Vẻ đẹp kiến trúc xưa của cây cầu ngói đã có sức cuốn hút kỳ diệu khiến chúng tôi chăm chú khám phá đến từng chi tiết, tìm hiểu thông tin qua hỏi chuyện những người dân nơi đây về chiếc cầu này.
Nhìn tổng quan, cầu ngói Thanh Toàn dài 18,75 mét, rộng 5,82 mét và được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được nguyên bản gốc vốn có của nó. Mái cầu lợp bằng loại ngói đặc biệt, tráng men xanh, gọi là ngói lưu ly. Trên đầu vòm mái vuốt cong hình rồng cách điệu theo lối kiến trúc của các ngôi đình, chùa cổ Việt Nam.
Toàn cảnh cầu ngói Thanh Toàn.
Riêng, mặt tiền Cầu, nơi cổng vào được cẩn hoa văn rồng, phụng bằng những miếng gốm đủ màu sắc thật độc đáo. Và bên trên 2 cột cổng là cặp câu đối xưa bằng chữ Hán.
Phía dưới chân là những tấm ván cong làm bằng gỗ quí nhẵn thín bóng loáng màu thời gian, tuy đôi chỗ có những vết mục, nếu sơ ý bước nhanh, du khách có thể bị trượt ngã. Nhìn phía trên nóc cầu, càng ngạc nhiên hơn nữa với lối kiến trúc độc đáo của những nghệ nhân ngày xưa. Các vì kèo, cột, xà, trính... đều được chạm trổ tinh vi, khéo léo. Hai bên thành cầu là những sạp dài bằng gỗ sạch sẽ để khách lữ hành dừng lại nghỉ chân, và là nơi các trai gái trong làng hen hò, tâm sự.
Cầu ngói Thanh Toàn là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc được Nhà nước công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1990.
Qua lời kể của người dân địa phương cùng với tận mắt chứng kiến, chúng tôi được biết: Cầu được xây dựng từ năm 1776, kết cấu bằng gỗ, mái ngói (kiểu Thượng gia, Hạ kiều), gồm 7 gian. Phần gian giữa thờ bà Trần Thị Đạo (người làng Thanh Thủy Chánh, vợ của vị quan đầu triều Thủ phủ xứ Thuận Hóa) – người đã bỏ tiền của để xây dựng chiếc cầu này. Hai bên vách trang thờ còn lưu lại những bài thơ khắc trên gỗ (bằng chữ Hán lẫn chữ Việt) ca ngợi công đức của bà đối với dân làng.
Cùng với thăm và chiêm ngưỡng cầu ngói Thanh Toàn, chúng tôi còn được cán bộ nơi đây hướng dẫn vào thăm Nhà trưng bày nông cụ (cách cầu khoảng 50 mét). Ở đây, chúng tôi tiếp cận được các nông cụ (cối xay lúa, cối giả gạo, quạt gió dê lúa, liềm, hái…), các phương tiện đánh bắt truyền thống (lờ, lọp, đó, đăng, nom…) một thời, nay đã mai một trước sự phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Thật là một chuyến đi đầy thú vị và để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ!...
Mặt trước cầu ngói Thanh Toàn.
Bia Di tích cầu ngói Thanh Toàn.
Bàn thờ Bà Trần Thị Đạo, người có công bỏ tiền xây dựng cầu.
Mặt sau cầu ngói Thanh Toàn.