Truyền thuyết về bà Nguyễn Thị Rịa, về vùng đất Bà Rịa, về ngôi mộ bà Rịa... đã có nhiều sách chép. Tuy nhiên, có nhiều chỗ khác nhau. Có chỗ vừa thực vừa như ảo, kể cả sự hiện hữu của ngôi mộ bà Rịa cũng như có, như không...
Nhiều bút tích…
Trong một số cuốn sách đã xuất bản có nói về nguồn gốc địa danh Bà Rịa đặt ra là để tưởng nhớ công đức bà Nguyễn Thị Rịa. Cuốn “Châu Thành đấu tranh và xây dựng” (Lê Phải, Trần Toản biên soạn, NXB Đồng Nai, 1988) viết: “Bà Rịa người gốc Phú Yên theo gia đình vào Nam tìm đất sống từ năm 1680. Gia đình bà vào tại làng Mỹ Khê (xã Tam Phước, Long Đất ngày trước – PV).Bà Rịa cùng với nhân dân đã khai phá rừng rậm lập ruộng vườn, xây dựng làng xóm”.
Sách viết tiếp: “Năm 1698, Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh) được chúa Nguyễn Phúc Chu cử kinh lý đất phía Nam khi quân đổ bộ lên Phước Lễ, lúc đó vừa bị một trận lụt lớn các cầu đều bị trôi, đường đi lại bị hư hỏng. Bà Rịa đã huy động nhân dân trong vùng tu sửa đường sá, bắc lại các cây cầu để quân chúa Nguyễn qua sông.Cảm kích công trạng này, chúa Nguyễn đã ra sắc phong cho Bà Rịa “Hàm Nghè” danh dự và cho bà được mang họ Chúa (tức họ Nguyễn – PV). Từ đó bà được nhân dân quý trọng, tiếng vang khắp vùng…”.
Tại cuộc hội thảo vào tháng 10/1998 tại xã Tam An do Huyện ủy Long Đất chủ trì (nay là hai xã Tam Phước và An Nhứt, huyện Long Điền – PV), bàn về ngôi mộ và việc trùng tu ngôi mộ Bà Rịa.Hơn mười vị bô lão đã về dự.Trong số đó, nhiều tuổi nhất là cụ Võ Văn Phát (86 tuổi), ít tuổi hơn cả là cụ Huỳnh Văn Bộ (66 tuổi, thuộc xã Tam An xưa).
Dù đã cao niên, các cụ còn khoẻ, minh mẫn, say sưa với những truyền thuyết mà các bậc tiền nhân truyền lại. Các cụ đều thừa nhận rằng, so với truyền thuyết về Bà Rịa thì các cụ chỉ là hậu sinh, nghe lại.Về ngôi mộ bà Rịa, các cụ cũng không ai chứng kiến thực hư, chỉ nghe vậy, biết vậy. Theo bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ thì thời vua Minh Mạng, năm thứ 12, bà Rịa quê ở Phú Yên, gia đình nghèo, theo cha mẹ vào Nam năm 15 tuổi, đời chúa Nguyễn Phúc Tần…
Ban đầu (bà) khai phá Mô Xoài, Đông Bắc dinh Phủ 5km, tức là phần ruộng Đồng Xoài thuộc Long Điền, Long Kiên, kế đến Mỹ Khê, gần 10.000 thước về phía Đông, nằm sát Kho Vua, Bưng Bạc. Khi ấy Mỹ Khê đồng lầy, lau sậy mù mịt, đầy ma thiêng chướng khí, tiền nhân chưa xây dựng làng mạc mà chỉ khai phá gần 300 mẫu ruộng vườn.
Đợt khai phá thứ hai (1698-1700), bà Rịa một lần nữa xung phong hướng dẫn đoàn người khai phá tiếp phần đất trống Mỹ Khê trên 300 mẫu ruộng, chạy dài về Đông Nam hơn 10.000 thước, phỏng độ hai đợt gần 1.500 mẫu ruộng vườn. Bà có công khai khẩn, tự lực tự cường, tăng phần lương thực nuôi quân, công cao đức dày, trọn đời hi sinh cho đất nước, chẳng màng danh lợi...
“Vua Minh Mạng ngưỡng mộ tài đức của bà, cho bà giữ nguyên họ vua, ghi thêm hai chữ sương phụ Nguyễn Thị Rịa… Bà sống trọn đời độc thân, không chồng không con, thọ 94 tuổi, mất khoảng năm 1759…”.
Có một truyền thuyết khác…
Có một truyền thuyết khác về Bà Rịa, của các bô lão trong làng, được lưu truyền qua nhiều thời chống Pháp, chống Mỹ đến thế hệ này. Theo đó, người Pháp xây một ngôi mộ, gọi là mộ Bà Rịa, nhưng thực ra là mộ một người hành khất, không rõ đàn ông hay đàn bà, không biết người già hay người trẻ. Đó là một nấm mộ không tên, không người thừa nhận.
Về bà Rịa, chẳng ai biết thực hư ra sao, chỉ nghe nói thế, nghe nói có liên quan đến việc tranh chấp đất công của làng với người Pháp, rồi quan Pháp về, quan Pháp khảo, khảo về bà Rịa, khảo gốc tích, gia phả, gia tộc, phần mộ, tôn miếu... không ai biết gì cả. Quan khảo riết, rồi mỗi người một phách, người nói gốc Bình Định, người nói gốc Phú Yên, rồi chuyện không chồng, không con, không đền, không miếu...
Trong cuộc hội thảo (tháng 10/1998 tại Tam An), cụ Phạm Văn Kẹp, 80 tuổi, ấp 2 xã Tam An cũng cho biết, chuyện cụ nghe lại, cũng có hai tuyến dư luận về truyền thuyết, về ngôi mộ, ấy là do hai làng tranh chấp với nhau, có cụ làng này, làng kia chỉ lộn ngôi mộ. Theo như lời cụ Phạm Văn Kẹp thì cho đến khi mà người Pháp xây ngôi mộ này (1936), các cụ già làng cũng không ai biết rõ thực hư về ngôi mộ và truyền thuyết về Bà Rịa.