Đám cưới của người Giáy ở Lào Cai

16/09/2015 15:38

Theo dõi trên

Đám cưới là một trong những phong tục liên quan đến chu kỳ vòng đời người, là ngày hội vui của người Giáy. Người Giáy ở Lào Cai quan niệm, đám cưới càng lớn, càng đông vui thì hạnh phúc của đôi trai gái càng được bền lâu.


Đám cưới của người Giáy ở Lào Cai. Ảnh: Internet

Dân tộc Giáy ở Lào Cai sinh sống tập trung thành từng làng, bản bên các triền khe suối, dưới chân đồi với bản sắc văn hóa truyền thống của người Giáy rất phong phú và đa dạng, trong đó có nghi lễ cưới hỏi. Cũng như các dân tộc anh em khác, thanh niên nam nữ dân tộc Giáy đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu bạn đời, họ thường tìm hiểu nhau thông qua các hoạt động văn hoá cộng đồng… Khi tình duyên đã thắm nồng, chàng trai về báo cáo gia đình và chuẩn bị các nghi lễ cưới.

Đám cưới của người Giáy gồm nhiều nghi lễ: dạm hỏi, thả mối, ăn hỏi, cưới và lại mặt. Trong lễ ăn hỏi nhà trai đưa cho nhà gái một vòng cổ và một vòng tay để “đánh dấu”. Để lễ ăn hỏi diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, nhà trai phải lựa chọn mời bà mối. Bà mối phải là người tuổi cao hoặc tương đương với cha mẹ chú rể, có uy tín, am hiểu mọi nghi lễ và khéo nói.

Gia đình nhà trai chuẩn bị lễ nhỏ "Tằm tu" nhờ bà mối sang nhà gái xin ý kiến gia đình và cô dâu. Nếu nhà gái đồng ý, bà mối mượn giấy khai sinh của cô gái mang về nhờ thầy mo, thầy tào xem ngày sinh, tháng đẻ của 2 người có hợp không, bước này gọi là "hạp sư mình" tức là khớp tuổi. Để có được tấm giấy khai sinh bằng một vuông vải đỏ do thầy mo, thầy tào viết, gia đình phải đem theo một con gà, một chai rượu đến lễ thầy.

Sau khi xem, nếu tuổi hai người không hợp, nhà trai có thể trả lại giấy khai sinh cho nhà gái cùng một lễ nhỏ gồm: 1 con gà, 1 chai rượu, 1kg gạo và có lời để nhà gái thông cảm. Ngược lại, nếu hai tuổi hợp nhau thì bà mối sẽ bàn bạc, trao đổi để tìm ngày ăn hỏi chính thức.

Theo quan niệm của người Giáy, sau khi có lễ ăn hỏi chính thức thì đôi trai gái coi như đã đính hôn. Lễ ăn hỏi chính thức được tổ chức khá linh đình, chu đáo và đây cũng là lễ công bố cho toàn thể gia đình, họ hàng biết việc đính hôn của đôi lứa.

Trong lễ ăn hỏi, nhà trai phải mời thêm một bà mối nữa. Hai bà mối có trách nhiệm trao đổi, bàn bạc đi đến thống nhất mọi việc với gia đình nhà gái. Cũng trong lễ ăn hỏi, bà mỗi chủ động đặt vấn đề về đồ lễ cưới. Sau khi đã thống nhất đồ thách cưới (rượu, gạo, thịt, gà, vịt, quần áo, vòng tay, vòng cổ, chăn màn…), số lượng nhiều ít tuỳ theo đòi hỏi của mỗi gia đình.



 
Đoàn đi đón dâu của nhà trai. Ảnh: Internet

Lệ đón dâu của người Giáy là một tục lệ khá cầu kỳ, đoàn đi đón dâu bao giờ cũng đủ các thành phần: đội Pí lè (bốn người), hai ông bà già, chú rể, phù rể, hai cô gái, một cậu em để dắt ngựa cho chị dâu và  một đoàn người để gồng gánh lễ vật.

Khi đoàn nhà trai đi đón dâu đến cửa nhà gái thì bị chặn ngang bởi những sợi chỉ hồng và những cành gai cản lối chưa cho vào. Bên trong sợi chỉ hồng kê chiếc bàn với đôi chén, 2 chai rượu, 2 chậu nước lã với 2 chiếc chổi rơm (làm phép).

Sau khi vượt được chặng đầu tiên, đoàn nhà trai  phải làm lễ giữ. Muốn qua, đoàn nhà trai lại phải hát đối đáp xin nhà gái bỏ tấm vải hồng chắn ngang đường và cứ hát đối  đáp cho đến khi nhà gái hạ hết các thứ trên bàn xuống mới được vào nhà.




Sợi chỉ hồng và những cành gai cản chở nhà trai vào đón dâu. Ảnh: Internet

Sau khi đoàn đón dâu vào nhà, nhà gái đem phẩm đỏ đến đánh dấu từng người nhà trai bằng lách bôi phẩm đỏ vào lên má. Trong mâm cỗ, mọi người chúc mừng cô dâu chú rể bằng những chén rượu cùng  những làn điệu đối đáp thắm đượm nghĩa tình. Cuối bữa tiệc, nhà gái sắp một mâm dài mời ông bà, bố mẹ họ hàng của người con gái đến ngồi bên ông mối nhà trai làm lễ xin dâu, hai họ lại dùng những câu hát đê nhắc nhở dặn dò đôi trai gái.

Thủ tục xin dâu xong, cô dâu bước từ buồng ra cùng chú rể đến trước bàn thờ cúi lạy tổ tiên, xong việc người chị gái cõng cô dâu ra khỏi cửa, nhà trai cử một phụ nữ khỏe mạnh đón và cõng cô dâu đi. Nếu gần cõng đến tận nhà hoặc cưỡi ngựa.

Về đến nhà trai, trước khi cô dâu vào nhà, thầy cúng bên nhà trai chuẩn bị gà, rượu, hạt thóc, ngô, lá khô băm, chậu nước phép tung qua người cô dâu để trừ tà, vì theo họ trên đường đi có thế cô dâu sẽ bị ma xấu đi theo, sau đó cô dâu mới được vào nhà trong làm lễ tổ tiên..., sau thủ tục chờ giờ bước qua cửa chính, cô dâu và chú rể đến trước bàn thờ gia tiên cúi lạy,sau đó hai vợ chồng vào buồng bỏ khăn che mặt, tháo băng đỏ. Bữa tiêc nhà trai diễn ra tương tự như nhà gái, họ cũng dùng câu hát để cảm ơn và nhắc nhở dặn dò con dâu, con rể sống bên nhau trọn đời hạnh phúc.

Hát trao dâu trong đám cưới người Giáy là một phong tục đẹp, vẫn được duy trì đến ngày nay. Những lời hát cũng được bổ sung ngày càng phong phú, thiết thực hơn đối với những cô dâu trẻ khi bước chân về nhà chồng.

(Theo Dân Tộc Việt)

Bạn đang đọc bài viết "Đám cưới của người Giáy ở Lào Cai" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.