Đền Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà, điểm du lịch tâm linh

22/10/2018 16:11

Theo dõi trên

Đến thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, một trong những điểm du lịch tâm linh du khách không thể bỏ qua đó là quần thể đền Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà, tọa lạc tại phường Yên Giang.

Bởi đây không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của cha ông ta chiến thắng quân xâm lược trên dòng sông huyền thoại Bạch Đằng.

 
Quần thể đền Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà nằm sát bên dòng sông Bạch Đằng huyền thoại

Đền Trần Hưng Đạo

Đền Trần Hưng Đạo tọa lạc trên doi đất bên bờ sông Bạch Đằng thuộc địa phận xã Yên Giang, huyện Yên Hưng (nay là phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên), tỉnh Quảng Ninh. Đền Trần Hưng Đạo là nơi thờ người anh hùng dân tộc với sự kiện chiến thắng Bạch Đằng vĩ đại năm 1288. Ngày nay đền Trần Hưng Đạo trở thành trung tâm Lễ hội Bạch Đằng (mồng 8 tháng Ba âm lịch hàng năm).

Theo sử sách còn ghi, sáng ngày 9/4/1288 (tức mồng 8 tháng Ba năm Mậu Tý), chính tại nơi đây, bên sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã lập nên chiến công chói ngời nhất trong lịch sử nước ta: tiêu diệt và bắt sống hơn 600 chiến thuyền; hơn 4 vạn quân tướng giặc, bắt sống Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, đập tan ý đồ xâm lược Đại Việt của quân Nguyên Mông. Ghi nhớ chiến công, tưởng nhớ người anh hùng Trần Hưng Đạo, dân làng An Hưng (Yên Giang ngày nay) lập đền thờ Ngài bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Lúc đầu, dân làng Yên Hưng lập đền thờ Ngài tại trung tâm làng - ở giữa cánh đồng Nghè, giáp với xã Hiệp Hòa ngày nay, gọi là nghè thờ Đức Thánh Trần.

Đầu thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn chia lại diện tích làng xã, đền thờ Ngài ở vào vị trí giáp ranh với xã bên, gây nên những băn khoăn về tâm linh, tín ngưỡng của dân làng. Mặt khác, do hiểu biết thêm về lịch sử, địa lí hơn xưa nên các bậc chức sắc trong làng đã bàn bạc thấu đáo, chọn doi đất ở Bến đò Rừng cổ - là nơi Hưng Đạo Đại Vương dựng lán trung quân chỉ huy trận đánh Bạch Đằng để xây dựng đền mới và đặt tên có ý nghĩa lịch sử riêng biệt là “Bạch Đằng linh tích” (có nghĩa là “Dấu thiêng Bạch Đằng”).

Đền thờ Trần Hưng Đạo có kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” (J), gồm ba gian tiền đường, hai gian bái đường và một gian hậu cung. Cổng đền có bốn trụ tạo thành ba lối đi rộng thay cho tam quan. Mỗi trụ có câu đối chữ Hán, có hoa văn, có đắp tượng long giao nghê chầu. Sân đền rộng có thể chứa hàng nghìn người mỗi dịp lễ hội. Hiện vật quý còn giữ lại trong đền là một số câu đối ca ngợi công lao to lớn của Trần Hưng Đạo đối với giang sơn đất Việt, một bộ kiệu bát cống được chạm trổ, điêu khắc tỉ mỉ và bốn đạo sắc của các vua triều Nguyễn phong cho các chủ nhân đền Trần Hưng Đạo.

Đền Trần Hưng Đạo không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của cha ông ta trên dòng sông huyền thoại Bạch Đằng.


 
Đền thờ Trần Hưng Đạo

Miếu Vua Bà

Miếu Vua Bà cũng thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Miếu được xây dựng từ thời Trần trên doi đất cổ, cạnh bến đò cũ ngày xưa và đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa. Đây là một trong số di tích nằm trong quần thể bãi cọc Bạch Đằng, đình Yên Giang, đền Trung Cốc và đình Trung Bản, những dấu ấn của chiến thắng Bạch Đằng lịch sử 1288.

Tương truyền rằng, trong chuyến đi thị sát địa hình chuẩn bị chiến trường, Trần Hưng Đạo qua bến đò gặp một cụ bà bán nước đã hỏi thăm vùng đất này. Bà cụ đã cung cấp cho Trần Hưng Đạo lịch triều con nước, địa thế dòng sông và còn bày cho chiến thuật hỏa công để đánh giặc. Sau khi thắng trận, Trần Hưng Đạo đã quay lại bến đò tìm bà cụ bán hàng nước thì không thấy nữa, ông đã xin vua Trần phong sắc cho bà là “Vua Bà” và lập đền thờ tại đây.

Hằng năm, lễ hội đền Trần Hưng Đạo cùng miếu Vua Bà diễn ra vào ngày 8/3 âm lịch. Đền Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) cấp bằng công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1989


Minh Nhật
Theo baodulich.net.vn

Bạn đang đọc bài viết "Đền Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà, điểm du lịch tâm linh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.