Ra đời vào Trung thu năm 1919, bản DCHL của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã đặt viên gạch đầu tiên cho nền ca kịch sân khấu cải lương. Người ta đúc kết rằng “phi vọng cổ bất thành cải lương”, vì vọng cổ là bài ca vua trên sân khấu cải lương Nam bộ. DCHL lại là khởi nguồn, là tiền thân của bản vọng cổ, được “nên vóc nên hình” để thành bài ca vua là nhờ trí tuệ, tài năng và tâm huyết của biết bao thế hệ tiền nhân. Vậy thì tôn vinh DCHL, và những người có công hay đề xuất DCHL là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia luôn là những việc làm cần thiết và thật sự cấp thiết. Mỗi năm, cứ đến rằm tháng 8 âm lịch, chúng ta lại nhớ về khởi nguồn của bản nhạc lòng ấy. Một năm nữa thôi, DCHL sẽ tròn trăm tuổi. Tài liệu, tư liệu, hình ảnh và những gì liên quan đến DCHL và hành trình tiến bước của DCHL phải nói là vô số. Nhưng, khó có thể có một bài viết, một tư liệu nào tóm lược, ghi chép cho đủ đầy, chính xác nhất hành trình ngót trăm năm ấy của một bài ca.
Chính vì vậy, những hội thảo về DCHL luôn đón nhận những tư liệu mới hơn, những nội dung luôn cần để bổ sung cho thêm dày, thêm đầy. Tìm lại những tư liệu nói về DCHL, chúng tôi ghi nhận có ít nhất 4 hội thảo lớn bàn về DCHL. Lần thứ nhất, năm 1963, tại rạp Quốc Thanh - Sài Gòn, một số nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà báo đã tổ chức buổi nói chuyện về bản DCHL, nguồn gốc phát triển của bản vọng cổ và tri ân nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Lần thứ 2 là hội thảo về Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 70 năm ra đời bản DCHL vào năm 1989, do UBND tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) tổ chức. Lần thứ 3 là hội thảo khoa học với chủ đề “90 năm bản DCHL” tại Trường Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM do Sở VH-TT&DL Bạc Liêu phối hợp với Hội Sân khấu TP. HCM tổ chức. Lần thứ 4 là nhân kỷ niệm 91 năm ra đời bản DCHL, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL tổ chức tọa đàm xác định bản DCHL chuẩn. Cuộc tọa đàm này đã có sự tham dự của nhiều học giả, nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống, nghệ nhân, nghệ sĩ và những nhà quản lý thâm niên trong ngành Văn hóa… Những hội thảo ấy dù có đủ đầy tài liệu, được nhiều đại biểu bàn bạc, phân tích thấu đáo nhưng không đặt dấu chấm cho hành trình kết nối từ một bài ca. Từng hội thảo lại mở ra những điều hay, ý đẹp để DCHL được trải dài, công lao những thế hệ tiền nhân được tôn vinh xứng đáng.
Nói “trước hết là hành trình của một bộ môn nghệ thuật”, vì sau đó, còn là hành trình của những người con xa quê hương. Vâng! DCHL hay câu vọng cổ có khả năng nối lại những hành trình, những khoảng cách không gian dài đến vô cùng. Những người con dù cách xa Tổ quốc, biền biệt nơi chôn nhau cắt rốn vẫn đau đáu nhớ về quê hương khi bất chợt nghe câu vọng cổ, hay nghe bài ca nào đó len lỏi trong đó mấy câu “đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…”. Trong câu chuyện về chuyến đi biểu diễn ở Mỹ của nhóm nghệ nhân đờn ca tài tử huyện Phước Long hồi năm 2007, điều để lại ấn tượng trong tôi nhất chính là chuyện về một người thiếu phụ ngồi nghe DCHL mà ngậm ngùi lau những dòng nước mắt. Có rất nhiều người nghe DCHL hay xem vở kịch cùng tên này mà đã rớt nước mắt, khóc vì nhớ quê cha đất tổ của mình. DCHL trỗi khúc thường đi vào tâm tư, tình cảm con người nên rất nhiều nhạc sĩ đã mượn những tinh túy của DCHL mà đưa vào những sáng tác của mình. “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là một điển hình tiêu biểu nhất.
Từ một DCHL thôi lại có một chặng hành trình không có điểm dừng, một dòng chảy mải miết ngót trăm năm. Cũng từ một DCHL, qua tài nghệ của bao con người đã làm cho bài ca hóa thành niềm thương nỗi nhớ, kết nối không biên giới những không gian dài và rộng. Cải lương còn ngân nga thì DCHL còn mãi niềm tự hào. Bản nhạc lòng ngót trăm năm đã được dưỡng nuôi đẹp cả về sắc vóc lẫn tâm hồn như chính ý nguyện của người cha đẻ ra mình: “43 năm trước bản Hoài lang tôi đặt ra do than thân trách phận dùm vợ tôi… Bây giờ, bản vọng cổ nhịp 4 trở thành nhịp 32 là công sửa đổi của quý vị nhạc sư, nhạc sĩ, soạn giả để trở thành đứa con tinh thần chung của quý vị. Tôi xin giao đứa con ấy cho quý vị, thương yêu nó mà giữ dùm nó, đừng biến nó thành đứa con hoang mất hết căn gốc, nhịp điệu và lời ca… Tôi tin đứa con riêng của tôi, đứa con chung của quý vị sẽ được nuôi dưỡng, săn sóc với tất cả tấm lòng yêu chuộng bản Hoài lang hay bản vọng cổ” (lời tâm nguyện của nhạc sĩ Cao Văn Lầu vào năm 1963).