Công trình Đền thờ liệt sỹ tại huyện Yên Thành (Nghệ An): Trái Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ?

17/09/2014 16:45

Theo dõi trên

Chỉ thị số 24/2007/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ: “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới”. Tuy nhiên khi xây dựng Đền thờ Liệt sỹ, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) đã ra văn bản quy định rõ mức đóng góp.

Từ việc áp đặt “chỉ tiêu”

Ngày 10/2/2013, Bí thư Huyện ủy Yên Thành đã ban hành Thư kêu gọi đóng góp xây dựng Đền thờ Liệt sỹ Hòn Thàng để kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân dân huyện Yên Thành đóng góp tiền xây dựng công trình hoành tráng với khu đền chính 7 gian, 2 hồi văn, đặt 40 bia đá hoa cương, nhà truyền thống và các hạng mục khác với trị giá công trình khoảng 45 tỷ đồng. 

Thư kêu gọi của Bí thư Huyện ủy này đã áp mức chỉ tiêu vận động cụ thể: “Các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ huyện, trưởng, phó các phòng, ban, ngành cơ quan cấp uyện và xã, thị trấn ủng hộ từ nửa tháng lương trở lên; Mỗi cán bộ, công nhân viên chức ủng hộ từ 05 ngày lương trở lên; Mỗi gia đình ủng hộ từ 50.000đ trở lên”.                

Ngày 27/5/2014, ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành ký quyết định số 2441/QĐ - UBND thành lập Ban vận đồng gồm 22 thành viên, do ông Lợi làm Trưởng ban. Ngày 18/6/2014 ông Nguyễn Danh Tuệ, Chủ tịch UBMT Tổ quốc huyện, Phó ban vận động ký Thông báo số 02/TB/BVĐ. 

Văn bản này cụ thể hóa “Thư kêu gọi” của Bí Thư Huyện ủy, áp chỉ tiêu xuống cho cơ sở. Ban vận động của huyện lập danh sách cụ thể số lượng cán bộ, công chức và tổng số tiền phải đóng góp của từng đơn vị, từng doanh nghiệp, từng xã để áp xuống cơ sở. Tại văn bản này, chỉ tiêu mà các hộ dân phải đóng góp được giảm từ 50.000 đồng xuống 30.000 đồng.         

Sau khi chỉ tiêu được áp xuống, dư luận đã “nóng” lên bởi vì cách thức thực hiện mang tính áp đặt và mức đóng góp quá cao, không phù hợp với đời sống của đại đa số nhân dân, cán bộ công chức trên địa bàn. Tuy nhiên, việc đóng góp vẫn được thực hiện và rất nhiều đơn vị để đảm bảo chỉ tiêu đã thực hiện bằng cách trừ lương của cán bộ, viên chức trong bảng lương. 

Một cán bộ cấp Trưởng phòng ở huyện cho biết: Ngay từ khi UBND huyện họp để bàn bạc đưa ra phương án áp chỉ tiêu xuống cơ sở đã gặp phải sự phản ứng của rất nhiều đại biểu dự họp, thế nhưng mọi việc vẫn được lãnh đạo UBND huyện Yên Thành quyết định. “Đơn vị tôi chỉ có 11 người mà UBND huyện áp chỉ tiêu đến 12 triệu đồng khiến anh em rất bức xúc”, vị này nói.

Chỉ thị số 24/2007/CT - TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ một số địa phương vẫn còn những khoản đóng góp khá cao, không phù hợp với thu nhập của người dân; một số khoản huy động đóng góp chưa được lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng người dân trước khi ban hành; một số khoản huy động mang tính chất xã hội từ thiện, phải vận động đóng góp tự nguyện, nhưng lại quy định mang tính bắt buộc...

Để chấn chỉnh tình trạng này, trong Chỉ thị 24, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới...”.

Như vậy, việc áp chỉ tiêu đóng góp để xây dựng công trình Đền thờ liệt sỹ 45 tỷ đồng ở huyện Yên Thành có đi trái với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 24/2007/CT - TTg? 

Đến nhà thầu không đủ năng lực!

Vì những vi phạm về quản lý đấu hầu như đã phản ánh ở số báo trước, nên hậu quả xẩy ra là công tác chấm thầu có dấu hiệu bất thường khi để cho một doanh nghiệp xây dựng không đủ năng lực thắng thầu và tiến hành xây dựng công trình. Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn quy định rất rõ yêu cầu bắt buộc về năng lực của nhà thầu khi tiến hành xây dựng các hạng mục công trình cụ thể. 

Tuy nhiên, Công ty CP Xây dựng Nhân Thắng là đơn vị trúng thầu, không đủ về các tiêu chí năng lực kinh nghiệm thi công, năng lực tài chính, năng lực nhân sự… cũng đã được Tổ tư vấn Đấu thầu chấm thắng thầu. 

Làm việc với PV, ông Thắng, Giám đốc Công ty Nhân Thắng thừa nhận, hiện nay công ty không có nhân sự đảm nhận vai trò chỉ huy trưởng công trình; không có nhân sự đảm nhận tổ trưởng tổ thi công theo đúng quy định. Điều hành đại công trường 45 tỷ đồng này do một tay ông Thắng thực hiện “Tôi chỉ học hết lớp 12, đi học trung cấp xây dựng được nửa chừng rồi bỏ đi làm, chưa được đào tạo bằng cấp gì”, ông Thắng thừa nhận!

Ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành lập luận: Trưởng ban Quản lý dự án đủ điều kiện bởi vì đã làm đến chức Phó Chủ tịch thì làm được quản lý dự án!? Về năng lực nhà thầu Nhân Thắng, ông Lợi nói: “Công trình này vốn thì nó lớn, nhưng công trình này tôi cho rằng công trình chỉ đòi hỏi mỹ quan, còn kết cấu thì đơn giản là vì đây là nhà cấp 4 chứ có gì đâu!”!

Chúng tôi xin không bình luận gì thêm về những câu trả lời của Chủ tịch UBND huyện Yên Thành liên quan đến các vấn đề mà dư luận đang hết sức bức xúc. Xây dựng công trình tâm linh là điều nên làm để tri ân với anh linh các liệt sỹ, thể hiện đạo lý “uống nước nhứ nguồn”. Thế nhưng, có thật cần thiết xây dựng công trình đền thờ quá hoành tráng 45 tỷ đồng trong khi đời sống nhân dân huyện nhà còn nhiều vất vả, khó khăn, điện đường trường trạm cần phải đầu tư tu bổ phục vụ dân sinh? Công tác xã hội hóa cũng phải tiến hành theo đúng quy định, trên cơ sở tự nguyện.

Còn tiếp…

Vinh Ngọc
Bạn đang đọc bài viết "Công trình Đền thờ liệt sỹ tại huyện Yên Thành (Nghệ An): Trái Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ?" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.