Cuộc chiến trên đỉnh cao Ba Lanh

04/11/2022 15:08

Theo dõi trên

Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc (1979 - 1989) nhưng giờ đây trong ký ức của tôi, vẫn còn in đậm những tên làng, tên núi, tên sông, những đồi hoa sim tím suốt dọc chiều dài biên giới phía Bắc và những trận chiến đấu ác liệt ở đó…

dh1-01252353-1667549183.jpg
Một trận chiến đấu với quân xâm lược ở Bình Liêu. Ảnh: Tư liệu

Sau dịp tết Nguyên đán năm 1979, từ Quân khu 4 chúng tôi được lệnh cấp tốc lên đường. Những chuyến hành quân ra mặt trận biên giới Đông Bắc - tỉnh Quảng Ninh kéo dài như thế. Thời ấy, hầu hết bạn bè chúng tôi vừa tốt nghiệp phổ thông xong đã nhận quyết định vào lính. Ngoài quân tư trang cá nhân, mấy đứa bạn tôi mang thêm cây đàn Guitar, măng đô lin và sáo trúc hát động viên nhau dọc đường hành quân. Cánh lính trẻ thật hồn nhiên, yêu đời.

Khi đến vị trí tập kết, các chiến sĩ bộ đội địa phương dẫn chúng tôi đi nhẹ nhàng, không ồn ào, không đùa giỡn bởi dưới mặt đất có khá nhiều mìn và những quả đạn chưa nổ. Họ yêu cầu chúng tôi phải đi đúng vào vết chân người đi trước dẫn đường và sẵn sàng ẩn nấp khi có pháo kích hoặc đạn cối từ bên phía Trung Quốc bắn sang. Những trận đánh quy mô nhỏ thỉnh thoảng xảy ra ở những điểm cao dọc đường biên. Các nẻo đường biên giới vắng ngắt, chỉ có các đơn vị quân đội, dân quân du kích rất hiếm bóng dân thường. 

Trên hướng Quảng Ninh vào thời điểm này, Trung Quốc huy động số lượng lớn bộ binh dưới sự yểm trợ của pháo binh, tiến đánh trận địa phòng ngự của ta do các đơn vị thuộc Trung đoàn 41 - Sư đoàn 325B, Trung đoàn 43 - bộ đội địa phương. Trong các trận tiến công này có điểm cao 1050 - Cao Ba Lanh, thuộc huyện Bình Liêu, nơi diễn ra chiến sự ác liệt nhất. Máu xương của đồng đội chất đầy các khe đá. Quân Trung Quốc đồng loạt tiến công vào các điểm tựa của Trung đoàn 41 và 288 Sư đoàn 325B, Tiểu đoàn 130 Bình Liêu, Đồn biên phòng Hoành Mô, Đồng Văn, Móng Cái và một phần điểm cao 600 và 781 nhưng đều bị quan và dân ta chặn lại. Địch tập trung đánh chiếm điểm cao điểm 1050 - Cao Ba Lanh nhưng một lần nữa bị đẩy lui với thiệt hại nặng nề. Đến đây, mọi nỗ lực tấn công vào tuyến biên giới Quảng Ninh của Trung Quốc đã chính thức bị bẻ gãy.

Trời mưa phùn rả rích, đường trơn lầy lội. Từng đơn vị chia ra các hướng để nghỉ ngơi sau những trận giao tranh ác liệt với quân địch. Đại đội 2 của tôi leo lên điểm cao 1050 - Cao Ba Lanh. Đại đội trưởng Phan Thanh Bình cho cán bộ, chiến sĩ nghỉ ăn cơm chiều. Chiếc nồi quân dụng đầy cơm nhưng thức ăn chỉ có thịt và su hào muối. Anh em bảo rằng, miếng thịt muối đã ngâm nước từ tối qua cho mềm và bớt mặn nhưng hôm nay thái ra vẫn còn rắn lắm. Đại đội trưởng động viên anh em cố gắng ăn no lấy sức mà chiến đấu. Tôi bỗng thấy thương anh em quá. Trong khi ở quê, mọi người đang quây quần bên mâm cỗ với đầy đủ món ngon truyền thống thì ở đây, bộ đội phải ăn bữa cơm quá đạm bạc. Các bữa ăn hôm sau, chỉ có cá khô, củ cải muối. Đại đội trưởng Bình lấy ấm nước sôi, rót ra cái bát to rắc vào đó ít mì chính và vài hạt muối để thay canh. 

Điểm cao 1050 - Cao Ba Lanh có nhiều núi đá, địa hình hiểm trở nên đơn vị sống trên điểm tựa đều thiếu nước. Nước sinh hoạt hàng ngày phải gùi từ suối lên, có chỗ leo qua thang dây và hàng trăm bậc đá lởm chởm. Trời mùa xuân ẩm ướt, mưa phùn lắc rắc cả ngày lại ở trên cao và nhà tranh tạm bợ, vì mật độ đóng quân dày đặc, chiến đấu liên tục lại ở hầm và núi đá ẩm ướt, ít được tắm giặt nên bộ đội bị ghẻ lở khá nhiều. Quần áo thời đó may bằng loại vải chất lượng kém nên cũng chóng rách hai đầu gối. Có chiến sĩ tháo miếng vá đầu gối quay phía rách ra đằng sau và nói dùa vui là: “Ưu tiên phía trước”. Cứ một tuần anh em mới được thay nhau ra suối tắm một lần, quần áo phơi cả ngày không khô. Được những hôm đi tắm như thế, anh em ngâm nước suối khá lâu và lấy lá rừng xát vào người chữa ghẻ, ít ai tránh khỏi bệnh ngoài da như: ghẻ và hắc lào... Các chị em Lâm trường đi làm về qua suối, gặp bộ đội tắm rất đông và đều trần truồng nên chín ngượng cả mặt... Chúng tôi từ thành phố Vinh lên điểm tựa được một tuần là bị ngứa gãi suốt ngày đêm. Vì thế, có hôm trên đường hành quân, gặp suối là tất cả trút bỏ tư trang, quần áo, nhảy xuống “tắm tiên” cả tiếng đồng hồ. Hôm nào có tý nắng hửng lên, cứ cuối buổi chiều là các chiến sĩ lại rủ nhau ra suối tắm. Con suối này chỉ rộng chừng 30m, quân Trung Quốc bố trí mấy khẩu cối 82 mm và 60 mm chĩa sang phía ta. Một hôm tắm xong, lên bờ mặc quần áo, tôi giật mình thấy hai con vắt bám vào người…

Ban đêm, đơn vị cắt cử chiến sĩ canh gác rất cẩn thận, nghiêm ngặt. Có hôm đi tuần tra, vượt qua những quả đồi đầy cỏ lau và đá lởm chởm, thỉnh thoảng trượt chân, cả người và súng cứ trôi tuồn tuột trên thảm cỏ, gặp tảng đá thì sững lại, đứng dậy đi tiếp. Lối lên các điểm tựa chỉ là vệt mòn nhỏ. Người đi sau phải đi đúng vết chân người đi trước, nếu không sẽ đạp phải mìn. Lúc đầu tôi thắc mắc: 

- Sao lại lắm mìn thế!

Mấy anh em bộ đội địa phương có nhiều kinh nghiệm nên bảo rằng: 

- Để chống bọn thám báo Trung Quốc mò lên tập kích trận địa. 

Do ít được tiếp xúc với người Kinh nên thấy bộ đội qua đây, họ nhìn với ánh mắt lạ lẫm, ngơ ngác. Dân ở những địa phương này đều là người thiểu số, không biết tiếng phổ thông. Đêm ở cao điểm Cao Ba Lanh với tôi là lần đầu tiên được biết đến cái rét thấu xương như thế nào. Mấy anh em ngồi quanh bếp lửa mà phía lưng vẫn lạnh đến run người. Khó khăn, gian khổ, thiếu thốn là vậy nhưng cuộc sống của người lính vẫn lạc quan yêu đời. Tình nghĩa quân dân nơi biên cương luôn gắn bó máu thịt. Lúc đầu, các chiến sĩ còn hái được ít rau dớn (giống như cây dương xỉ) luộc ăn thay rau. Khi không còn loại rau rừng nào nữa, anh em lấy mấy buồng chuối luộc chấm muối ăn cho đỡ xót ruột. Những tháng ngày sống giữa vùng chiến sự, đơn vị chúng tôi có nhiều dịp tổ chức giao lưu với đồng bào các dân tộc thiểu số ở biên cương phía Bắc. Bởi đã lâu lắm, nay bà con mới được đón nhiều bộ đội về đông như thế. Núi rừng bao năm trầm lắng, nay có bộ đội về, không khí sôi động hẳn lên. Những cánh rừng hoang vắng, tưởng như chưa có dấu chân người, giờ đây đã rộn rã, ồn ào bởi những đoàn xe cơ giới các loại kéo lên. Nhiều con đường mòn đã được phá đá mở rộng thành những tuyến giao thông liên hoàn nối các làng bản, xã, huyện. Bộ đội giúp dân tăng gia, sản xuất, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh. Nhiều tập tục lạc hậu được xóa bỏ. Người dân được bộ đội dạy chữ, chữa bệnh, dời nhà từ núi cao xuống thung lũng, hạn chế du canh, du cư.

Suốt những năm tháng diễn ra cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc, ngoài tấn công quân sự, Trung Quốc còn triệt để lợi dụng chiến tranh tâm lý, vu cáo Việt Nam Từ các dãy núi cao, Trung Quốc đặt những cụm loa nén công suất lớn, có điểm chúng đặt tới vài chục chiếc loa, hướng sang phía Việt Nam. Hàng ngày, các cụm loa tâm lý chiến này phát liên tục đánh vào tâm tư, tình cảm của bộ đội ta, sống xa nhà, thiếu thốn, gian khổ… Mùa gió bấc, tiếng loa có thể phóng sâu vào phía Việt Nam đến chục cây số. Trước tình huống đó, cán bộ chính trị, tuyên huấn của các đơn vị phải tăng cường bám sát nhân dân, tuyên truyền, giải thích cho bà con không nghe và tin vào những lời lẽ xuyên tạc của địch, đoàn kết cùng bộ đội chống lại kẻ thù, bảo vệ từng tấc đất biên giới.

dh22-25346346-1667549239.jpg
Đài tưởng niệm Liệt sĩ hy sinh năm 1979 tại Cao Ba Lanh. Ảnh nguồn Internet

Đầu tháng 3-1979, Bắc Kinh tuyên bố rút quân. Chiến sự trên hướng Quảng Ninh tạm thời chấm dứt. Sau cuộc tấn công của quân Trung Quốc, cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở biên giới bị đảo lộn thời gian dài nên gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình mất hết nhà cửa, tài sản, phải sơ tán về phía sau. Có gia đình bị lính Trung Quốc giết chết gần hết. Tuy nhiên, bà con rất sẵn lòng ủng hộ, tạo điều kiện cho bộ đội chiến đấu. Nhiều gia đình đón bộ đội về ở tạm khi chưa làm kịp lán trại; nhường cả ruộng nương, vườn tược cho bộ đội làm trận địa. Các Hội mẹ chiến sĩ, các đoàn thể thường xuyên đến thăm hỏi, động viên bộ đội sau mỗi trận chiến đấu. Tình đoàn kết quân dân ấy đã giúp cho các đơn vị củng cố vững chắc thế trận: “Quân với dân là một ý chí” để chống trả quân xâm lược. Bình Liêu giờ này ngào ngạt hương hồi, hương quế. Từ rừng, bà con các dân tộc thiểu số nơi đây không chỉ từng bước xoá đói giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ mô hình du lịch sinh thái, bền vững... Những ngày tháng 4, khi mặt trời chưa ló ra khỏi ngọn núi, bà con ở khắp các thôn, bản bắt đầu ngày mới với công việc bóc và cạo vỏ quế. Từ xa xa, mùi thơm của quế đã lan tỏa khắp các ngả đường. 

Bây giờ, nhớ về biên cương phía Bắc, tôi lại nhớ những chiến sĩ dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc và nhớ ơn tấm lòng của bà con các dân tộc ở biên giới với tình đoàn kết quân dân keo sơn gắn bó. Bỗng dưng tôi nhớ mãi câu hát: “Có người lính/ Mùa xuân ấy/ Ra đi từ đó không về/ Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hoá bóng cây che/ Chiều biên cương trắng trời sương núi/ Mẹ già mỏi mắt nhìn theo…”. Lời bài hát chen lẫn đau thương, phẫn uất là niềm tự hào về ý chí anh dũng, quật cường của dân tộc. Cả vùng núi rừng Bình Liêu mùa xuân về ngập tràn màu hoa sở trắng tinh khôi và thơm ngát khắp bản làng./.

Nguyễn Duy Hiếu
Bạn đang đọc bài viết "Cuộc chiến trên đỉnh cao Ba Lanh" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.