được 189,7km đường giao thông; xây mới 8 cây cầu bê tông cốt thép; 354 cống thoát nước; 24 trạm biến áp, 117km đường dây điện; 208 phòng học; 12 công trình thủy lợi, với 11,86km kênh mương được cứng hóa...

Tỷ lệ cứng hóa đường trục xã, liên xã đã nâng lên đạt 64,2%; đường trục thôn xóm đạt 54,46%; đường ngõ xóm đạt 60,42%; đường trục chính nội đồng đạt 16,51%; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia... Bộ mặt nông thôn thực sự có nhiều khởi sắc.

Theo ông Ngô Ngọc Vinh - Bí thư Chi bộ khu 11 xã Hương Xạ cho biết: “Trước đây đường sá ở khu 11 đi lại rất khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp học xuống cấp, tỷ lệ hộ nghèo cao… thì đến nay hầu hết các công trình hạ tầng thiết yếu (điện, đường, trường, trạm) đều được đầu tư nâng cấp”. Cũng theo ông Vinh, đến nay huyện Hạ Hòa đã có 2 xã Gia Điền, Hiền Lương được công nhận là xã NTM. Đến năm 2020, huyện Hạ Hòa phấn đấu có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM.

(Theo Dân Việt)

AN VŨ
Bạn đang đọc bài viết "Diện mạo mới trên đất Tổ" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.