
Công trình Bảo tàng Điêu khắc Chăm được thành phố Đà Nẵng chủ trương đầu tư nâng cấp, cải tạo, trùng tu, sắp xếp lại các không gian chức năng, nhằm bảo đảm các yêu cầu về hoạt động trưng bày, tổ chức các sự kiện, lưu giữ hiện vật, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập.
Theo đó, công trình nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm với tiêu chí giữ nguyên hiện trạng khối nhà cổ xây từ năm 1915, dự án sẽ cải tạo mái và tường bị thấm dột của cả hai khối nhà; bố trí lại không gian trưng bày, các bục, bệ đặt hiện vật; nâng cấp, cải tạo không gian sân vườn, cây xanh, bố trí trưng bày hiện vật ngoài trời; xây dựng mới khu nhà vệ sinh thứ hai, nhà bán vé, sảnh đón tiếp khách; xây mới nhà kho, xưởng và nhà làm việc; lắp đặt hệ thống an ninh bảo đảm, bảo vệ các bảo vật quốc gia.
Theo kế hoạch, bảo tàng sẽ được khởi công vào tháng 11/2015, nhân kỷ niệm 100 năm công trình Bảo tàng Điêu khắc Chăm (1915-2015). Và dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2016 để chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào năm 2017.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm có khoảng hai nghìn hiện vật lớn, nhỏ. Có hơn 500 hiện vật đang được trưng bày bên trong, 187 hiện vật trưng bày ngoài sân vườn và hơn 1.200 hiện vật hiện đang lưu giữ trong kho. Hầu hết, các tác phẩm điêu khắc tại bảo tàng là những tác phẩm nguyên bản, trên ba chất liệu sa thạch, đất nung và đồng nung... Hiện tại đây đang trưng bày, lưu giữ ba hiện vật lịch sử là bảo vật quốc gia, gồm: Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu và Tượng Bồ tát Tara.
Theo Cinet