Cụ ông mê sưu tầm... bướm đẹp

09/12/2014 10:14

Theo dõi trên

Vì một con bướm đẹp, ông có thể lặn lội đường xa, lên rừng xuống biển, chẳng quản ngại khó khăn, nề hà gian khổ. Và ông có thể ngồi tỉ mỉ cả ngày giời bên bàn làm việc, quên ăn quên uống chỉ để chỉnh cánh, sửa râu, nắn chân cho một con bướm trong bộ sưu tập khổng lồ của mình. Ông chính là kỷ lục gia Nguyễn Viết Vui, người có bộ sưu tập bướm lớn nhất Việt Nam, nhà sưu tập thuộc đẳng cấp quốc tế.

Ngay từ tuổi nhỏ, yêu thích côn trùng từ nhỏ nên trong khi bạn bè cùng trang lứa mê mải với những trò chơi bi, đánh đáo thì cậu bé Nguyễn Viết Vui lại chỉ thích đuổi bướm, bắt ve. Trên bàn học, trong cặp sách hay trong túi quần của cậu bao giờ cũng phải có một vài chiếc hộp giấy hay lọ thủy tinh đựng xiến tóc, dế mèn, bươm bướm. Những lúc rảnh rỗi, cậu thường dành hết thời gian của mình cho việc chăm sóc và bầu bạn với những con côn trùng nhỏ xíu mà mình bắt được.

Có lẽ sở thích đó của cậu bé Nguyễn Viết Vui sẽ chỉ dừng lại như những kỷ niệm tuổi thơ nếu như không có cuộc gặp "định mệnh" với nhà thám hiểm và nghiên cứu sinh vật học người Pháp tên là Henri De Mones Troi. Trong một lần tình cờ sang chơi nhà người anh trai, cậu đã gặp người hàng xóm của anh mình là Henri De Mones Troi và được ông mời sang nhà chơi. Cũng trong lần ấy, cậu đã được chiêm ngưỡng bộ sưu tập bướm khô của nhà thám hiểm này và ngay lập tức bị hút hồn bởi vẻ đẹp của những con bướm dù chúng chỉ còn là một cái xác khô.




Kỷ lục gia Trần Viết Vui và bộ sưu tập bướm.

Cũng chính từ giây phút đó, cậu đã nhận ra đâu là đam mê thực sự của đời mình. Hàng ngày, mỗi khi đi học về, cậu đều lấy cớ ghé qua nhà người anh chơi nhưng thực ra là để gặp Henri De Mones Troi với mong muốn học được bí quyết làm bướm khô của nhà thám hiểm này. Mặc dù nhiều lần xin được nhận ông làm thầy và bị ông từ chối nhưng cậu bé Nguyễn Viết Vui vẫn không một chút nản lòng. Cuối cùng, cậu đã phải năn nỉ người chị dâu của mình, vốn là bạn thân của phu nhân nhà thám hiểm gián tiếp tác động.

Để có một món quà ra mắt thầy giáo trong buổi lễ bái sư, cậu đã đi bắt một con chim và tiến hành nhồi bông con chim đó dựa trên những điều học lỏm được trong quá trình quan sát nhà thám hiểm làm việc. Món quà ra mắt ấn tượng đã khiến người thầy vốn vô cùng khó tính rất hài lòng. Ông quyết định nhận cậu làm đệ tử và đem hết bí quyết làm bướm khô truyền lại cho cậu học trò duy nhất.

Trong thời gian này, ngoài những kiến thức được thầy truyền dạy, Nguyễn Viết Vui còn tự mình tìm đọc và dịch rất nhiều sách ngoại văn về côn trùng, bướm để làm phong phú thêm vốn kiến thức cũng như kinh nghiệm về côn trùng học nói chung và loài bướm nói riêng. Các sản phẩm của ông được bày bán trên phố Catinat (ngày nay là phố Đồng Khởi- TP. HCM). Rất nhiều tác phẩm trong số đó đã được đưa đi dự triển lãm ở Lào, Đức, Pháp, Nhật và được đánh giá rất cao. Khi đó, ông mới 16 tuổi.

Nghề chơi cũng lắm công phu nhất là khi những cánh bướm lại vô cùng mỏng manh, yếu ớt. Kỷ lục gia Nguyễn Viết Vui cho biết, không phải cứ lên rừng là bắt được bướm. Ở những nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam, bướm nhiều vô kể nhưng để tìm một con bướm lạ thì phải chịu khó đi nhiều nơi, vào tận rừng sâu, núi cao, vì mỗi nơi có một loài bướm đặc biệt. Như một nhà nghiên cứu khoa học thực thụ, ông không ngại lên rừng xuống biển, đi đến tận nơi xa xôi nhất của đất nước, thậm chí sang cả các nước lân cận để tìm kiếm những loài bướm lạ. Nhiều khi, ông đã mất cả tuần trời đi ròng rã hết nơi này đến nơi khác mà cũng chẳng thu được kết quả gì. Ông kể, không ít lần đi từ Phan Thiết qua Di Linh lên Đà Lạt nghỉ đêm, hôm sau lại xuống Phan Rang rồi trở về Phan Thiết chỉ để bắt duy nhất một con bướm lá cây màu sôcôla. Cũng có khi bắt cả ngày trời mới được 10 con nhưng về đến nơi thì tất cả đều đã bị rách hết cánh do vùng vẫy quá mạnh, phải bỏ đi hết chẳng giữ lại được con nào.

Tìm được một con bướm đẹp, lạ đã khó, hoàn thành một tiêu bản bướm còn khó khăn gấp bội. Ông xem việc xử lý tiêu bản của mình vừa là nghệ thuật vừa là khoa học, nên rất cẩn thận tỷ mẩn chăm chút từng tác phẩm. Đề cao nguyên tắc "lưu giữ lại mà không giả tạo thiên nhiên", ông đặc biệt chú ý đến khâu tạo hình để làm sao cho tất cả các tiêu bản đều đạt được sự sống động nhất, thật nhất có thể. Bởi vậy, sau khi mang bướm về, ông luôn phải xử lý ngay bằng thuốc, sau đó tiến hành các bước căng cánh, chỉnh râu, tạo dáng một cách công phu. Ông bảo "Muốn làm khô một con bướm nhỏ, 2 cánh xoè rộng khoảng 5cm thì phải làm một tháng mới vô khung. Còn loại lớn, thân to, hai cánh xoè cỡ 25cm trở lên thì phải mất 4 tháng".

Theo kỷ lục gia có bộ sưu tập bướm lớn nhất Việt Nam này kể lại thì vào thời điểm lúc bấy giờ, không một người bạn nào của ông có cùng chung sở thích với mình. Ngoài nhà thám hiểm và nghiên cứu sinh vật người Pháp là thầy dạy, suốt bao năm qua, vẫn chỉ có một mình ông lọ mọ với thú chơi vốn đòi hỏi lắm công phu và được cho là chẳng mang lại "đồng tiền bát gạo" này. Người ta thích ngắm nhìn những tác phẩm bướm khô của ông với muôn nghìn cánh bướm rực rỡ sắc màu như vẫn đang tung bay một cách sinh động trong thế giới tự nhiên nhiệm màu.

Nhưng người ta chỉ đến, thích thú ngắm nhìn, tấm tắc ngợi khen rồi lặng lẽ rời đi chứ chẳng có ai đủ thích thú để muốn tìm hiểu kỹ hơn về nó, lại càng không đủ đam mê để muốn trở thành một người chơi thực thụ. Cho nên trong cuộc chơi này, ông đã một mình làm tất cả mọi việc từ lên rừng bắt bướm đến phơi, ép, chỉnh, sửa để rồi cuối cùng tự mình ngắm nghía, thẩm định, khen chê. Nhưng suốt gần 70 năm sưu tập các loài bướm, ông chưa bao giờ cảm thấy cô đơn trong cuộc chơi chỉ có một mình mình.




Kỷ lục gia Trần Viết Vui đang xử lý một mẫu bướm.

Vẫn ngóng trông người tri kỷ

Suốt nhiều năm nay, căn nhà nhỏ, cổ kính nằm lặng lẽ trên đường Trưng Trắc, bên dòng sông Cà Ty, đoạn chảy qua TP.Phan Thiết của ông đã trở thành một bảo tàng bướm thu nhỏ gần như độc nhất Việt Nam, với bộ sưu tập đồ sộ lên đến 8.000 tiêu bản của nhiều loài bướm khác nhau. Hình ảnh cụ già tóc bạc trắng tươi cười bên cạnh hàng ngàn mẫu bướm khô rực rỡ sắc màu từ lâu đã trở nên rất đỗi thân quen với những người sưu tầm ép khô côn trùng trong và ngoài nước.

Ông kể, hầu hết những du khách nước ngoài hoặc tình cờ hoặc được giới thiệu, khi đến Phan Thiết đều ghé qua căn nhà nhỏ của ông để xem bướm. Họ mê bướm Việt Nam một cách lạ lùng bởi chỉ có ở một nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa như thế này mới có nhiều loại bướm đa dạng và đẹp đến thế. Đặc biệt, tại khu rừng giáp ranh giữa Bình Thuận và Lâm Đồng là khu vực giao nhau giữa vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt cho nên có rất nhiều loài bướm quý hiếm mà các quốc gia ôn đới không thể nào có được.

Sinh 1925, mái tóc tuy bạc trắng không còn một sợi đen nhưng nhà sưu tập đẳng cấp quốc tế này ngày ngày vẫn lụi cụi cầm vợt đi bắt bướm. Có lẽ nơi con người "đam mê nhất trong những người đam mê" này, tình yêu dành cho bướm vẫn luôn cháy bỏng, vẹn nguyên như ngày nào. Hiện tại, bộ sưu tập của ông ngoài gần chục nghìn tiêu bản bướm khô, ông còn có hơn 3.000 tiêu bản côn trùng khác với rất nhiều loài có giá trị. Trong số đó phải kể đến bộ sưu tập Kiến vương giả trị giá 10.000 USD, hai con bướm "lá cây khô (tên khoa học Kallima inachus inachus) và tiêu bản họ cánh cứng hơn 100 năm tuổi được trả giá 20.000 USD nhưng ông không bán bởi vì đây là món quà vô giá do người thầy Henri để lại. Bên cạnh đó, còn có hàng nghìn tiêu bản giá trị khác được ông bổ sung thêm mỗi ngày trong suốt quá trình sưu tập của mình.

Nhờ công thức học được từ người thầy quá cố và kinh nghiệm sau bao nhiêu năm miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu, ông đã tìm ra một công thức riêng đặc biệt có thể giúp cho việc lưu giữ các tiêu bản bướm khô có thể kéo dài đến vài chục năm sau đó. Trong đó, có những loại thuốc chuyên dùng ông phải đặt mua một cách rất khó khăn ở nước ngoài rồi pha chế một cách công phu với nhiều loại thuốc khác. Với công thức đặc biệt đó, những tiêu bản của ông lưu giữ được rất lâu với những tiêu bản bướm lên đến trên 50 tuổi mà vẫn còn nguyên vẹn vẻ đẹp như thuở ban đầu.

Tuy nhiên, ông vẫn đắn đo một việc khi đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời mà vẫn chưa tìm thấy một truyền nhân để ông có thể truyền lại ngọn lửa đam mê chưa một phút giây nào thôi cháy bỏng trong nhà sưu tập đẳng cấp quốc tế này.

Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết "Cụ ông mê sưu tầm... bướm đẹp" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.