
Đầu tháng 5, nhiều nơi ở Quảng Ngãi, nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất 370C, thế nhưng với những diêm dân, trời càng nắng, họ càng phải tranh thủ dẫn nước vào ruộng làm muối.
Dân gian có câu “Dân nại dại lắm ai ơi/Trời mát vào ngồi, trời nắng ra phơi”, nhờ có cái nắng như “đổ lửa”, những hạt muối làm ra càng đẹp, càng trắng tinh khôi. Họ không ngại mệt nhọc, phơi lưng dưới nắng, đối mặt với hơi nóng từ mặt đất bốc lên, mồ hôi mặn chát để tranh thủ cào muối.
Đồng muối Sa Huỳnh có khoảng 106ha với hơn 500 hộ dân làm nghề, sản lượng muối Sa Huỳnh xuất bán ra thị trường từ 6.500-7.000 tấn/năm. Tuy nhiên, giá muối thường bấp bênh, có năm giá muối cao kỷ lục 4.000 đồng/kg, có năm chỉ 500 đồng/kg. Nhiều hộ dân đã đầu tư bạt, vệ sinh ao, nạo vét mương dẫn để nâng cao năng suất, chất lượng, hạt muối lớn và trắng hơn thì thương lái thu mua giá cao hơn.
Ông Ngô Tuấn (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) cho biết: “Nghề làm muối ở đây thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm. Nghề làm muối phụ thuộc chủ yếu thời tiết, trời càng nắng nóng thì hạt muối kết tinh nhanh và mẻ muối làm ra càng trắng, chất lượng”.
Hầu hết diêm dân làm việc vào buổi trưa, vì khi đó nước mặn hơn sẽ cho muối nhanh lên độ, cho đến khi độ mặn tăng dần lên từ 5g/l - 7g/l, và kết tinh thành hạt muối là 24 - 23g/l.
Ông Tuấn nói: “Nghề làm muối đòi hỏi các diêm dân sự cần cù, chịu khó cùng những kinh nghiệm sản xuất gắn với điều kiện tự nhiên của thời tiết”. Diêm dân không sợ trời nắng chỉ sợ chiều đổ mưa giông thì công sức làm một ngày “đổ sông đổ biển”.

Bước đầu, trên mỗi ruộng muối, người làm muối sẽ xử lý nền đất cho thật chặt, hạn chế tối đa nước biển thấm vào đất. Ruộng ban đầu cho nước biển vào người dân gọi là “ruộng phơi”, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, lượng nước trong nước biển từ từ bốc hơi.
Quá trình làm muối truyền thống bắt đầu từ việc dẫn nước biển vào các cánh đồng muối, sau đó nước được phơi dưới ánh nắng để bốc hơi, để lại những tinh thể muối lấp lánh trên mặt đất. Vì thế, người làm muối thường làm việc vất vả dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa, nhằm tạo ra những hạt muối tinh khiết.
Ông Nguyễn Phu (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) cho biết: “Hiện nay giá muối dao động từ 1.000 đến 1.100 đồng/kg. Cứ 2,3 ngày diêm dân thu hoạch một lần, mỗi ô ruộng muối cho khoảng 1 tạ muối (100kg) bán ra chỉ thu được 120.000 đồng. Dù vậy, người dân nơi đây vẫn cố gắng làm và giữ gìn nghề truyền thống”.

Ngày nay, nghề làm muối Sa Huỳnh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là nghề có truyền thống lâu đời (từ thế kỷ 19) nên người dân rất gắn bó và có nhiều kinh nghiệm sản xuất muối, với phương pháp thủ công truyền thống, thể hiện bản sắc địa phương, được cộng đồng diêm dân Sa Huỳnh trao truyền qua nhiều thế hệ.